• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông trong năm học 2021-2022

Giáo dục 25/02/2022 18:53

(Tổ Quốc) - Bộ GDĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung biên chế theo lộ trình đến năm 2025, trước mắt năm học 2021-2022 trình bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông, thông tin được đưa ra tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh Covid-19 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức sáng nay (25/2).

Tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, tính đến tháng 5/2021, cả nước có 1.190.443 giáo viên, trong đó giáo viên công lập 1.108.391, ngoài công lập 82.052; biên chế 1.059.729, hợp đồng trong các trường công lập 48.662. Trong tổng số hơn 1 triệu giáo viên mầm non, phổ thông, tỷ lệ giáo viên ngoài công lập chiếm 6,9% tổng số giáo viên của cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho hay, theo quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục thừa 10.178 giáo viên (trong đó thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315 giáo viên THPT), thiếu 94.714 giáo viên (trong đó: thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT). Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán… thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật...

Trong bối cảnh số học sinh huy động ra lớp ngày càng tăng, yêu cầu về đảm bảo chất lượng giáo dục ngày càng cao, trong khi biên chế giáo viên không tăng đã gây ra áp lực không nhỏ đối với ngành Giáo dục. Bộ GDĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung số biên chế trên theo lộ trình đến năm 2025, trước mắt năm học 2021-2022 trình bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.

Bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông trong năm học 2021-2022 - Ảnh 1.

Phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến (ảnh: Quochoi.vn)

Hiện nay, Bộ GDĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06, Thông tư số 16 cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông, Bộ GDĐT đề nghị Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tăng cường các hoạt động giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại các địa phương, cơ sở sở giáo dục.

Đồng thời, có ý kiến với Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GDĐT giao bổ sung số biên chế giáo viên còn thiếu cho ngành Giáo dục theo lộ trình (94.714 biên chế trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2026).

Mặc dù các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như: dồn dịch trường, lớp; bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên... nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn không thể khắc phục, nhất là trong bối cảnh các địa phương vừa phải giải quyết bài toán thiếu giáo viên lại vừa phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Do đó, Bộ GDĐT đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có ý kiến với Chính phủ để có phương án tinh giản biên chế phù hợp đối với ngành Giáo dục; không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học vì chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức nhưng vẫn yêu cầu giảm 10% biên chế dẫn đến thiếu nhiều giáo viên đứng lớp.

Trao đổi tại phiên giải trình về vấn đề thừa, thiếu giáo viên hiện nay, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần giải pháp tổng thể, lâu dài và bền vững để giải quyết vấn đề thừa, thiếu giáo viên. Ngoài ra, đây cũng không chỉ là việc của ngành Giáo dục mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương. Với xu hướng tỷ lệ dân số ngày càng tăng, tỷ lệ huy động trẻ đến trường ngày càng lớn, đòi hỏi về chất lượng giáo dục ngày càng cao… Bộ trưởng nhận định, nhu cầu về giáo viên sẽ ngày càng nhiều hơn, vì vậy, sẽ cần ngay giải cấp bách để giải quyết sớm vấn đề thiếu giáo viên.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề cập cụ thể tới một số giải pháp để giải bài toán thiếu giáo viên như quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường lớp; các địa phương theo phân cấp cần chủ động điều tiết giáo viên ngay trong địa phương phù hợp với vùng miền, bậc học; tăng cường chuyển đổi số, mở rộng hệ thống bài giảng điện tử, nhất là đối với các môn học đặc thù như Tin học, Mỹ thuật, Nghệ thuật… đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa ở những nơi có điều kiện.

Về phía ngành Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Thiếu giáo viên không phải vấn đề mới và thiếu thì vẫn phải bù đắp, yêu cầu ở đâu có học sinh ở đó phải có giáo viên đứng lớp cũng là phương châm của Bộ Chính trị. Nên năm học này Bộ Nội vụ và Bộ GDĐT đã phối hợp đề xuất bổ sung 27.850 biên chế cho viên chức giáo dục, ưu tiên đầu tiên cho khối mầm non và khu vực đô thị.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GDĐT cần sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục mầm non, phổ thông; tập trung rà soát lại quy mô, mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông trong cả nước để tính toán, sắp xếp lại cho phù hợp theo hướng tinh gọn các đầu mối. Đồng thời, tập trung rà soát lại các quy định hiện hành liên quan đến định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp. Tập trung hoàn thiện quy định pháp luật về tự chủ và xã hội hóa giáo dục...

Phương Anh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ