• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch: Nếu đợi áp lực mới làm thì… muộn!

Du lịch 07/04/2017 06:00

(Tổ Quốc)- Theo các chuyên gia du lịch, mặc dù Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch không phải là văn bản pháp luật, không có tính chất bắt buộc, nhưng nếu doanh nghiệp đợi có áp lực mới làm thì…muộn, bởi lẽ những vấn đề nêu trong Bộ quy tắc thực chất các doanh nghiệp phải tự thực hiện từ lâu.

Bộ VHTTDL vừa ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch dành cho du khách, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch. Bộ Quy tắc đề cập đến nhiều nội dung, hàm chứa nhiều vấn đề "nóng" của ngành Du lịch, với kỳ vọng tiếp thêm động lực để nâng cao chất lượng và làm thay đổi môi trường du lịch Việt Nam.

Bộ Quy tắc ứng xử đưa ra khung cơ bản, định hướng chung, trên cơ sở đó, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch có thể vận dụng để xây dựng tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn, quy định về ứng xử văn minh du lịch phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, theo kế hoạch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung tổ chức một số hoạt động phát động về ứng xử văn minh du lịch tại một số trọng điểm du lịch tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Đối tượng trực tiếp tham gia hoạt động tuyên truyền là các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn, hướng dẫn viên, người dân địa phương…

Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các địa phương cụ thể hóa nội dung về ứng xử văn minh khi đi du lịch bằng các hình ảnh, khẩu hiệu sinh động, lôi cuốn để nâng cao hiệu ứng tuyên truyền tới từng đối tượng cụ thể (Ảnh: doanhnhansaigon)

Ngoài ra, sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp lữ hành tổ chức phát động Chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt hướng tới đối tượng là người Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước; Phối hợp với một số địa phương cụ thể hóa nội dung về ứng xử văn minh khi đi du lịch bằng các hình ảnh, khẩu hiệu sinh động, lôi cuốn để nâng cao hiệu ứng tuyên truyền tới từng đối tượng cụ thể.Lồng ghép nội dung tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch vào các tờ rơi, tập gấp, bản đồ, sách hướng dẫn du lịch của địa phương và doanh nghiệp để cung cấp cho khách tại các quầy thông tin du lịch, quầy bán vé tham quan...; Triển khai hoạt động tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch trên các phương tiện truyền thông nhằm tạo hiệu ứng mạnh mẽ, có sức lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng và thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam.

Báo điện tử Tổ Quốc ghi nhận những ý kiến của các chuyên gia du lịch về vai trò, ý nghĩa của bộ quy tắc này:

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Đây là một trong các giải pháp để nâng cao chất lượng và thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam

Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nó là văn bản có tính chất quy tắc, quy định những nội dung mang tính chuẩn mực chung  nên chỉ mang tính chất khuyến cáo, định hướng về nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thái độ, cách ứng xử văn minh của các đối tượng tham gia vào quá trình du lịch từ người dân đến doanh nghiệp, khách du lịch, cơ quan quản lý nhà nước. Vì đây không phải là văn bản pháp luật nên không có chế tài, không có quy định mang tính chất bắt buộc và nếu có những vi phạm thì sẽ có hình thức xử lý.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung (Ảnh: Nam Nguyễn)

Thời gian tới, Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch sẽ được phổ biến sâu rộng đến các Sở VHTTDL, Sở Du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn trên cả nước để định hướng chung cho các địa phương, doanh nghiệp có thể vận dụng xây dựng tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể phù hợp với đối tượng cần hướng tới.

Để nâng cao chất lượng và thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam, chúng ta không thể chỉ kỳ vọng vào một bộ quy tắc này. Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch chỉ là một giải pháp trong các giải pháp để nâng cao chất lượng và thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam. Chỉ khi nào chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng cường vai trò quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm cùng với quá trình vận động, thuyết phục, tạo dư luận xã hội thì môi trường du lịch sẽ dần tiến bộ và đi vào nền nếp.

Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Cần làm từ những việc bé nhất

Việc ban hành quy tắc ứng xử văn minh du lịch dành cho khách du lịch trong và ngoài nước là một việc cần thiết, chỉ có điều làm sao để tất cả những ý tưởng đó đi vào thực tiễn. Để khách du lịch trong nước và nước ngoài đều hiểu được và làm theo thì cần phải có một quá trình. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã hưởng ứng triển khai, thậm chí đi tiên phong trong việc kêu gọi ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch từ năm 2016. Tại Hội chợ VITM 2016 đã tổ chức lễ phát động Nâng cao hình ảnh du khách Việt với sự tham gia của hơn 2 ngàn sinh viên và hàng trăm doanh nghiệp du lịch. Đây cũng đã là hoạt động đầu tiên hướng tới việc nâng cao hình ảnh du lịch Việt bằng việc những ứng xử của người Việt phải được thay đổi.

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (Ảnh: Trung tâm tin TCDL)

Từ năm 2016, Hiệp hội đã ban hành những quy tắc ứng xử, nhằm vào những vấn đề đơn giản, ngắn gọn, để dễ thực hiện, đặc biệt là chúng tôi tập trung vào 10 điều cần phải thực hiện trong khi đi du lịch. Đó là những điều rõ ràng, đơn giản và ai cũng có thể thực hiện được, nhưng rất tiếc là hầu hết chúng ta lại không thực hiện. Cho nên, Hiệp hội đang vận động tất cả các doanh nghiệp đăng ký triển khai cho tốt 10 điều cần làm trong khi đi du lịch. Ngoài ra, hiệp hội đã đưa ra 108 lời khuyên cho những người đi du lịch và đó cũng là nội dung cơ bản của quy tắc ứng xử mà bộ vừa mới ban hành.

Để triển khai được ý tưởng tốt đẹp của Bộ Quy tắc, cần có một kế hoạch hành động chi tiết, làm từ những việc bé nhất, thì chúng ta mới có thể hy vọng thay đổi nhận thức và hành động của người dân Việt Nam khi đi du lịch. Thậm chí, không phải chỉ là đi du lịch, mà trong tất cả các hành vi cư xử hàng ngày, người dân cũng phải nâng tầm văn hóa để xứng đáng với thông điệp là người Việt Nam hiền hòa, mến khách, thân thiện. Việc ban hành quy tắc ứng xử văn minh du lịch là việc rất cần thiết. Tôi hy vọng các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch sẽ triển khai những chương trình hành động mạnh mẽ để thực hiện tốt bộ quy tắc mà chúng ta đã ban hành.

Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Hanoitourist: Đợi áp lực mới làm thì muộn

Đối với chúng tôi, Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch là một sự tổng hợp, một bộ tiêu chí và các doanh nghiệp du lịch phải tự coi nó như là pháp lệnh bắt buộc với mình. Thực chất, những vấn đề nêu trong Bộ quy tắc, các doanh nghiệp phải tự thực hiện từ lâu. Có thể chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã tự xây dựng, tự vận động thực hiện, đặc biệt là những hành vi ứng xử của người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Nay, Bộ VHTTDL đã tổng hợp và ban hành thành bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên quy mô cả nước, đấy là một tín hiệu vui, giống như một sự cam kết của Nhà nước chứ không chỉ các doanh nghiệp nữa về văn hóa ứng xử.

Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist (Ảnh: Lâm Minh)

Với Bộ quy tắc này, du khách quốc tế khi tìm hiểu, nghiên cứu về du lịch Việt Nam,  họ sẽ hiểu Việt Nam là điểm đến mà Nhà nước quan tâm đến văn hóa ứng xử và thấy an tâm hơn. Thế nhưng, nếu các doanh nghiệp đợi có áp lực mới làm thì muộn. Với Bộ quy tắc này, chúng tôi sẽ củng cố những điều mà chúng tôi đã và đang thực hiện là đúng, đồng thời bổ sung những điều chưa làm tốt hoặc chưa coi trọng.

Bên cạnh đó, nhờ Bộ quy tắc này, chúng tôi sẽ đưa vào quy trình đào tạo, tái đào tạo cán bộ, nhân viên, đặc biệt những người trực tiếp tiếp xúc du khách hàng ngày phải thấm nhuần những điều này. Tôi nghĩ là nếu mỗi doanh nghiệp có ý thức thực hiện tốt Bộ quy tắc, sẽ góp phần đảm bảo cho sự thành công về dịch vụ của mình./.

Lâm Minh

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ