(Tổ Quốc) - Theo Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung, các địa phương cần vận động doanh nghiệp lập kế hoạch đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động từ nguồn kinh phí 4.500 tỷ đồng của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
63/63 địa phương đã ban hành các quyết định chính sách thực hiện NQ 68 và QĐ 23
Ngày 5/8, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 điểm cầu trong cả nước về tình hình thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Sau khi nghe các địa phương báo cáo tiến độ triển khai, Bộ trưởng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn kiên định thực hiện các giải pháp thực hiện các mục tiêu kép một cách linh hoạt. Theo đó, nơi nào an toàn thì tập trung sản xuất, nơi nào có dịch thì tập trung chống dịch, đặt mục tiêu lớn nhất về an toàn tính mạng, sức khỏe và đời sống của người dân lên hàng đầu.
Đến nay, 63/63 địa phương đã ban hành các quyết định chính sách thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, toàn quốc đã đạt những kết quả tương đối tốt, thậm chí có nhóm chính sách đã hoàn thành, như chính sách giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Nhiều địa phương đã triển khai giải ngân với số tiền lớn, như Hải Dương giải ngân tới 107 tỷ đồng, Bắc Ninh 75 tỷ đồng, Bắc Giang 63 tỷ đồng, Thanh Hóa 74 tỷ đồng, Thái Nguyên 57 tỷ đồng… So với tiến độ thực hiện của Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 là một bước tiến bộ vượt bậc.
Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng đánh giá công tác phối kết hợp giữa ngành LĐTBXH, chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội và BHXH khá nhịp nhàng.
"Nhìn tổng quát cho thấy, các chính sách ban hành thời gian qua, nhất là gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đang được triển khai đúng hướng, thiết thực, đúng đối tượng, dễ triển khai. Đối tượng thụ hưởng dễ dàng tiếp cận chính sách hơn, dễ triển khai", Bộ trưởng khẳng định.
Tính đến ngày 04/8/2021, báo cáo kết quả triển khai thực hiện 12 chính sách hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid 19 theo NQ 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg cho biết:
Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động: Hiện nay các địa phương đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: Cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 124.001 người lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương tại 10.687 đơn vị sử dụng lao động để làm cơ sở để Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ. Đến nay, 21/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt và chi trả cho gần 48.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (trong đó có 50 lao động đang mang thai; 750 trẻ em dưới 6 tuổi) với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 98,3 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc: Cơ quan BHXH đã xác nhận cho 8.245 người lao động ngừng việc tại 288 đơn vị sử dụng lao động làm cơ sở UBND các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ. Có 6 tỉnh, thành phố đã phê duyệt và chi trả hỗ trợ cho 1.122 lao động ngừng việc (trong đó có 25 lao động đang mang thai; 740 trẻ em dưới 6 tuổi) với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 1,4 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động: 5 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách hỗ trợ 1.370 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó có 34 người nuôi con dưới 6 tuổi), tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Các địa phương khác đang rà soát, tổng hợp danh sách đề nghị hỗ trợ.
Vận động doanh nghiệp lập kế hoạch đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động
Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra sự chậm trễ trong việc triển khai chính sách tại một số địa phương.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu, nơi nào chưa làm tốt thì phải xem lại mình, nơi nào chưa sáng tạo thì phải sáng tạo. Lãnh đạo các đơn vị trong Bộ và các địa phương phải tư duy tìm ra cách làm mới, năng động sáng tạo, trong cái khó, tìm ra cái mới. Ngành phải tự tin vượt lên chính mình, qua công việc này để khẳng định vị trí vai trò ngành mình; phối hợp chặt chẽ với các ngành để triển khai theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian.
Bộ trưởng nhấn mạnh không được tăng thời gian về xử lý quy trình, những vấn đề thuộc thẩm quyền ngành LĐTBXH phải xử lý ngay phân cấp triệt để.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề xuất việc phân nhóm các địa phương để dễ triển khai hỗ trợ theo chính sách.
Cụ thể, nhóm các địa phương không có dịch cần phấn đấu trong 10 ngày triển khai xong các nhóm chính sách hỗ trợ về BHXH và tiền mặt, trừ chính sách vay hỗ trợ đào tạo, ví dụ như Lạng Sơn, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Quảng Ninh…
Với nhóm địa phương có dịch, nhưng chưa thuộc diện áp dụng phong tỏa theo Chỉ thị 16 cần vận động xúc tiến nhanh việc hỗ trợ tiền mặt, BHXH và cho vay trả lương.
Nhóm thứ 3 là 26 tỉnh đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, điều cần thiết nhất là hỗ trợ ăn, mặc cho người lao động. Bên cạnh đó, các địa phương cần vận động doanh nghiệp lập kế hoạch đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động từ nguồn kinh phí 4.500 tỷ đồng của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Bộ trưởng, các địa phương cần giải thích cho chủ doanh nghiệp hiểu rõ về chính sách, đặc biệt là chính sách vay vốn trả lương và phục hồi sản xuất. Với chính sách hỗ trợ nhóm lao động tạm dừng hợp đồng lao động, nhiều doanh nghiệp bị phong tỏa nên trong lúc khó khăn địa phương cần chủ động trong công tác hỗ trợ./.