Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, khi thay đổi phương án giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, giá ô tô nhập khẩu tăng nhiều hay ít tất cả mới chỉ là phỏng đoán do còn phụ thuộc vào cơ chế thị trường, vào cung cầu.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, khi thay đổi phương án giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, giá ô tô nhập khẩu tăng nhiều hay ít tất cả mới chỉ là phỏng đoán do còn phụ thuộc vào cơ chế thị trường, vào cung cầu.
Nhiều ý kiến lo ngại phương án giá tính thuế TTĐB mới sẽ khiến giá ô tô nhập khẩu đội lên 5-10%, thậm chí là 15-20% khiến giấc mơ ô tô giá rẻ ngày càng xa vời.
Chiều ngày 19/5, đại diện một số nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam công khai văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương về việc lấy ý kiến cho dự thảo nghị định hướng dẫn luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Trong văn bản này, nhóm các nhà nhập khẩu ô tô kiến nghị, giữ nguyên phương thức và giá tính thuế TTĐB theo hướng dẫn hiện hành nhằm tạo ra tính cạnh tranh công bằng cho tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng cũng như doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Hoặc đánh thêm thuế TTĐB đối với khâu nội địa của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để đảm bảo sự công bằng.
Nhóm doanh nghiệp này cũng thắc mắc là tại sao các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vốn rất thành công đối với các ngành khác nhưng riêng ngành lắp ráp ô tô thì chỉ luôn nhận được những lời than phiền và yêu cầu chính sách hỗ trợ đặc biệt. Ngoài ra, theo họ, chính sách mới này có thể tạo ra một sự phân biệt đối xử lớn giữa doanh nghiệp nhập khẩu và trong nước - điều mà không nên có trong bối cảnh thực hiện các cam kết với WTO.
Trước những thông tin trên, đại diện Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế cho hay, hiện tại Bộ Tài chính chưa chính thức nhận được bất kỳ công văn nào mà mới chỉ nghe thông tin qua phương tiện đại chúng.
Theo ông Thi, khi tính thuế TTĐB người ta chỉ quan tâm tới giá bán ra, nếu là nhà sản xuất thì là giá do nhà sản xuất bán ra, nhà nhập khẩu thì do giá nhà nhập khẩu bán ra. Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) kiến nghị hiện giá tính thuế TTĐB không công bằng bởi đều là nhà sản xuất, nhà kinh doanh nhưng đối với nhập khẩu thì giá tính thuế TTĐB chỉ tính giá đến cửa khẩu khi nhập từ nước ngoài trong khi sản xuất trong nước phải có cả lãi, phí lưu thông, quảng cáo, tiếp thị, tiếp tân, khánh tiết… được tính vào trong giá tính thuế.
"VAMA cho là mức chênh lệch này vào khoảng 25% tuy nhiên Bộ Tài chính đánh giá là không chính xác, lý do là chưa đưa ra được số liệu nào cho thấy chênh lệch là 25%. Tuy nhiên, hướng điều chỉnh vẫn căn cứ vào kiến nghị của VAMA vì trong các thành viên sản xuất ô tô Việt Nam, nhiều nhà sản xuất cũng có cả nhà sản xuất như Toyota hay Ford...”, ông Thi cho hay.
Theo ông Thi, trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thuế ô tô hạ dần từ mức cao và sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018 đối với ASEAN. Như vậy, giá tính thuế TTĐB với ô tô trong nước bao gồm cả chi phí lưu thông của nhà sản xuất trong khi nhà nhập khẩu chỉ tới cửa khẩu, chưa bao gồm chi phí lưu thông của nhà nhập khẩu thì cũng không đảm bảo công bằng.
Trước kiến nghị cho rằng, doanh nghiệp nhập khẩu chỉ là một nhà phân phối, mua đứt bán đoạn với nhà sản xuất chính hãng nên giá nhập khẩu đã bao đầy đủ các yếu tố giá vốn và chi phí bán hàng của nhà sản xuất, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, chưa có gì để làm căn cứ.
“Phải khẳng định lại một lần nữa là việc điều chỉnh phương án tính thuế để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng. Dự thảo Nghị định này đang xin ý kiến các cơ quan quản lý và còn tiếp tục tiếp nhận thông tin từ nhiều phía, kể cả người dân và các tổ chức liên quan”, ông Thi nói.
Đối với lo ngại phương án giá tính thuế TTĐB mới sẽ khiến giá ô tô nhập khẩu đội lên 5-10%, thậm chí là 15-20% khiến giấc mơ ô tô giá rẻ ngày càng xa vời, ông Thi khẳng định: "Giá tăng nhiều hay ít tất cả mới chỉ là phỏng đoán. Giá tăng hay không tăng phụ thuộc vào cơ chế thị trường, có lúc nhập về không bán được thì giá có hạ không hay bán bằng giá cũng chả bán được?”
Theo ông Thi, nếu ô tô trong nước chất lượng tăng thêm thì rõ ràng là tự nhiên cạnh tranh trong nước tăng lên, giá giảm và người dân được lợi từ đó. "Không phải có kết cấu thuế một tí vào đấy thì giá tăng, có lúc không có thuế, giá vẫn tăng vù vù mà có khi có thuế giá vẫn có thể giảm”, ông Thi nói.
Phương Dung
(Nguồn: Dân trí)