(Tổ Quốc) - Bộ sách chất liệu bằng lá cây này đã được truyền qua nhiều đời và trở thành một báu vật vô giá đối với đồng bào người Khùa ở nơi vùng biên giới tỉnh Quảng Bình.
Bộ sách lá hàng trăm tuổi này hiện đang được ông Hồ Thoong (SN 1962), tộc trưởng của một dòng họ trong cộng đồng người Khùa (Bru - Vân Kiều) ở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) cất giữ như một vật báu gia truyền.
Ông Hồ Thoong cho biết, ông từng được truyền lại hai cuốn sách lá, hiện ông giữ một cuốn, một cuốn ông đã giao lại cho cơ quan chức năng nghiên cứu.
Bộ sách lá này được Hồ Thoong cất giữ rất cẩn thận. |
Khi chúng tôi được ông Thoong cho xem cuốn sách, chúng tôi khá bất ngờ vì sách không giống như những cuốn sách bình thường khác. Bìa sách được làm bằng hai thanh gỗ nhỏ và chiều dài cỡ khoảng ống tay người lớn.
Theo ông Thoong, cuốn sách này dài khoảng 50cm, có 150 trang, mỗi trang rộng khoảng 5cm và được viết 4 hàng chữ cả hai mặt, bằng chữ Lào cổ, các trang được nối với nhau bằng sợi chỉ bện, hai bìa sách làm bằng hai thanh gỗ.
Còn cuốn giao cho cơ quan chức năng nghiên cứu dài khoảng 60 cm, có 200 trang, mỗi trang có 4 dòng chữ viết.
Sách được viết bằng chữ Lào cổ. |
Tuy nhiên, cụ thể những cuốn sách được làm như thế nào thì chính ông Hồ Thoong cũng không biết.
Ông nói chỉ nghe bố kể lại rằng, người Lào gọi loại lá được dùng để viết sách là lá tan hay lá buông (trông giống lá cọ của người Việt Nam). Khi cây này ra lá non, phải buộc ngọn lá lại trong vòng một năm trời, không cho lá bung ra thì lá mới cứng và có thể khắc được chữ. Sau một năm buộc ngọn lá thì đưa lá về phơi khô.
Còn loại mực viết trên lá là mực tàu, trộn với mật của một loại cá chỉ sống ở khe suối. Khi viết, người ta lấy một thanh sắt nhỏ, mài nhọn rồi nhúng vào mực, sau đó khắc lên từng lớp lá mỏng nhưng rất cứng đó.
Viết được một cuốn sách dày 150 trang như vậy không phải dễ, ngoài những kiến thức tổng hợp, người viết phải vô cùng cần mẫn và cẩn thận.
Với đồng bào người Khùa, bộ sách lá này được xem như một báu vật vô giá. Bộ sách này đã trải qua hàng trăm năm, truyền từ đời này sang đời khác.
Cuốn sách rất đặc biệt, vì không giống như những cuốn sách bình thường khác. |
Theo một số cụ cao niên người Khùa, những bộ sách này do tổ tiên viết lại và có nội dung về những bài văn, những câu thơ của người Khùa xưa. Có cuốn ghi lại cách học võ nhằm rèn luyện sức khoẻ để chống lại các bệnh tật, thú rừng.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn viết gia phả ghi lại dòng tộc, tổ tiên và cách giáo dục con cháu, khuyên răn con cháu trong nhà làm những điều lành, tránh điều ác, sống thuỷ chung.
Trước đây, nhiều dòng họ lưu giữ những cuốn sách lá tương tự như sách của ông Hồ Thoong, nhưng do chiến tranh nên thất lạc, hư hỏng.
“Những năm chiến tranh, các cuốn sách này được tôi cất dấu trong hang đá, sau chiến tranh lại đưa về cất giữ trong nhà. Từ xa xưa tới giờ, sách này luôn được cất giữ rất cẩn thận, vì nó được chúng tôi xem như báu vật của tổ tiên. Cho nên, dù không đọc được nội dung trong cuốn sách, nhưng tôi phải lưu giữ cho con cháu đời sau” ông Hồ Thoong nói.
Hải Thanh