• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ Giao thông vận tải giải thích lý do dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể hoạt động

Thời sự 15/05/2020 07:32

(Tổ Quốc) - Theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại do còn đang thực hiện đánh giá an toàn hệ thống, hoàn thành xử lý các khiếm khuyết hạng mục thiết bị trước khi bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành khai thác.

Bộ Giao thông vận tải giải thích lý do dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể hoạt động - Ảnh 1.

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV, cử tri thành phố Hà Nội đã gửi một số kiến nghị liên quan đến vấn đề dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Cử tri Hà Nội cho rằng, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông điều chỉnh tăng 200% so với mức Tổng đầu tư ban đầu, 8 lần chậm tiến độ so với cam kết, ảnh hưởng đến mục tiêu vận tải hành khách công cộng của Thành phố Hà Nội, tiềm ẩn sự thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.

Theo đó, cử tri đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải giải trình về dự án trước Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng trên.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án  đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008.

Bộ Giao thông vận tải cũng lý giải các nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến dự án này chậm nhiều lần và tổng mức đầu tư đã điều chỉnh tăng. Cụ thể, nguyên nhân chủ quan được Bộ GTVT cho biết đó là: Thiết kế cơ sở ban đầu còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật.

Nguyên nhân tiếp theo là chờ Nhà tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho Hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài; Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) là cơ quan quản lý, cung cấp nguồn vốn vay không thiết lập đại diện thường trú tại Việt Nam, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành cấp vốn thực hiện dự án.

Tiếp đó là Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) chưa thực hiện theo đúng cam kết tiến độ. Cùng với đó, cách thức triển khai thực hiện Dự án ở mỗi nước có sự khác biệt, đặc biệt là cách thức lập hồ sơ thiết kế, hồ sơ nghiệm thu thanh toán. Công tác giải ngân của Hiệp định vay bổ sung gặp nhiều vướng mắc do các bên chưa thống nhất được ý kiến pháp lý. Ngoài ra, các quy định và chế tài xử lý đối với hợp đồng EPC chưa đầy đủ.

Về nguyên nhân khách quan, Bộ GTVT cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng tài TP Hà Nội chậm và phức tạp, không đáp ứng được yêu cầu công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật. Cùng với đó là sự khác biệt về quy định giữa 2 quốc gia về các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm trong thiết kế, thi công và dự toán gây khó khăn trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện... 

Đối với trách nhiệm của các bên liên quan, Bộ GTVT cho biết, dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu thì chủ đầu tư là Bộ, đại diện chủ đầu tư Ban Quản lý dự án Đường sắt chịu trách nhiệm trong quản lý điều hành dự án; Đơn vị tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án; Chủ đầu tư của  phần GPMB là UBND thành phố Hà nội chịu trách nhiệm trong công tác GPMB; tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng.

Cũng theo Bộ GTVT, đến nay dự án vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại do còn đang thực hiện đánh giá an toàn hệ thống, hoàn thành xử lý các khiếm khuyết hạng mục thiết bị trước khi bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành khai thác. 


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ