Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: Quy hoạch vùng phải chú trọng phát triển du lịch văn hóa
(Tổ Quốc) - Điểm sáng ở dải đất miền Trung là độ đậm đặc văn hóa và di sản văn hóa, trong đó có văn hóa Chăm; dư địa phát triển và tiềm năng đột phá là khai thác công nghiệp văn hóa, bao gồm cả du lịch văn hóa. Đây là yếu tố nội hàm cần được khai thác để tạo sự khác biệt giữa vùng này với vùng kia.
Ngày 11/10, tại TP. Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ - chủ trì Hội nghị điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, với chủ đề "Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng, các chuyên gia và nhà khoa học.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng - thành viên Hội đồng điều phối vùng - tham dự và phát biểu đóng góp ý kiến cho đồ án "Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Phải đánh giá đúng mới có chính sách đúng
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhận định: Đồ án quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bám sát định hướng được nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Đồ án xác định quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương phải có tầm nhìn tổng thể, dài hạn, cùng các giải pháp đột phá để mở rộng không gian, nguồn lực cho phát triển; tạo sự chủ động và kiến tạo phát triển cho từng địa phương.
Quy hoạch vùng phải bám sát Quy hoạch tổng thể quốc gia; tích hợp 14 quy hoạch địa phương của 14 tỉnh, thành miền Trung; gắn với đó là quy hoạch chuyên ngành của một số bộ, ngành khác. "Quá trình này sẽ khó khăn trong việc tạo ra sự liên kết", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong quá trình lập quy hoạch, đơn vị tư vấn khó dự báo nguồn lực ngân sách, từ đó khó mạnh dạn đề xuất phương án về hạ tầng và các công trình có tính chất điểm nhấn, nhất là hạ tầng có tính chất quyết định.
Nếu chọn phương án phát triển các trung tâm thì có dáng dấp của các tỉnh. Nếu chọn phương án đột phá về sự liên kết, từng tỉnh, thành đều được điểm tên trong đồ án quy hoạch, nhưng sự liên kết, đặt các địa phương ở vị trí nào để tạo sự liên kết và lan tỏa thì chưa được làm rõ.
"Phải đánh giá đúng mới có chính sách đúng. Đánh giá hiện trạng là yêu cầu rất quan trọng của đồ án quy hoạch. Xét về 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đồ án hiện còn đơn lược nên không thấy được những tiềm năng cũng như những khó khăn ở 3 lĩnh vực của 14 tỉnh, thành trên dải đất miền Trung", Tư lệnh ngành VHTTDL nêu.
Xây dựng các công trình điểm nhấn, bảo vệ văn hóa phi vật thể
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đề xuất: Cần dành thời lượng đánh giá sâu hơn, rõ hơn và đánh giá đúng đối với 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Ở lĩnh vực văn hóa, cần phân tích sâu các lĩnh vực văn hóa, từ mạng lưới văn hóa đến nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, triển lãm, thư viện và các thiết chế văn hóa. Điểm sáng ở dải đất miền Trung là độ đậm đặc văn hóa và di sản văn hóa, trong đó có văn hóa Chăm. Đây là yếu tố nội hàm cần được khai thác để tạo sự khác biệt của vùng này với vùng kia.
Dư địa phát triển và tiềm năng đột phá ở dải đất miền Trung là khai thác công nghiệp văn hóa, bao gồm cả du lịch văn hóa. Chẳng hạn, tỉnh Khánh Hòa đang hướng tới xây dựng Nha Trang trở thành một thành phố điện ảnh, gắn kết giữa điện ảnh và du lịch. Các địa phương khác đều có những điểm nhấn riêng. Bộ trưởng cho rằng, cần đề cập các thiết chế có tính chất trọng tâm của vùng và kết nối, như cần hình thành cho được 3 trung tâm nghệ thuật biểu diễn lớn, có thể là Hà Nội - TPHCM - Đà Nẵng/Nghệ An.
"Trong lịch sử phát triển, nếu Vua Gia Long không xây dựng đại nội và các công trình văn hóa thì không có di sản - thành phố Huế như bây giờ. Trên thế giới, nếu các triều đại trước của các đế chế không xây dựng các công trình văn hóa tiêu biểu thì không có những điểm đến nổi tiếng hiện nay, như các thành phố ở Ý và Nga", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lý giải.
Về vấn đề bảo vệ di sản, theo Bộ trưởng VHTTDL, đồ án quy hoạch chưa đề cập dân ca ví dặm và nghệ thuật bài chòi, vốn được UNESCO vinh danh là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Trong quy hoạch phát triển, cần bảo vệ những di sản này.
Ở lĩnh vực du lịch, cần đề cập kỹ hơn những điểm khác biệt giữa các địa phương, các vùng, nếu không sẽ thấy ở đâu cũng làm du lịch được, ở đâu cũng có biển, có rừng, có cộng đồng. Song, nếu không được liên kết, quy hoạch thì du lịch ở các địa phương chỉ mang tính đơn lẻ, manh mún.
Trong phát triển du lịch, có thể hình thành 2 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gắn liền đặc trưng tự nhiên của khu vực Trường Sơn và dải đồng bằng ven biển, nổi tiếng với các di sản Phong Nha Kẻ Bàng, cố đô Huế và các khu du lịch tiềm năng: Sầm Sơn (Thanh Hóa); Diễn Châu (Nghệ An); Thiên Cầm (Hà Tĩnh); Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình); Cửa Tùng, Cửa Việt, Cồn Cỏ (Quảng Trị); Lăng Cô, Cảnh Dương (Thừa Thiên Huế)…
Với Tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, dựa trên trụ cột văn hóa Chăm để đầu tư đồng bộ như Mũi Né và 9 khu vực tiềm năng: Sơn Trà và Mỹ Khê (Đà Nẵng), Vịnh Xuân Đài (Phú Yên), Vịnh Cam Ranh và Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa)…
Cần cập nhật những khu vực tiềm năng nói trên trong đồ án quy hoạch và bổ sung du lịch về thể thao, trong đó có bộ môn golf; đồng thời bổ sung các thiết chế thể thao. "Quyết định số 1752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã xác định Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa có trung tâm thể thao trọng điểm làm chức năng trung tâm vùng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao phát biểu của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. Phó Thủ tướng cho rằng, cần ghi nhận ý kiến của người đứng đầu ngành VHTTDL để xem xét, điều chỉnh đồ án quy hoạch.
"Phải tìm ra sự khác biệt, sự nổi trội của vùng này so với các vùng khác trong nước và cả quốc tế. Phân tích này đặt ra cái nhìn để các vùng phát huy các thế mạnh, xây dựng các vùng thành động lực và trung tâm phát triển", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ VHTTDL rằng, cần nhìn nhận tài nguyên về lịch sử, văn hóa, di sản. Địa phương và vùng chỉ cần có một di sản thiên nhiên thế giới thì địa phương và vùng đó thu hút du khách.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng, triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng.
Nhiều tiềm năng để phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố. Với diện tích tự nhiên 95.860 km2 (chiếm 28,9% diện tích cả nước), vùng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "mặt tiền" của quốc gia và "khúc ruột" của Tổ quốc, là "cửa ngõ" ra biển cả và "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 1/8/2022 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, 86/110 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được thẩm định; trong đó có 16 quy hoạch ngành quốc gia và 5/14 quy hoạch tỉnh thuộc vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập những cơ hội để phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, sáng tạo, bền vững và bao trùm; các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch chuỗi cung ứng tới Việt Nam; tiềm năng đón khách du lịch quốc nội và quốc tế ngày càng tăng sau đại dịch COVID-19; cũng như cơ chế, chính sách từ Trung ương giúp thúc đẩy các nền tảng hạ tầng cho phát triển...