(Tổ Quốc) - Chiều 28/11, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú"; Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP.
- 28.10.2021 Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định nhạc sĩ là đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT
- 30.08.2019 Toàn cảnh Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX-2019
- 29.08.2019 Hình ảnh đầy xúc động và ấm áp của các nghệ sĩ bên người thân sau khi nhận danh hiệu NSND, NSƯT
- 29.08.2019 Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9: Ngày hội vinh danh những nghệ sĩ tiêu biểu
- 26.07.2019 391 nghệ sĩ được Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo các Sở VHTTDL, VHTT các địa phương, lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Trung ương, các Hội VHNT chuyên ngành cùng nhiều chuyên gia, văn nghệ sĩ…
Lạm dụng "trường hợp đặc biệt"
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, ngày 29/9/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú", đây là căn cứ pháp lý quan trọng để xét, tôn vinh những cá nhân đang hoạt động và có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với các văn nghệ sĩ trong tình hình mới, góp phần thực hiện có hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, việc trao tặng danh hiệu vinh dự cao quý của Nhà nước cho các nghệ sĩ thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước đối với các văn nghệ sĩ "những người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá" hết mình cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, qua đó góp phần động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ tiếp tục say mê trong sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, để có nhiều chương trình, tác phẩm, tiết mục nghệ thuật có giá trị phục vụ nhân dân.
Theo báo cáo của Vụ Thi đua Khen thưởng, triển khai thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, từ năm 2016 đến năm 2019, Bộ VHTTDL đã tổ chức được 02 đợt xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú", trong đó đã có 186 "Nghệ sĩ Ưu tú" được phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân"; và 686 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú" (năm 2016 có 102 NSND và 379 NSƯT; năm 2019 có 84 NSND và 307 NSƯT).
Trên cơ sở thực tiễn qua 02 đợt xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" năm 2016 và 2019 cũng như qua rà soát, tiếp thu ý kiến trao đổi của các đại biểu, chuyên gia chuyên ngành, các nghệ sĩ tại Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, để công tác xét tặng danh hiệu phù hợp hơn tình hình thực tiễn, Bộ VHTTDL đã tham mưu xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP với những quy định mới, cởi mở hơn theo hướng bám sát thực tế, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xét tặng, tôn vinh những nghệ sĩ có tài năng nổi trội của từng loại hình, ngành nghề nghệ thuật.
Ngày 30/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, cơ bản đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc cơ bản trong công tác xét tặng danh hiệu của những đợt xét tặng trước đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét tôn vinh các nghệ sĩ.
Công tác xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" lần thứ 10 theo quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP đang được thực hiện.
Qua nghiên cứu báo cáo của các Bộ/ngành; địa phương tổng kết về thực hiện Nghị định, qua việc xét tặng danh hiệu vừa được triển khai tại Hội đồng cấp Bộ/tỉnh và Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước của đợt xét tặng lần thứ 10, Bộ VHTTDL cho rằng, công tác xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" còn một số vướng mắc như: Một số Hội đồng cấp Bộ/tỉnh còn lúng túng trong việc xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" theo tiêu chí "trường hợp đặc biệt". Vì thế số lượng hồ sơ xét theo tiêu chí "trường hợp đặc biệt" nhiều hơn xét theo tiêu chí giải thưởng. Bản nhận xét, đánh giá của Hội đồng các cấp đối với những cá nhân xét theo tiêu chí "trường hợp đặc biệt" nhiều khi còn sơ sài, chưa thể hiện rõ nét sự cống hiến nội trội, tài năng xuất sắc của cá nhân trong loại hình, ngành nghề nghệ thuật mà họ đang hoạt động.
Bên cạnh đó, việc xác nhận thành phần tham gia của cá nhân trong chương trình, vở diễn, tiết mục đạt giải thưởng để tính quy đổi giải thưởng cho cá nhân của một vài cơ quan, đơn vị nghệ thuật chưa đúng tên gọi như thành phần quy định trong Bảng quy đổi.
Vướng mắc trong xác nhận về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp đối với các nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật tự do hoặc đối với những nghệ sĩ lớn tuổi, tham gia hoạt động nghệ thuật từ rất lâu, được đào tạo truyền nghề, không qua trường hợp đào tạo chuyên nghiệp, việc có được hợp đồng lao động từ đơn vị nghệ thuật hoạt động từ thời điểm mới vào nghề là rất khó vì qua thời gian lâu năm có thể đơn vị đã giải thể hoặc đổi tên nhiều lần, công tác lưu trữ không phục vụ được việc trích lục các hồ sơ lâu năm. Hồ sơ thiếu yếu tố chứng minh thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, gây khó khăn cho Hội đồng các cấp khi xét danh hiệu.
Một số địa phương, Trung tâm văn hóa tỉnh có chức năng hoạt động nghệ thuật cả chuyên nghiệp và không chuyên; vấn đề đặt ra là việc xem xét tính giải thưởng và thời gian hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ như thế nào cho phù hợp và đúng quy định.
Bổ sung nhạc công vào xét NSND, NSƯT
Tại Hội nghị, các đại biểu đã góp ý kiến đồng thuận với những vấn đề còn tồn tại trong việc xét danh hiệu NSND, NSƯT đồng thời có nhiều ý kiến góp ý nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại.
Ông Nguyễn Đăng Chương, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, có hơn 100 đơn vị nghệ thuật công lập, ngoài công lập trong đó có hàng nghìn nhạc công. Nhưng Nghị định hiện nay bỏ nhạc công ra ngoài việc xét danh hiệu NSND, NSƯT là điều thiệt thòi cho đội ngũ này. "Họ là những người ngồi dưới hố nhạc, không ai nhìn thấy, nhưng không có họ thì không có một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh được. Vở Chèo, Tuồng, Cải lương không có trống, phách thì làm sao thành tác phẩm. Vì vậy, nghị định tới đây cần đưa lực lượng này vào xét danh hiệu"- ông Nguyễn Đăng Chương nêu ý kiến.
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Chương, hiện nay chính sách của Nhà nước là đẩy mạnh xã hội hóa. Nhưng quy định xét danh hiệu lại đòi hỏi nghệ sĩ phải công tác trong đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp là không phù hợp. Thực tế có nghệ sĩ độc lập, chỉ biểu diễn ở các sân khấu khác nhau. Vì thế, theo ông Chương, xét danh hiệu nên xét trên tài năng chứ không phải là quy định họ phải vào 1 đơn vị nào.
Đồng quan điểm trên, NSƯT Trần Ly Ly- Quyền Cục trưởng Cục NTBD cho rằng, nhạc công giữ vai trò vô cùng quan trọng cho vở diễn nên nếu không xét danh hiệu cho đội ngũ này thì chúng ta sẽ mất đi những tài năng ở lĩnh vực này.
Theo bà Trần Ly Ly, cần bổ sung một thành phần quan trọng nữa để xét danh hiệu NSND, NSƯT là soạn giả chuyển thể. "Họ gần như tác giả thứ 2. Ví dụ họ chuyển thể kịch bản thành chèo thì phải am hiểu chèo, chuyển thể cải lương phải am hiểu cải lương. Soạn giả chuyển thể vô cùng quan trọng có thể không bằng tác giả, nhưng họ rất giỏi và nếu không được tính thì rất thiệt thòi và nền VHNT sẽ thiếu vắng những tác giả, tác phẩm tốt"- bà Trần Ly Ly nhận định.
Theo Đại tá, NGƯT Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường ĐH VHNT Quân đội, quy định về tuổi chưa rõ tiêu chí. Việc xác định tuổi nghệ sĩ áp dụng theo luật lao động là chưa phù hợp. Vì nghệ sĩ trẻ không có nghĩa là không cống hiến bằng nghệ sĩ cao tuổi hơn.
Ông Nguyễn Xuân Thủy nêu ví dụ, trường hợp NSND Lê Khanh hơn 30 tuổi đã được phong tặng danh hiệu NSND. Cần xét trên những đóng góp của họ hơn là xét trên tuổi.
Ngoài ra, đối với đối tượng nghệ sĩ làm nhà giáo, nếu chỉ xét danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân mà không xét danh hiệu nghệ sĩ thì rất thiệt thòi. "Tôi nhớ lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói "Nghề dạy học là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo. Nếu chỉ xét NGND, NGƯT thì thiệt thòi. Vẫn nên để NSND, NSƯT ở cơ sở đào tạo vì họ xứng đáng"- ông Nguyễn Xuân Thủy nói.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, các ý kiến đóng góp tại Hội nghị được Bộ lắng nghe nghiêm túc. Tới đây để xây dựng nghị định mới, Bộ VHTTDL sẽ giao cho các cơ quan quản lý của Bộ xem xét bổ sung thêm đối tượng là những người sáng tạo ra các tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đạo diễn, diễn viên, họa sĩ…". Tuy nhiên, đây là vấn đề vô cùng khó khăn, làm thế nào để tránh được xét tặng danh hiệu cao quý nhưng không được xét trùng. Để làm được điều này, cần phải nghiên cứu và đánh giá những tác động sâu hơn nữa"- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng cho biết thêm, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 89 và Nghị định 40 được Bộ VHTTDL xác định là nhiệm vụ quan trọng. Trong thời gian tới, sẽ có những buổi làm việc đặc thù với các bộ, ban, ngành, các hội chuyên ngành và đặc biệt là các địa phương để xin ý kiến. Thứ trưởng đề nghị, những người làm công tác thi đua khen thưởng, các Hội VHNT chuyên ngành tại địa phương, trong quá trình thực tiễn vô vàn những bất cập phát sinh, vướng mắc, cần có ý kiến góp ý, đề xuất giải pháp để thực hiện việc xét danh hiệu NSND, NSƯT thực sự tôn vinh những nghệ sĩ có tài năng, đánh giá đúng công lao đóng góp của họ đối với nền VHNT nước nhà./.