(Tổ Quốc) - Để giải quyết, tháo gỡ những tồn đọng của 12 dự án này, Bộ trưởng nhấn mạnh phải xem xét, xử lý trách nhiệm trước pháp luật của những tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình về 12 dự án nghìn tỷ mà đại biểu, dư luận quan tâm.
Giải trình trước Quốc hội chiều nay (30/10), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong số 6 dự án, nhà máy có hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ thì đã có 2 dự án nhà máy hiện nay đã khôi phục được sản xuất kinh doanh và hoạt động có lãi là nhà máy Thép Việt – Trung và nhà máy DAP của Hải Phòng đã cắt lỗ, có lãi.
Còn 4 dự án, nhà máy còn lại đã từng bước khắc phục được khó khăn như đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai… và cũng đã cắt giảm mức lỗ.
Mặc dù vẫn còn lỗ nhưng mức độ lỗ không còn cao như trước và đã cắt giảm được. Và những phần lỗ này sẽ tiếp tục xem xét giải quyết trong thời gian tới trong bối cảnh những khoản nợ và lãi suất phải trả còn rất cao. Chúng ta sẽ phải quyết liệt trong thời gian tới đối với 4 dự án còn lại.
Đối với dự án bị dừng sản xuất kinh doanh thì có Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại cả 3 dây truyền và dự kiến cuối tháng 11 này cả 11 dây truyền đều sẽ được vận hành trở lại với sự tham gia bao tiêu sản phẩm của đối tác mới… Đây sẽ là điều kiện bước đầu để tiếp tục thực hiện biện pháp tái cơ cấu cũng như tiến hành thoái vốn nhà nước khi có điều kiện.
Với Dự án Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án Nhiên liệu sinh học Bình Phước đã hoàn tất cơ bản về công việc chuẩn bị đầu tư. Nhà máy Sinh học Bình Sơn thì đã bắt đầu cung cấp sản phẩm trở lại cho thị trường là xăng Ethanol và cũng đã có lãi bù được miễn phí. Dự án Sinh học Bình Phước thì cũng đang chuẩn bị để tham gia thị trường. Riêng Dự án Nhiên liệu sinh học của Phú Thọ, do vốn nhà nước dưới 30%, còn lại là vốn tư nhân nên không tham gia vào tái cơ cấu nhưng đặc biệt là do quá trình đầu tư sai về địa điểm, sai về phương án kinh doanh không có hiệu quả và sẽ phải xem xét thực hiện những biện pháp kiên quyết nhất là tổ chức cho phá sản.
Còn lại dự án Gang thép Thái nguyên là dự án tương đối phức tạp vì có những tranh chấp pháp lý. Hiện nay dự án này đang tiếp tục giải quyết những tồn đọng vướng mắc để đảm bảo tiếp tục hoàn tất đầu tư nhằm phục vụ cho các giải pháp tiếp theo.
"Sức khỏe" chung của 12 dự án còn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường, đặc biệt tại một số nhà máy sản xuất phân bón, nguồn nguyên liệu bị phụ thuộc cũng như phụ thuộc vào thị trường, nguồn nguyên liệu tại một số nhà máy sản xuất xơ sợi…Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta là bảo toàn vốn, giảm thiểu thiệt hại nguồn vốn của nhà nước. Vì thế, tuân theo chỉ đạo của Chính phủ, nhất là 12 phương án cho các dự án này thì năm 2019 -2020 chúng ta sẽ quyết liệt tập trung để thực hiện các mục tiêu đó", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để giải quyết, tháo gỡ những tồn đọng của 12 dự án này, Bộ trưởng nhấn mạnh phải xem xét, xử lý trách nhiệm trước pháp luật của những tổ chức, cá nhân có liên quan.
"Tính đến nay cả 12 dự án này đều đang tiến hành tranh tra, bao gồm cả Thanh tra của Chính phủ, Thanh tra của Bộ và Thanh tra của địa phương. Sáu dự án đã kiểm toán để có cơ sở làm những nền tảng đánh giá thiệt hại, dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bốn dự án đã chuyển cho cơ quan điều tra và đang tiếp tục xem xét các vi phạm khác. Hai dự án đã khởi tố hình sự vụ án là Nhiên liệu polyester Đình Vũ và Nhiên liệu sinh học Phú Thọ…", Bộ trưởng báo cáo trước Quốc hội.