(Tổ Quốc) - "Asanzo, Khaisilk có đơn thuần là gian lận thương mại? Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở? Doanh nghiệp Việt Nam chết ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra và giải pháp là gì", đại biểu Sinh chất vấn Bộ trưởng Công Thương.
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tuấn Anh cuối phiên chất vấn chiều 6/11, ông Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho rằng các phần trả lời trước đó của Bộ trưởng Công Thương chưa chỉ ra được lỗ hổng lớn về pháp lý, nhất là thiếu quy định thế nào là hàng "made in Vietnam". Chính sự thiếu minh bạch này khiến doanh nghiệp như Asanzo không biết mình có vi phạm hay không, đẩy người dân, doanh nghiệp vào thế rủi ro.
"Asanzo, Khaisilk có đơn thuần là gian lận thương mại? Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở? Doanh nghiệp Việt Nam chết ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra và giải pháp là gì", đại biểu Sinh chất vấn.
Trả lời câu hỏi này sáng nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, theo Nghị định 43, doanh nghiệp tự kê khai, ghi nhãn, xuất xứ hàng hoá nên mới xuất hiện những câu chuyện như Khaisilk hay Asanzo. Hiện Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất xây dựng Thông tư quy định về thế nào là hàng "made in Vietnam". Văn bản này đang lấy ý kiến và có nhiều quy định cần nghiên cứu thêm. Chẳng hạn, phạm vi điều chỉnh Thông tư cần tránh ảnh hưởng lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế.
Đối với Luật Quản lý ngoại thương và Luật Cạnh tranh, Bộ trưởng Công Thương cho hay, nhằm thực thi chức năng quản lý Nhà nước, Bộ đã ban hành Nghị định 31 hướng dẫn thực hiện Luật Ngoại thương, hướng dẫn các cơ quan trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan.