• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Công an: “Bộ luật Hình sự không phải chỉ để xử lý tội phạm”

Thời sự 21/10/2016 15:21

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, xây dựng Bộ luật Hình sự không phải chỉ để xử lý tội phạm, không phải chỉ là quy định về hình phạt mà nhiệm vụ rất quan trọng là phải giúp ngăn chặn tội phạm, phòng ngừa tội phạm.

Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an (Ảnh: Quochoi.vn)

"Áp luật mà so thì gần như toàn bộ thanh niên trong làng đều là tội phạm"

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 sáng 21/10, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, ông đã tham gia soạn thảo luật với tư cách thành viên Chính phủ. Còn góp ý với tư cách một đại biểu Quốc hội, ông nhận định, đây là một trong những bộ luật rất quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam, nếu không làm một cách thận trọng, đúng đắn, phù hợp thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng chục luật khác. Khi Quốc hội ra Nghị quyết tạm hoãn thi hành bộ luật này thì đồng thời cũng hoãn lại 4 luật khác liên quan trực tiếp. Vì vậy, sửa luật cũng cần tập trung đầu tư, làm kỹ lưỡng.

Dự thảo luật sửa đổi bổ sung lần này đã “chỉnh” đến 141 điều của Bộ luật 2015 mà cũng chưa phải đã hết. Riêng phía Bộ Công an đã soát được khoảng 30 vấn đề liên quan đến hàng trăm điều của Bộ luật ban hành năm ngoái cần tiếp tục sửa đổi. Đây là những vấn đề rất phức tạp, khó khăn.

Dù tờ trình của Chính phủ thể hiện quan điểm nghiêng về phương án đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua luật sửa đổi lần này trong một kỳ họp nhưng cá nhân ông Tô Lâm cho rằng nên thực hiện theo phương án thận trọng, tuân theo quy trình thông qua tại 2 kỳ họp.

Bộ trưởng Công an cho rằng, đây là một cơ hội để lần nữa sửa căn cơ Bộ luật Hình sự năm 2015 chứ không chỉ dừng ở phạm vi “sửa đổi, bổ sung một số điều”.

“Song hành với sự phát triển của xã hội, tác động từ bên ngoài, tội phạm diễn biến phức tạp. Luật cũng phải lường trước, phải đảm bảo tính ổn định trong một thời gian. Vì vậy, kiến nghị đầu tiên của tôi là chúng ta không đặt ra áp lực thời gian. Chúng ta khẩn trương làm, nếu có thể thì để kỳ họp sau thông qua, nhưng trên cơ sở phải sửa đổi căn bản Bộ luật” - Tướng Tô Lâm nói.

Lý do phải sửa đổi căn bản, theo ông Lâm, không phải những sai sót kỹ thuật trong Bộ luật Hình sự 2015, mà qua rà soát đã thấy có 33% số điều luật cần thay đổi. Thậm chí, việc bỏ đi Điều 292 (tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông) cũng dẫn tới thay đổi cả cơ cấu của quy định về tội phạm.

Ngoài ra, có những vấn đề thuộc về quan điểm, có những vấn đề thuộc về chính sách hình sự cũng đã bộc lộ những điểm cần thay đổi.

Bộ trưởng Công an dẫn nhiều ví dụ: “Như quan điểm về mục tiêu đấu tranh để vạch trần tội phạm, không để bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người ngay. Tranh luận để xử lý vấn đề này rất khó khăn vì sẽ dẫn tới những quy định về hàm lượng, nếu không chuẩn cũng là bỏ lọt tội phạm”.

Hay như tội phạm ma túy, theo Thượng tướng Tô Lâm, hiện không có loại ma túy nào lưu hành trên thực tế là ma túy tinh chất cả vậy mà quy định phải giám định hàm lượng là rất khó. Tội phạm ma túy giờ thậm chí chủ động trộn lẫn tạp chất vào ma túy vì chỉ cần hàm lượng 70% cũng đủ gây nghiện cho người dùng.

“Cả xã hội lên án việc lôi kéo, gây nghiện cho học sinh mà khi đó, kẻ xấu không cần dùng đến liều lượng 1 gam như quy định. Lượng nhỏ mà cho dùng liên tục thì cũng gây nghiện. Ma túy là tội phạm của các loại tội phạm, nếu không xử lý tốt sẽ nảy sinh thêm nhiều tội khác như trộm cắp, giết người, cướp của” - Bộ trưởng Công an phân trần, việc xử lý tội phạm ma túy thời gian qua khó khăn vì những vướng mắc về luật pháp, quy định như vậy.

Từ thực tế công tác, Thượng tướng Tô Lâm cho rằng, đối với mỗi cộng đồng dân cư có nhận thức về pháp luật khác nhau cần có chính sách xử lý hình sự khác nhau vì không phải mọi người đều được bình đẳng trong giác ngộ, trang bị kiến thức về pháp luật.

Ông kể, đi kiểm tra án tham nhũng, có những vụ vi phạm của cán bộ xã thấy đau lòng vì bản chất là không hiểu biết về pháp luật. Hay tội ma túy ở các vùng đồng bào dân tộc, nếu cứ áp luật bình thường mà so thì gần như toàn bộ thanh niên trong làng đều là tội phạm.

Góp ý hướng sửa luật, người đứng đầu lực lượng công an nhấn mạnh, Bộ luật Hình sự xây dựng không phải chỉ để xử lý tội phạm, không phải chỉ là quy định về hình phạt mà nhiệm vụ rất quan trọng là phải giúp ngăn chặn tội phạm, phòng ngừa tội phạm. Mà hình như liều lượng quy định về ngăn chặn, phòng ngừa chưa được chú trọng, vẫn mới tập trung nhiều vào phần xử lý tội phạm. Theo ông, đây là công cụ pháp lý quan trọng để đảm bảo, duy trì an ninh tổ quốc, giữ gìn trật tự xã hội, xây dựng môi trường sống ổn định cho người dân.

Thượng tướng Tô Lâm cho rằng, xây dựng hệ thống hình phạt, xử lý tội phạm là mới đáp ứng một nửa yêu cầu đối với một Bộ Luật Hình sự. Phần căn bản khác là phải quy định được hệ thống những việc, những hành vi không được làm để người dân biết và tránh cũng như những việc buộc phải làm để thực hiện đúng. Chính những định hướng về hành vi như thế giúp việc ngăn ngừa, ngăn chặn tội phạm.

“Tội phạm có thể hy sinh đời bố củng cố đời con”

Tại tổ TPHCM, đại biểu Dương Ngọc Hải - Viện trưởng VKSND TPHCM cho biết, thời gian qua có nhiều vụ án ma túy bị vướng không xử được. Riêng hải quan phát hiện 29 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy “lá Khat” từ Mỹ nhưng không xử lý được vì luật chưa đưa vào.

“Nếu không đưa các loại ma túy từ các loại cây khác ở các nước vào thì không xử được. Chúng ta cũng không lường trước trên thế giới cây gì có chất ma túy để đưa vào luật, nên cần bổ sung “cây có chất ma túy khác” vào luật để xử lý được những trường hợp như vừa qua”- ông Hải đề nghị.

Đối với vấn đề giám định hàm lượng ma túy, ông Hải đồng ý với phương án thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Cụ thể Ủy ban Tư pháp có 3 loại ý kiến về vấn đề này, trong đó có ý kiến không tán thành với quy định của dự thảo luật về việc cần xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy đối với tội phạm về ma túy thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng. Vì trong cùng một điều luật, ở các khoản có khung hình phạt đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình thì phải giám định hàm lượng còn các khoản khoác lại không quy định giám định hàm lượng ma túy.

“Như vậy là không hợp lý. Chính việc giám định hàm lượng chất ma túy đã dẫn đến việc lúng túng, mâu thuẫn cho các cơ quan tố tụng và khiến nhiều vụ ma túy tồn, án trả tới trả lui, phải giam người để hợp thức hóa dẫn đến vi phạm pháp luật”- ông Hải bày tỏ.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Hải cho rằng nên quy định không giám định hàm lượng ma túy trong tất cả các trường hợp vì án ma túy không phải vụ nào cũng còn tang vật để giám định mà dựa trên lời khai và các vật chứng khác. Nếu quy định phải giám định sẽ dẫn đến có trường hợp bất hợp lý mua bán nhiều ma túy nhưng giám định hàm lượng lại ít và ngược lại.

Đối với quy định bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội, ông Hải cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng vì ý thức chấp hành pháp luật hiện nay chưa cao. “Nếu bỏ hình phạt này đi sẽ thiếu công cụ phòng ngừa vô cùng quan trọng. Chúng tôi dự báo nếu bỏ hình phạt này thì lừa đảo có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng diễn ra. Tội phạm có thể hy sinh đời bố củng cố đời con, rồi có thể hưởng chính sách nhân đạo của nhà nước, rồi nay nộp một ít tài sản, mai nộp một ít, chấp hành tốt thì đối tượng vẫn sống tốt”- ông dự báo.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội quan tâm tới mức phạt khiển trách tuổi vị thành niên.

“Ở các nước ý thức pháp luật tốt, chỉ cần khiển trách trước cộng đồng là họ vô cùng xấu hổ nên việc giáo dục cộng đồng phòng ngừa rất tốt. Nhưng đối với chúng ta, nếu người nhà đi tuần tra với đội 141 sẽ thay đổi quan điểm ngay”-ông Đức nói.

Ông Đức dẫn chứng, những người chưa vị thành niên đèo 3-4 người, mang hung khí, đầu xanh đỏ, xăm trổ rồi tỏ thái độ không tốt, vô văn hóa, thậm chí chửi bới, nhổ nước bọt vào cán bộ. “Rõ ràng chúng ta không thể chấp nhận kiểu hành xử như thế, nhất là khi chống người thi hành công vụ ở lứa tuổi này nếu khiển trách không thôi thì không ổn. Đây là vấn đề quan tâm cho thế hệ tương lai của đất nước”- ông Đức nói.

NỔI BẬT TRANG CHỦ