(Tổ Quốc) -Xây dựng, soạn thảo nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế được giao cho Bộ Tài chính thực hiện nhưng đến nay Bộ này vẫn chưa hoàn thành.
Sáng 26/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - đã làm việc tại Bộ Tài chính.
(Nguồn: Đầu tư Tài chính) |
Kiểm tra, rà soát cho thấy có 5 nhiệm vụ mà Bộ Tài chính được giao nhưng chưa hoàn thành, trong đó có việc soạn thảo, xây dựng Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế đã quá hạn gần 2 tháng (thời hạn xử lý vào 30/6).
Giải trình về nguyên nhân chậm trễ, đại diện Bộ Tài chính cho biết theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng nghị định cần đánh giá, tổng kết, thành lập ban soạn thảo, xây dựng dự thảo và xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Bộ Tài chính đã có công văn gửi 9 bộ và 5 UBND các địa phương liên quan tập trung nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giao dịch liên kết, dễ xảy ra chuyển giá, song tới nay vẫn còn Bộ Khoa học và Công nghệ và TP Đà Nẵng chưa cử người tham gia ban soạn thảo.
Bộ Tài chính cho biết, dự kiến trong ngày hôm nay (26/8) sẽ trao đổi và yêu cầu các cơ quan cử người tham gia soạn thảo nghị định này, sớm hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo trước thời hạn đã được điều chỉnh là vào tháng 11/2016.
Phát biểu tại cuộc họp, phía Văn phòng Chính phủ đánh giá, liên quan đến chống chuyển giá trốn thuế là nội dung rất phức tạp, nhất là chuyển giá, các quy định pháp luật từ trước đến nay trong lĩnh vực này đều không hiệu quả.
“Ở Mỹ, các luật sư để xác định một trường hợp chuyển giá phải nghiên cứu, theo dõi tới 7 năm trời. Trong khi, để xây dựng, soạn thảo Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế, thời gian giao cho Bộ Tài chính là rất ngắn nên cũng cần thận trọng và rà soát kỹ. Phải cố gắng làm cho kịp thời hạn, nhưng tôi cho là nhiệm vụ khó khăn”, vị này cho hay.
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói vui rằng: “Nếu làm tốt được thì người Mỹ có lẽ phải sang học”, qua đó cho thấy, việc hoàn thành dự thảo nghị định trong tháng 11 tới là một sức ép lớn với Bộ Tài chính.
“Đây là vấn đề cực kỳ phức tạp và nan giải. Ở đâu cũng nói tới chuyện công ty mẹ, công ty con chuyển giá nhưng để xác định được là rất khó vì việc chuyển giá được thực hiện trong một hệ thống khép kín. Để xác định giá trong nước, giá nước ngoài như thế nào là việc không hề đơn giản”, ông Mai Tiến Dũng nhìn nhận.
Người phát ngôn Chính phủ cũng chia sẻ rằng, khi xuống địa phương mặc dù luôn đưa ra chỉ đạo phải chống chuyển giá nhưng rất khó có cơ sở để kết luận một doanh nghiệp là đang thực hiện chuyển giá. Đối với doanh nghiệp trong nước đã khó kiểm soát thì với doanh nghiệp FDI càng khó kiểm soát. Tình trạng này dẫn đến thất thoát thuế là một vấn đề lớn, cần quan tâm để có biện pháp xử lý mạnh tay.
Cũng trong buổi làm việc với Bộ Tài chính, Tổ công tác của Chính phủ đã nêu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính làm rõ vấn đề: khi xây dựng dự toán thu giao cho các địa phương, Bộ Tài chính chưa siết chặt. Vẫn có tình trạng Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố lên Bộ Tài chính đề nghị giao dự toán thấp, để khi thực hiện có thể thu vượt dự toán.
Về trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành, đặc biệt trong cải cách hành chính thuế, hải quan, giảm thủ tục, thời gian, giấy tờ cho doanh nghiệp, người dân, Thủ tướng cho rằng Bộ đã có nhiều tiến bộ, nhưng so với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp thì phải tiếp tục rà soát, xem xét kiểm điểm kỹ, nhất là cán bộ thực thi các cấp, bởi chỗ này chỗ khác doanh nghiệp vẫn kêu ca phàn nàn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới, Tổ công tác sẽ báo cáo về kết quả kiểm tra, đặc biệt là tại Bộ Tài chính, Bộ KHĐT./.
Hà Giang (TH)