• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ sưu tập đặc biệt về đường sắt của ông Tuấn “hỏa xa”

Thực hiện: Đức Thảo | 21/10/2024

(Tổ Quốc) - Sau hàng chục năm săn tìm mẫu vật, mô hình liên quan đến “hỏa xa”, ông lão 72 tuổi ở Khánh Hòa hiện sở hữu bộ sưu tập có giá trị đặc biệt về lịch sử ngành Đường sắt.

Bộ sưu tập đặc biệt về đường sắt của ông Tuấn “hỏa xa” - Ảnh 1.

Căn nhà của ông Đặng Anh Tuấn (72 tuổi), nằm ven chợ Đầm, TP. Nha Trang, cách ga Nha Trang chừng một cây số từ lâu đã nổi tiếng. Bởi bộ sưu tập về xe lửa có một không hai tại Việt Nam của ông được nhiều người coi là “bảo tàng thu nhỏ” về ngành Đường sắt.

Trong căn phòng ở tầng trên ngôi nhà thường đóng cửa im lìm là cả một cơ ngơi đồ sộ của ông Tuấn sau hành trình gom góp kéo dài gần 30 năm qua. Ông kể, hồi đó gia đình sống gần ga Nha Trang, nên cả tuổi thơ của ông đã gắn liền với tiếng đầu máy xe lửa xình xịch, còi hú liên hồi,... dù ồn ào nhưng “cuốn hút lạ kỳ”.

Bộ sưu tập đặc biệt về đường sắt của ông Tuấn “hỏa xa” - Ảnh 2.

Ông Tuấn nhớ như in lần đầu được ngồi tàu lửa đến Đà Lạt cùng người thân vào năm 1965, ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của đất nước qua ô cửa sổ. “Cậu nhóc” khi đó bắt đầu mơ ước được một ngày chính tay sẽ lái những con tàu này.

Mười năm sau, anh thanh niên Đặng Anh Tuấn ở tuổi 18 chính thức bước chân vào ngành Đường sắt, và là một trong số ít thành viên tham gia vào lớp học lái tàu đầu tiên của tỉnh Phú Khánh (Phú Yên và Khánh Hòa trước khi chia tách tỉnh).

Tới mùa xuân năm 1977, ông Tuấn chính thức ngồi ở đầu máy xe lửa với tư cách phụ lái, chạy tuyến Nha Trang - Tuy Hoà. “Khi ấy cảm giác như mình được cưỡi gió, sung sướng lắm”, ông phấn khích khi nhắc lại thời trai trẻ. Càng đi, ông càng thấy Việt Nam vô cùng ngoạn mục và tươi đẹp.

Bộ sưu tập đặc biệt về đường sắt của ông Tuấn “hỏa xa” - Ảnh 3.

Một thời gian sau, ông Tuấn lùi về phụ trách công tác sửa chữa đầu tàu ở Nha Trang. Dù nhiều tiếc nuối, nhưng ông nhận thức được vị trí làm việc mới có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, “một sơ suất nhỏ sẽ gây nguy hiểm cho hàng nghìn người”. Vì vậy, tình yêu nghề, niềm đam mê với tàu lửa của ông càng thêm sôi sục.

Bộ sưu tập đặc biệt về đường sắt của ông Tuấn “hỏa xa” - Ảnh 4.

Do ở vị trí đặc biệt như thế, ông cũng có cơ hội tiếp cận và "nhặt nhạnh", mua lại đủ thứ người ta vứt đi như những đầu máy, ray xe, tà vẹt để đưa về nhà tích lũy. Giờ đây, chính những mẫu vật, mô hình "tưởng chừng như vứt đi" lại đang kể câu chuyện về ngành Đường sắt Việt Nam.

Bộ sưu tập đặc biệt về đường sắt của ông Tuấn “hỏa xa” - Ảnh 5.

Nổi bật trong căn phòng của ông là một chiếc tủ kính, bên trong xếp ngay ngắn những đồ vật. Đáng chú ý là 8 cây búa kiểm tra của công nhân sửa chữa đầu máy do chính ông tự làm trong thời gian còn công tác. “Chiếc búa dùng để gõ vào các bộ phận máy móc để kiểm tra các con ốc, lò xo. Do lúc đó khó khăn, anh em kỹ sư, công nhân đều tự làm búa”, ông Tuấn nói. Qua thời gian, thân những chiếc búa vẫn đen bóng vì được ông thường xuyên mang ra lau chùi, nâng niu như người bạn.

Bộ sưu tập đặc biệt về đường sắt của ông Tuấn “hỏa xa” - Ảnh 6.

Một trong những mẫu vật mà ông Tuấn tâm đắc là loạt phù điêu đúc bằng thép, đồng quý giá, từng được gắn trên đầu máy xe lửa Việt Nam. Chỉ tay vào chiếc khiên “Hỏa xa Việt Nam”, ông nói đây là một trong những kỷ vật quý giá của ngành Đường sắt mà ông may mắn giữ lại được. “Vào giai đoạn những năm 1980, các đầu máy loại này được công nhân rã ra đem bán, vì vậy tôi phải liên hệ, giữ lại nên mới còn đến bây giờ”, ông Tuấn kể. Logo Đường sắt nước ta thời đó là “HXV”, viết tắt cho Hỏa xa Việt Nam.

Bộ sưu tập đặc biệt về đường sắt của ông Tuấn “hỏa xa” - Ảnh 7.

Ngoài ra còn có các phù điêu khác có giá trị to lớn như logo đầu máy xe lửa hơi nước Fives Lille chế tạo năm 1949 tại Pháp và được sử dụng tại Việt Nam; logo đầu máy xe lửa hơi nước Alsacienne 231.300 (4-6- 4) chế tạo tại Pháp năm 1947 đã được sử dụng tại Việt Nam; logo đầu máy xe lửa diesel do Tập đoàn General Electric chế tạo tại Mỹ năm 1965 và đưa về Việt Nam sử dụng,…

Bộ sưu tập đặc biệt về đường sắt của ông Tuấn “hỏa xa” - Ảnh 8.

Một “nhân chứng” khác cho sự phát triển của ngành Đường sắt Việt Nam mà ông đang lưu giữ chính là những tấm vé tàu. Những tấm vé tàu sờn rách, bạc màu được ông gói trong những tấm nilon mỏng, đặt ngay ngắn trong khung kính. Hàng chục chiếc vé tàu qua nhiều thời kỳ, với đủ hình dáng, kích thước và màu sắc khác nhau. Theo ông, nhiều người không để ý, thường bỏ đi những tấm vé tàu, nên để tìm kiếm và lưu giữ rất khó khăn, dù vậy ông vẫn cơ bản hoàn thành bộ sưu tập vé tàu của riêng mình.

Bộ sưu tập đặc biệt về đường sắt của ông Tuấn “hỏa xa” - Ảnh 9.

Song điều tiếc nuối nhất của ông Tuấn trong hành trình sưu tập về hỏa xa, là việc không mua được chiếc máy đóng vé của ga Nha Trang được đưa đi thanh lý khi đổi mới, chỉ vì lý do cá nhân. “Tôi đã đi đến nhiều tỉnh thành, thăm nhiều bảo tàng nhưng không thấy nơi nào còn lưu giữ chiếc máy này. Rất mong ngành Đường sắt quan tâm, đầu tư một bảo tàng lớn để các hiện vật không bị mai một như thế nữa”, ông Tuấn trải lòng.

Bộ sưu tập đặc biệt về đường sắt của ông Tuấn “hỏa xa” - Ảnh 10.

Bên cạnh hiện vật, ông cũng sưu tầm hàng trăm hình ảnh, con tem quý giá liên quan đến ngành Đường sắt Việt Nam và thế giới. Riêng bộ sưu tập tem của ông lên hơn 700 chiếc, được lưu giữ như những cuốn sách để kể về lịch sử ngành Đường sắt Việt Nam. Trong đó, ấn tượng nhất là bộ tem siêu quý hiếm về những đầu máy kéo của chuyến tàu thống nhất đầu tiên nối liền hai miền Nam - Bắc năm 1976.

Năm 2023, ông đã đưa bộ tem “Locomotive - The journey of my life” (Đầu máy xe lửa - Hành trình của cuộc đời tôi) đi dự thi Triển lãm Tem quốc tế châu Á Đài Bắc, và đoạt giải Bạc hạng Tem chuyên đề Công Nghệ. Bộ tem này kể về lịch sử phát triển của ngành Đường sắt và đầu máy xe lửa Việt Nam cũng như thế giới qua từng giai đoạn. “Với tôi, mỗi giai đoạn nào đó của đường sắt đều giúp tôi nhớ lại hành trình của cuộc đời của mình”, ông Tuấn chia sẻ.

Bộ sưu tập đặc biệt về đường sắt của ông Tuấn “hỏa xa” - Ảnh 11.

Bên cạnh các hiện vật về ngành Đường sắt Việt Nam, ông Tuấn cũng sở hữu nhiều mô hình xe lửa của các quốc gia trên thế giới. “Bạn bè, gia đình biết tôi mê xe lửa nên cũng tặng các mô hình để làm phong phú thêm bộ sưu tập”, ông Tuấn cười nói, thêm rằng từ khi bắt đầu hành trình sưu tập về ngành Đường sắt, gia đình đã luôn ủng hộ ông, tạo thêm động lực để ông được sống với đam mê đến tuổi này.

Bộ sưu tập đặc biệt về đường sắt của ông Tuấn “hỏa xa” - Ảnh 12.

Dù vậy, ông Tuấn không bắt ép hay kỳ vọng ở con cháu tiếp nối đam mê của ông, nhưng trong tâm khảm vẫn mong muốn những mẫu vật, mô hình liên quan đến “hỏa xa” được lưu giữ với thời gian. “Sau này, con cháu muốn bán cứ bán, vì đến độ tuổi này tôi đã được sống với đam mê. Chỉ mong những hiện vật tiếp tục được phát huy giá trị của mình, kể về lịch sử phát triển của ngành Đường sắt nước ta”./.

Ngày 21/10 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Đường sắt Việt Nam.

Ngày 21/10/1946, cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt Việt Nam vinh dự được nhận nhiệm vụ tổ chức một chuyến tàu đặc biệt đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hải Phòng về Hà Nội sau chuyến thăm Pháp về. Sự kiện này đã đánh dấu một mốc son trong lịch sử Đường sắt nước ta.

Hình ảnh "Bác Hồ thăm và nói chuyện với cán bộ công nhân viên ngành Đường sắt tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, ngày 19/5/1955" được ông Tuấn lưu giữ.

NỔI BẬT TRANG CHỦ