(Tổ Quốc) - Trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về xuất khẩu lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung thẳng thắn thừa nhận có tình trạng cò mồi, doanh nghiệp lừa gạt người lao động cũng như tình trạng người lao động phá hợp đồng lao động, bỏ trốn ra ngoài làm việc tại một số thị trường.
Sáng nay, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đã chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về tình trạng cò mồi, lừa gạt người lao động của DN xuất khẩu lao động khiến người lao động bơ vơ, phải quay về nước và lâm vào tình trạng nợ nần… Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc là chủ trương của Đảng, Nhà nước và được cụ thể bằng luật pháp. Trong chương trình quốc gia về giải quyết việc làm cho thanh niên, chúng ta đặt mục tiêu 1 triệu thanh niên đi lao động tại nước ngoài và đến nay đã đạt được hơn 50% mục tiêu này, trong đó riêng năm 2017 con số này là 134.000.
Bô trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: Nam Nguyễn |
Bộ trưởng cũng nêu ra một số thị trường tiềm năng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Trong đó, tại thị trường Hàn Quốc, sau một thời gian gián đoạn thì nay đã được nối lại. Đây là thị trường có thu nhập cao nhưng tỷ lệ bỏ trốn và kết thúc hợp đồng nhưng không về nước khá cao (năm cao nhất là 55% trong khi bình quân các nước khác là 15%).
“Chính vì thế Hàn Quốc đã ngừng ký hợp đồng với chúng ta. Chính phủ đã rất nỗ lực vận động và chúng ta đã kiên quyết làm việc với phía bạn. Và vừa qua, chúng ta đã ký lại bản ghi nhớ này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải tổ chức tốt hơn để giảm tình trạng này, dù khó, đòi hỏi phải quyết tâm cao hơn nữa”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Ngay sau đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đã giơ biển tranh luận. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng người lao động trốn ra ngoài làm việc là do bị DN lừa gạt, nhiều người lao động sang nước bạn làm việc nhưng không có việc làm dẫn tới không có lương…
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian qua, Bộ đã cố gắng thực hiện phương với châm quan tâm đạo điều kiện tối đa cho người lao động nhưng đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho DN trong khuôn khổ pháp luật cũng như tạo điều kiện cho DN vào sâu hơn thị trường để đưa được nhiều người đi lao động.
“Bộ đã tạo điều kiện cho DN nhưng chấn chỉnh cũng nhiều. Tình trạng các đại biểu nêu là có thật. Tình trạng cò mồi, môi giới trong xuất khẩu lao động là có thật”, Bộ trưởng thừa nhận.
Ảnh: Nam Nguyễn |
Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo về vấn đề này, gần đây nhất Chính phủ có chỉ thị 18 yêu cầu chấn chỉnh và có giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người lao động.
“Chúng tôi đang thực hiện chỉ thị này. Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức cuộc gặp mặt với 282 DN để tháo gỡ khó khăn, đồng thời chấn chỉnh, yêu cầu DN khi đi tìm nguồn hàng tại địa phương phải công bố rõ ràng lệ phí, mức thu… Về phía Bộ cũng công khai lệ phí rõ ràng. Thời gian qua, Bộ cũng xử phạt nhiều doanh nghiệp, thu hồi giấy phép 5 DN, đình chỉ tạm thời 25 DN trong đó có DN nhiều bề dày kinh nghiệm. ..”, Bộ trưởng thông tin trước Quốc hội.
Hiện nay có khoảng 139.000 lao động thường xuyên qua lại biên giới và các tỉnh giáp ranh: Trung Quốc 100.000 người, Thái Lan 20.000 người và Lào là 13.000 người. Số lao động này khi sang làm việc đều đảm bảo về mặt pháp lý có hộ chiếu, visa nhưng lại không có giấy phép hành nghề.
Hiện nay chúng ta thiếu ở khuôn khổ pháp lý trong luật chưa quy định. Bộ đã cố gắng đàm phán với các nước để có hiệp định nhưng có nước đàm phán được, có nước chưa chấp nhận. Riêng 7 tỉnh phía bắc Bộ đã ký biên bản ghi nhớ với các tỉnh Trung Quốc để đảm bảo 2 bên thống nhất quản lý tránh rủi ro, dự kiến tháng 7 xong biên bản. Còn Thái Lan đã đàm phán 3 lần nhưng chưa xong. Mới đây, Thủ tướng 2 nước đã trao đổi để đi đến thống nhất, Thái Lan sẽ áp dụng cơ chế với Việt Nam như 3 nước biên giới của họ. Dự kiến số lao động tại đây cũng sẽ tăng lên 50.000 người thay vì 20.000 người hiện nay./.
Hà Giang