(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương quản lý chặt dân cư để phòng chống tội phạm, tổ chức môi giới người khác trốn đi nước ngoài di cư bất hợp pháp, nhất là sau vụ 39 người chết tại Anh.
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2019, đã có hàng chục diễn đàn quốc gia liên quan đến bồi dưỡng phát triển nhân lực.
Trong năm qua cả nước đã giải quyết 1,6 triệu lao động, vượt 103% chỉ tiêu. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,2%. Năm 2019 cũng đã đưa 148.000 lượt người đi lao động nước ngoài.
Dù vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, nhân lực của chúng ta tuy nhiều nhưng rẻ nhất. Do vậy, đây không phải là ưu thế vượt trội để thu hút đầu tư. Theo Bộ trưởng, trong tương lai Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì phải quan tâm đến vấn đề phát triển nhân lực.
Thời gian tới, Bộ trưởng LĐTBXH đề nghị Trung ương và các địa phương bên cạnh việc tăng cường đầu tư ngân sách, nhất là cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học cần phải tập trung các giải pháp nâng tầm kỹ năng lao động, dự báo cung cầu, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu của thị trường và có giải pháp căn cơ do tác động cách mạng 4.0...
"Các địa phương quản lý chặt dân cư để phòng chống tội phạm, tổ chức môi giới người khác trốn đi nước ngoài di cư bất hợp pháp, nhất là sau vụ 39 người chết tại Anh. Kiểm soát chặt chẽ các loại hình đào tạo liên kết với nước ngoài, xử lý nghiêm các hình thức trá hình liên kết đưa người Việt Nam ra nước ngoài", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu địa phương có chính sách đối phó với việc nới lỏng visa, vì các nước đang lợi dụng việc này để "đánh cắp nhân lực hợp pháp".
Liên quan tới vấn đề quản lý lao động, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 5/11, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, những người đi lao động nước ngoài hợp pháp hiện nay có 5 hình thức khác nhau, gồm: đi qua các doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép; đi theo diện hợp tác giữa các doanh nghiệp, tập đoàn giữa 2 nước; cá nhân ký trực tiếp với các tổ chức ở nước ngoài nhưng đăng ký qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và cơ quan quản lý ở nước ngoài; đi hợp tác đào tạo; Chính phủ cho phép hình thức trao đổi công việc và lao động hợp tác địa phương giữa hai quốc gia với nhau trong ngắn hạn.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, 3 năm qua, mỗi năm Việt Nam đưa trên 100.000 người đi lao động ở các nước. Cao nhất là năm 2018, có 143.000 người đi lao động ở nước ngoài, chủ yếu là các địa bàn Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Malaysia.