• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải là kiến trúc sư của nền kinh tế

Kinh tế 25/01/2017 13:08

(Tổ Quốc) -Trong phát biểu chỉ đạo công tác của ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không phải là “bộ chia tiền” mà là nơi làm thể chế, chính sách để phát triển, là kiến trúc sư của nền kinh tế.

Mặc dù những khó khăn chồng chất đến từ bên ngoài và trong nước nhưng năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đi đầu trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà nổi bật nhất là xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 mà sau gần 1 năm triển khai trong cả nước, chỉ số thuận lợi kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc, xếp thứ 82/190 nền kinh tế (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quà lưu niệm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư  (Nguồn: Báo Đầu tư)

Đáng chú ý, Bộ đã và đang tiếp tục tìm kiếm, khai thác tiềm năng “động” của nền kinh tế trong bối cảnh tiềm năng “tĩnh” cho phát triển, hiện đã dần “tới hạn” với việc khởi soạn một số mô hình phát triển kinh tế-xã hội lần đầu tiên để trình cơ quan có thẩm quyền, như các Đề án xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế, đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội ngày 11/1,  Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; làm tốt vai trò, chức năng của một Bộ tham mưu tổng hợp chiến lược quan trọng của Đảng và Chính phủ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, gắn liền với những kết quả của nền kinh tế.

Bộ trưởng thừa nhận, mặc dù có nhiều cố gắng, song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần giải quyết như: tham nhũng, lãng phí vẫn chưa khắc phục được; đầu tư công chưa hiệu quả; bội chi ngân sách còn cao; nợ xấu còn nhiều; mất cân đối thu – chi ngân sách; hệ thống ngân hàng hoạt động chưa vững; chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng; đời sống của một bộ phận người dân, công nhân, nông dân... còn rất nhiều khó khăn…

Điều này đặt ra hàng loạt các thách thức, đòi hỏi các bộ ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải suy nghĩ làm thế nào để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, giàu mạnh hơn, người dân được ấm no, hạnh phúc và hưởng thụ xứng đáng từ những thành quả của phát triển, lấy lại niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp.

Điểm lại những thành tựu chính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch với hàng chục Nghị định, văn bản, Luật, Nghị quyết; bước đầu đề cập đến việc đổi mới mô hình tăng trưởng với những mô hình đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt, kinh doanh casino...; công tác nghiên cứu, thống kê có một số tiến bộ, tổng kết được nguồn lực đất nước. 

Dù vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế của Bộ và đề nghị có những biện pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới.

Thủ tướng thẳng thắn: "Tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chưa gần dân, sát dân; còn có tư duy cũ trong làm chính sách, vẫn còn tình trạng hách dịch, cửa quyền, quan liêu. Đặc biệt chính sách ban hành chưa thực sự huy động được nguồn lực xã hội tốt".

Lập kế hoạch có vai trò quan trọng trong việc sử dụng đồng tiền, hạt gạo của dân

Đề cập đến nhiệm vụ của ngành kế hoạch và đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh, là cơ quan soạn thảo Nghị quyết 01 để trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ thảo luận, ban hành nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết này. “Bộ không đổi tên nhưng phải đổi cách làm, đổi mới tư duy, vì Bộ Kế hoạch và Đầu tư là kiến trúc sư trưởng của đất nước”, Thủ tướng nói.

Viện dẫn ví dụ về làm quy hoạch trong dự án xây dựng tại Giảng Võ, Thủ tướng cho rằng, nếu không cải thiện được tư duy về hạ tầng xung quanh khu Giảng Võ mà nếu cứ làm 10 nhà 50 tầng ở đó thì thảm họa đang đến với Hà Nội.

“Chưa làm đã tắc đường, nếu làm nữa thì biết đi đường nào. Không phải cấm làm nhà cao tầng mà hạ tầng xung quanh khu vực này như thế nào để giải tỏa mặt bằng. Phải làm hạ tầng mới làm nhà cao tầng. Không cấm làm nhà cao tầng ở đây, nhưng phải làm hạ tầng kết nối để giải phóng khu này cho người dân”, Thủ tướng nêu rõ.

Năm 2017, Thủ tướng yêu cầu Bộ cần rà soát để có bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Ngành Kế hoạch và Đầu tư phải tiên phong trong tái cơ cấu từ bên trong, từ ngành kế hoạch và đầu tư cả nước vì đây chính là cơ quan được giao soạn thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế.

Về cách làm kế hoạch, Thủ tướng lưu ý, nền kinh tế hiện nay chuyển đổi cơ chế thị trường, nhà làm quy hoạch phải tư duy trước một bước chứ không phải chỉ thay đổi theo.

“Chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là lập kế hoạch cho Nhà nước chứ không phải lập kế hoạch thay cho thị trường.

Cùng với đó, việc lập quy hoạch không thể chỉ khép kín trong nội bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà thay vào đó phải có sự tham gia góp ý, phản biện của giới chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng dân chủ. Lập quy hoạch còn phải xóa bỏ lợi ích nhóm, loại bỏ việc đan xen bất hợp lý các lợi ích cục bộ của bộ, ngành, các tập đoàn trực thuộc và doanh nghiệp thân hữu. Lập quy hoạch phải dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích ngắn hạn không được mâu thuẫn với chiến lược dài hạn", Thủ tướng yêu cầu.

Theo Thủ tướng, hiện nay tổng vốn đầu tư Nhà nước chiếm hơn 37,6%, tức hơn 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chính vì vậy, một sự phân bổ sai, kém hiệu quả sẽ gây lãng phí nguồn lực rất lớn, thậm chí nhiều khi là tai họa cho nền kinh tế mà phải rất nhiều năm mới khắc phục được. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu: "Là cơ quan tham mưu lập kế hoạch phân bổ vốn đầu tư cho Chính phủ, vì vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần ý thức được trách nhiệm và vinh dự trong vấn đề này. Các nhà lập kế hoạch có vai trò quan trọng trong việc sử dụng từng đồng tiền, hạt gạo của dân".

Người đứng đầu Chính phủ phân tích: "Mặc dù đã tăng cường phân cấp đầu tư mạnh cho địa phương nhưng tình trạng 63 nền kinh tế vẫn đang diễn ra. Vì vậy, cần có biện pháp xử lý, đó chính là tư duy chiến lược".

Ngoài ra, một kiến trúc sư giỏi tức là dù trong điều kiện nguồn lực eo hẹp nhất vẫn có thể đưa ra một thiết kế tốt nhất. Việt Nam đang ở trong tình trạng này. Do vậy, cách tính toán nào để có hiệu quả nhất là câu hỏi đặt ra cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bài toán lớn của Bộ với tư cách là kiến trúc sư trưởng.

Thủ tướng mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đi tiên phong trong kiến tạo phát triển với tư cách là thành viên chủ chốt của Chính phủ Việt Nam./.

Hà Giang (T/h)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ