(Tổ Quốc) - Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có cuộc trao đổi với phóng viên về các vấn đề ông phụ trách.
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành lập 3 tổ công tác. Việc này cho thấy động thái mạnh mẽ, quyết liệt của Thủ tướng, Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành về mọi mặt, song cũng có ý kiến băn khoăn liệu quá nhiều Tổ công tác như vậy có thực sự hiệu quả, cần thiết?
+ Ngày 19/8/2016, Thủ tướng thành lập Tổ công tác Thủ tướng đôn đốc, kiểm tra các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành, địa phương do tôi làm Tổ trưởng, thành viên gồm các Bộ ngành liên quan và các chuyên gia. Trong báo cáo của Hội nghị Trung ương 6 đánh giá đây là điểm sáng.
Vừa qua liên quan đến công tác tuyển dụng, bổ nhiệm thì Thủ tướng tiếp tục thành lập một Tổ công tác kiểm tra thi hành công vụ.
Gần đây nhất sau khi xảy ra vụ Thủ Thiêm ở TP.HCM và việc người dân các địa phương kéo về Hà Nội nhiều. Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm Tổ trưởng để giải quyết những vấn đề bức xúc, cần có sự quan tâm giải quyết đặc biệt của Thủ tướng, Chính phủ.
Nếu để tình trạng này kéo dài thì sẽ không tốt, sẽ đánh giá ảnh hưởng đến chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin. Thực sự phải giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho người dân. Tôi cho là thành lập các tổ công tác là cần thiết, 3 tổ công tác này không chồng chéo.
Năm 2019, Tổ công tác của Thủ tướng sẽ có định hướng kiểm tra mang tính sâu hơn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nam Nguyễn
- Có khi nào Bộ trưởng cảm thấy quá tải, áp lực không?
+ Tôi cho là được làm việc là quý lắm rồi, đúng là áp lực thật, bảo không áp lực, không vất vả là nói dối, thực sự rất áp lực.
Khi ở vùng quê (Bộ trưởng Mai Tiến Dũng từng làm Bí thư tỉnh Hà Nam- PV) lên làm một vị trí với công việc rất quan trọng là tham mưu giúp việc cho Chính phủ, đặc biệt cho Thủ tướng, đây là vấn đề rất quan trọng. Cả Văn phòng Chính phủ đều được quán triệt tư tưởng phải cởi mở, chịu học, chịu lắng nghe, quyết tâm thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng, đó là Chính phủ phục vụ, chuyển từ quản lý hành chính sang tính phục vụ, chủ động tất cả công việc.
Không riêng tôi mà tất cả Bộ trưởng đều phải có áp lực như vậy, vì với sự chỉ đạo quyết tâm, tâm huyết và đầy nhiệt huyết như vậy, một sự lăn lộn, quyết liệt của Thủ tướng như vậy thì không thể nào các Bộ trưởng, tư lệnh ngoài đứng ngoài cuộc được.
Văn phòng Chính phủ anh em rất đồng thuận, đoàn kết, tạo dựng môi trường thống nhất cao và quyết liệt, dù số nghỉ hưu ngày càng tăng nhưng bổ nhiệm rất ít.
- Trong 3 năm qua, trên cương vị người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng thấy có cái khó gì? Ông hài lòng và chưa hài lòng về những điều gì trong quãng thời gian công tác qua của mình?
+ Tôi cho là rất trăn trở khi mình ở địa phương rồi mà lên cơ quan Trung ương thấy rằng, việc ở địa phương khó như thế, khi xin ý kiến Trung ương mà Trung ương không trả lời hoặc trả lời chậm, hoặc đùn đẩy, thì chính là tạo khó cho địa phương.
Trăn trở, bức xúc nhất là làm sao giải quyết những vấn đề liên quan địa phương, liên quan cơ chế, thể chế, phải phân cấp mạnh cho địa phương, thay vì việc kéo về bộ là không tốt, hay như việc của Bộ mà đẩy lên Chính phủ cũng không tốt. Phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của người đứng đầu thì tốt hơn rất nhiều.
Tôi thường xuyên nhận được tin nhắn, điện thoại của Bí thư, Chủ tịch tỉnh, tôi nói rằng không phải ra, vướng cái gì cứ nhắn, chúng tôi sẽ có trao đổi với các bộ trưởng để giúp cho các địa phương, đôn đốc giải quyết những vấn đề vướng mắc, tháo gỡ rất nhanh.
Không để cho anh em Văn phòng Chính phủ "đánh võng" lung tung
- Chúng ta đã đẩy mạnh cải cách, nhưng rào cản cải cách còn rất nhiều, điều này có khiến Bộ trưởng thấy nản không, thưa ông?
+ Không! Tôi cho là không nản vì xã hội, doanh nghiệp cần lắm, vấn đề là làm khó. Vừa qua đã làm rất quyết liệt khi cắt giảm hơn 6.000 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, vượt hơn 36% chỉ tiêu Nghị quyết 19, tiết kiệm hơn 11,6 triệu ngày công, tương đương khoảng hơn 5.400 tỷ đồng. Cắt được hơn 3.000 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, doanh nghiệp và người dân rất cần cải cách. Có những trường hợp, tai nạn giao thông mà khai tử không được. Dân bức xúc là đúng vì sách nhiễu, rào cản kinh khủng. Có trường hợp mất 4 năm rồi mà không nhận được mai táng phí…
Chúng ta đã làm được bước đầu như vậy và tôi biết có những việc vẫn cơ học, bỏ cái này nhưng lại sinh ra những quy chuẩn, tiêu chuẩn khác cho nên vẫn phải kiểm tra. Hay một cấp vụ mà ban hành văn bản quy định cả nước phải thực hiện, như vậy là sai thẩm quyền. Cho nên, phải cải cách mạnh mẽ, làm liên tục, làm cương quyết, làm rắn. Làm rắn ở đây nghĩa là đi vào cụ thể.
Làm một cái kẹo Chocolate mà 13 giấy phép, ăn thế này thì đau hết cả răng thì làm sao ăn được, nhưng vẫn phải làm.
Cải cách phải liên tục, quyết liệt, dù đây là vấn đề rất khó. Cải cách là dư địa tăng trưởng mạnh vì tháo gỡ khó khăn, cắt giảm chi phí, thúc đẩy gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Tới đây sẽ thành lập thêm một số bộ phận của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục của Thủ tướng. Thứ hai là thường xuyên tiếp cận doanh nghiệp để nghe doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp trước xem vướng cái gì, khó khăn cái gì, điều gì, khoản gì ở văn bản nào đang vướng.
Cải cách như thế nào đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là con người. Nếu chúng ta không thay đổi cách làm, vẫn bảo thủ thì rất là khó, nhưng nếu để tự giác thì không bao giờ có, nên phải áp đặt".
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng
+ Anh em đi làm việc có sự tham dự của báo chí thì công khai, minh bạch, nói sai tôi chịu, nhận lỗi, nói đúng thì không sợ, cứ làm vì làm có phải mang về nhà tôi đâu. Bảo cắt cái này rồi mang về nhà tôi thì mới sợ. Quan trọng nhất, nếu doanh nghiệp, người dân ủng hộ thì mình phải làm, không khác được vì lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng mạnh mẽ như thế mà mình không làm thì mình có tội, thấy những việc chướng tai gai mắt mà mình cứ lờ đi là không được, thế thì làm sao gọi được là Tổ Công tác, cơ quan tham mưu, cơ quan phát hiện để ngăn ngừa.
Bản thân tôi từ quê, cũng tham gia doanh nghiệp rồi nên nỗi khổ của dân, doanh nghiệp chúng tôi biết rồi. Nếu người ta có cơ hội trong một thời gian tích tắc thì người ta sẽ nên cơ đồ, nếu mất cơ hội thì cũng thôi luôn.
Tôi quan niệm, cải cách như thế nào đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là con người. Nếu chúng ta không thay đổi cách làm, vẫn bảo thủ thì rất là khó, nhưng nếu để tự giác thì không bao giờ có, nên phải áp đặt. Giúp cho Thủ tướng thì chúng tôi phải gương mẫu, không để cho anh em Văn phòng Chính phủ "đánh võng" lung tung.
Tôi cũng "hạ bệ" mấy anh Vụ phó, lên được thì xuống được, anh không làm thì có người khác làm. Nói tóm lại, thay mỗi con người là được hết, vì thay "ông" này thì người khác vào trách nhiệm tốt hơn.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!