(Tổ Quốc) - “Trong 6 dự án dừng kinh doanh đã có 2 dự án, nhà máy bước đầu hiệu quả tích cực, không còn lỗ nữa, sẽ sớm đưa ra khỏi danh sách. Bốn dự án còn lại cũng đã từng bước khôi phục hoạt động, giảm lỗ”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình trước Quốc hội về 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, hôm nay (27/10).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình trước Quốc hội, hôm nay (27/10).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến - chế tạo là động lực tăng trưởng của nhiều năm nay. Năm 2017 tăng trưởng hơn 14%, nhiều lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ổn định chứ không phụ thuộc vào một số ngành.
Cụ thể, dệt may đứng thứ 7 thế giới, da giày thứ 3 về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu, thủy sản thứ 4, đồ gỗ đứng thứ 5 về xuất khẩu. Theo Bộ trưởng, mặc dù khu vực FDI vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng trong năm 2017, 2018, khu vực có vốn đầu tư trong nước đã có bước phát triển nhanh, cách biệt giữa hai khu vực trong nước và nước ngoài đã có chuyển dịch tích cực. Về 12 dự án kém hiệu quả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định đã có đề án với lộ trình xử lý cụ thể, mục tiêu năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý.
Cũng theo Bô trưởng, các dự án này cần được xử lý theo quy định của luật pháp, theo đúng nguyên tắc thị trường, bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Hiện các bộ, ngành đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc này, tiến độ đến nay cơ bản đạt một số kết quả tích cực. "Trong 6 dự án dừng kinh doanh đã có 2 dự án là DAP Hải Phòng và dự án Thép miền Trung bước đầu đạt hiệu quả tích cực, không còn lỗ nữa, sẽ sớm đưa ra khỏi danh sách. Bốn dự án còn lại đã bắt đầu giảm lỗ. Dự án Bình Phước đã bước đầu khắc phục những thiệt hại; dự án Bình Sơn bắt đầu tham gia sản xuất và sản phẩm được thị trường chấp nhận; dự án sinh học Phú Thọ đã có sự vào cuộc của cơ quan điều tra và kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong thời gian tới sẽ cập nhật và báo cáo đầy đủ.
Các dự án khác như Gang thép Thái Nguyên, giấy Phương Nam,... có nhiều vấn đề phức tạp như công nghệ, thậm chí vi phạm pháp luật, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý rất đồng bộ, theo đúng quy định của pháp luật...", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh báo cáo trước Quốc hội.
Trước đó, trong phiên thảo luận ngày 26/10, nhiều ĐBQH chia sẻ cử tri còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước vấn nạn thất thoát lãng phí trong đầu tư công còn quá lớn.
Đáng lưu ý, trong phần phát biểu vào sáng 27/10 của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), ông đã nhắc tới quá trình cổ phần hóa và tỏ ra quan ngại trước thực tiễn năm 2018 chỉ thoái vốn được 18 trong số 85 doanh nghiệp trong kế hoạch. Trong khi đó, đối với 12 dự án nghìn tỷ yếu kém của Bộ Công Thương, ông đánh giá quá trình xử lý vẫn giậm chân tại chỗ.
"Dự án gang thép Thái Nguyên, đã có chỉ đạo của nhiều ngành, nhưng kiên quyết không cổ phần hóa. Với số dự án thua lỗ lớn như vậy, dự án nào kém hiệu quả thì nên cho phá sản ngay. Còn dự án nào bán được, cho thuê được thì đẩy nhanh tốc độ xử lý, tránh thất thoát vốn Nhà nước", ông nhấn mạnh./.