(Tổ Quốc) - Tại kỳ họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật An ninh mạng. Hầu hết các ý kiến đều tập trung vào quy định liên quan đến yêu cầu đặt máy chủ tại Việt Nam.
Theo khoản 4 điều 27 của dự thảo, các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam; phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam khi có từ 10.000 người Việt Nam sử dụng trở lên hoặc khi có yêu cầu của Chính phủ.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu (Nguồn: SGGP). |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu người sử dụng Việt Nam và các dữ liệu quan trọng khác được thu thập, tạo ra từ hoạt động khai thác cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia của Việt Nam...
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Võ Trọng Việt cho biết, qua thẩm tra nội dung quy định về quản lý an ninh mạng đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam (khoản 4 Điều 34), một số ý kiến không nhất trí với quy định các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam và đề nghị nghiên cứu phương pháp quản lý khác cho phù hợp.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, “vấn đề chính không phải là đặt máy chủ, mà hiểu nôm na là chúng ta phải quản lý được thông tin người sử dụng ở Việt Nam, thông tin tạo ra tại Việt Nam, liên quan đến Việt Nam. Đó là những tài nguyên quan trọng của quốc gia”.
Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, thông tin điểm c khoản 4 điều 27 đã được sửa lại. Trước đây quy định đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng có ý kiến nói rằng máy chủ còn hoạt động nhiều thứ, vì vậy dự luật không quan tâm đến máy chủ nữa mà chỉ quan tâm đến dữ liệu.
“Các nhà khoa học cũng đã hội thảo và đi đến kết luận đây là bản chất của vấn đề", Thượng tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thông tin.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, trong Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đã có yêu cầu đặt máy chủ, tuy nhiên "chuyện này chưa thành tiền lệ trên thế giới nên còn tranh cãi".
Thứ trưởng Hưng cũng chia sẻ quan điểm của Bộ Công an về yêu cầu buộc các nhà mạng lưu trữ thông tin trong một thời gian nhất định để khi cần cơ quan điều tra phải truy được dấu vết, trích xuất được thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Thiếu tướng Đinh Thế Cường - Cục trưởng Cục công nghệ Thông tin (Bộ Quốc phòng) phân tích, về kỹ thuật, thông tin đi vào hay đi ra một quốc gia đều có thể sao lưu, ghi lại. Việt Nam cần thông tin quốc tế vào và cũng cần chuyển tải thông tin chính thống ra nước ngoài. Tuy nhiên, để tránh tình trạng vi phạm an ninh thì cơ quan chức năng cần có chứng cứ để điều tra, kiểm soát khi cần thiết.
"Việc đặt máy chủ bắt buộc trong nước hay không không cần thiết mà phải làm sao kiểm soát được tất cả thông tin đi vào, đi ra. Vấn đề này Chính phủ có yêu cầu giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng tường lửa quốc gia, cùng Bộ Công an quản lý. Như vậy sau này hoàn toàn có thể kiểm soát được thông tin", ông Cường cho hay.
Trước băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về việc "quy định lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam có khả thi không, khi kho dữ liệu ở không gian mạng. Nếu họ chuyển ra nước ngoài thì làm sao biết được?"
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, về nguyên tắc, dữ liệu của Việt Nam thì phải ở Việt Nam, "đấy là yêu cầu, còn cách thức tổ chức như thế nào thì sau này sẽ bàn".
Trong khi đó, Trung tướng Hoàng Phước Thuận (Cục trưởng An ninh mạng, Bộ Công an) cho rằng, "Cơ sở dữ liệu người dùng Việt Nam là tài sản quốc gia rất lớn, nếu chúng ta không kiểm soát được thì nó có thể bị sử dụng để tấn công vào các mục tiêu khác, có thể sử dụng để chiếm đoạt bí mật, không những của cá nhân đó mà bắc cầu tấn công vào hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia. Vì vậy, việc bảo vệ hệ thống cơ sở dữ liệu người dùng rất cần thiết", ông Thuận nhấn mạnh.
Luật An ninh mạng được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV và dự kiến sẽ tiếp tục được thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV ./.
Hà Giang