• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Công Thương nói gì về tình trạng buôn lậu tinh vi mà đại biểu nêu?

Thời sự 01/11/2017 10:52

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, “việc không thấy bóng dáng của lực lượng chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn lậu tại thời điểm đại biểu Sỹ Cương đi thực tế là đúng bởi có sự đứt khúc trong chỉ đạo điều hành của các lực lượng phòng chống buôn lậu, trong đó có quản lý thị trường”.

Trong ngày thảo luận thứ 2 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch dự toán chi ngân sách 2018 và tài chính 3 năm 2018  - 2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tham gia giải trình, làm rõ nội dung các đại biểu nêu về các vấn đề công nghiệp phụ trợ, tình trạng buôn lậu, điện lưới tại khu vực nông thôn, 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ…

Buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra phức tạp (Nguồn: Internet)

Trước đó, sáng 30/10, liên quan đến quản lý thị trường, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đã phát biểu rằng, tình trạng buôn lậu như báo cáo nêu là "vẫn đang xảy ra" nhưng thực tế rất sôi nổi, tinh vi. Để chứng minh, đại biểu Sỹ Cương cho biết đã đi thực tế để nắm bắt tình hình.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, không chỉ mặt hàng thuốc lá mà còn một số loại hàng “nóng” khác như: đường cát, phân bón…đang bị buôn lậu. Nhiều địa phương tiếp tục là địa bàn “nóng” cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Buôn lậu thuốc lá không chỉ diễn ra ở Long An, An Giang mà còn diễn ra ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Tây Ninh…

Theo Bộ trưởng, trên thực tế, cùng với nỗ lực của Ban chỉ đạo Quốc gia cũng như dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ đã có nhiều biện pháp để khắc phục những tồn tại và qua rất nhiều kỳ tổng kết, sơ kết đã có đánh giá. Từ đó cho thấy, các vấn đề còn tồn tại bao gồm: Cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, đặc biệt là các điều luật thuộc các bộ luật về chế tài đối với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại chưa đủ mạnh, dẫn đến hiện tượng “nhờn” pháp luật. Vì mục đích, lợi nhuận cao trong hoạt động buôn lậu nên các đối tượng buôn lậu tiếp tục cấu kết, tổ chức hoạt động tinh vi, có hệ thống không còn giới hạn trong phạm vi địa lý của một địa phương mà thậm chí trong và ngoài quốc gia.

Nguyên nhân tiếp theo còn do sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như: công an, biên phòng, quản lý thị trường…còn chưa chặt chẽ và thường xuyên, đặc biệt là tại các địa phương dẫn đến hiệu quả của phòng chống buôn lậu còn yếu.

“Đại biểu Sỹ Cương nêu là nhiều thời gian không thấy bóng dáng của các lực lượng chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn lậu – đây là một thực tế bởi có sự đứt khúc trong chỉ đạo điều hành của các lực lượng phòng chống buôn lậu, trong đó có quản lý thị trường”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm rõ thêm một số nội dung đại biểu nêu

Người đứng đầu ngành công thương cũng cho biết thêm, hoạt động buôn lậu ngày càng được tổ chức tinh vi. Tuy nhiên, thời gian qua, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng đã có những tiến bộ và hiệu quả nhất định.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho rằng, cần phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng để đấu tranh chống lại các tổ chức buôn lậu quy mô lớn và hệ thống. Ngoài ra, tiếp tục xem xét và hoàn chỉnh khung khổ pháp lý, chế tài đối với hoạt động buôn lậu.

“Kỳ họp vừa rồi Quốc hội đã thông qua, cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với buôn lậu trên 1500 điếu thuốc lá. Đây là cơ sở rất quan trọng nếu không các đối tượng buôn thuốc lá lậu sẽ tìm cách né tránh pháp luật. Ngoài ra, cần có quan điểm đồng bộ để xử lý các hành động buôn lậu thuốc lá. Ví như câu chuyện tái xuất thuốc lá - Chính phủ và các bộ ngành đã có quan điểm quyết liệt là không chấp nhận cho sử dụng tái xuất vì tác hại nhiều hơn lợi ích. Nhưng trên thực tế, tình trạng tái xuất vẫn xảy ra. Điều này đặt ra câu hỏi trong quản lý của chúng ta”, Bộ trưởng nói.

Về chất lượng chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, phẩm chất của lực lượng chuyên ngành, trong đó có lực lượng quản lý thị trường, Bộ trưởng cho rằng còn yếu kém, tồn tại qua nhiều giai đoạn và dù đã được khắc phục nhưng vẫn còn chưa được như mong muốn.

“Vừa qua Chính phủ đã cho phép thành lập Tổng cục Quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc, thực hiện theo pháp lệnh của thị trường. Đây là cơ sở quan trọng để tăng cường chất lượng, nâng cao phẩm chất cũng như yêu cầu của cán bộ quản lý thị trường trong thực hiện chống buôn lậu, gian lận thương mại”, Bộ trưởng Tuấn Anh cho hay.

Về 12 dự án yếu kém, thua lỗ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã có văn bản báo cáo với Quốc hội. 12 dự án này như đã giải trình trước Quốc hội là rất phức tạp. Hiện phải đánh giá lại một cách hệ thống các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và hướng giải quyết. Năm 2016 -2017, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để đánh giá tổng thể, toàn diện kết hợp với kiểm tra từng dự án để tìm ra nguyên nhân, lý do từ đó có hướng giải quyết. Đồng thời phát hành những chính sách, những hướng dẫn cụ thể để giải quyết đồng bộ, hiệu quả từng dự án bao gồm: giải quyết về công nghệ, mặt thương mại để đảm bảo hiệu quả nguồn lực của Nhà nước đầu tư trong dự án này. Giải quyết triệt để vi phạm của cá nhân, các cấp.Trên thực tế, Bộ Chính trị đã nghe và thống nhất với kiến nghị của Chính phủ là trong năm 2017 hoàn tất việc chuẩn bị, trong đó có giải pháp và các bước chuẩn bị để 2018 sẽ tập trung giải quyết những dự án tồn đọng này. Đến năm 2020 sẽ giải quyết triệt để đồng bộ các dự án. Hiện có 4 dự án về phân bón đã khôi phục lại hoạt động sản xuất. 3 dự án về xăng sinh học cũng đang khởi động và năm 2018 sẽ hoạt động thương mại, tham gia thị trường…/.

 Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ