(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình phiên họp thứ 31, chiều 18/3/2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu.
3 biện pháp thúc đẩy giao lưu quốc tế
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam là điểm đến ưa thích của khách du lịch, đã kí kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước nhằm thu hút du lịch…
Tuy nhiên, đại biểu cho biết hiện mới chỉ có một số ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thực cho công dân Việt Nam còn khó khăn.
Do đó đề nghị Bộ trưởng cho biết vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này và giải pháp để cải thiện tình hình, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và ngược lại?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhắc lại lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đó là: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Theo Bộ trưởng, việc đó đã được thể hiện qua việc các nước rất quan tâm đến thăm, thúc đẩy du lịch với Việt Nam, xem Việt Nam là điểm đến an toàn với nhiều danh lam thắng cảnh, văn hóa lịch sử.
Theo Bộ trưởng, không chỉ công dân các nước đến Việt Nam mà công dân của nước ta cũng có nhu cầu lớn ra nước ngoài để làm ăn, du lịch, thăm người thân. Từ tinh thần đó, Bộ Ngoại giao đã triển khai 3 biện pháp để thúc đẩy giao lưu quốc tế hiện nay.
Thứ nhất là tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân nước ngoài cũng như đồng bào ta ở nước ngoài về nước. Gần đây nhất là việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Trong đó tạo thuận lợi rất nhiều kể cả mở rộng thời gian lưu trú tại Việt Nam cũng như tăng cường cấp visa du lịch. "Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đi thăm nước bạn Úc, phía Úc đánh giá rất cao chúng ta đang triển khai visa du lịch rất thuận tiện". Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng chia sẻ, hiện nay, chúng ta cũng đã miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 nước vào du lịch tại Việt Nam. Đây đều là những địa bàn trọng điểm của chúng ta. Vừa rồi khi sửa Luật xuất nhập cảnh, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục gia hạn việc miễn thị thực này.
Việc thứ hai, đó là Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành đàm phán trực tiếp với các nước (15 nước) đã có Hiệp định miễn thị thực song phương, nâng tổng số lên 28 nước công dân có thể đi lại được với nhau.
Theo Bộ trưởng, đây là hướng chính mà Bộ sẽ triển khai để làm sao công dân mình ra nước ngoài cũng được đảm bảo như công dân nước bạn vào Việt Nam. Như vậy vị thế của nước ta cũng tăng lên.
Trong điều kiện chưa làm được hộ chiếu phổ thông thì Bộ Ngoại giao cũng đang đàm phán với 80 nước về việc miễn thị thực song phương trên tinh thần có đi có lại về hộ chiếu ngoại giao và công vụ.
"Ngược lại, với chiều nước bạn khi vào Việt Nam chúng ta đã tạo thuận lợi rất tốt. Tới đây, chúng tôi sẽ ký kết các Hiệp định song phương nhằm tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ra nước ngoài cũng như công dân nước ngoài vào Việt Nam" - ông Bùi Thanh Sơn cho hay.
Thúc đẩy quan hệ đối ngoại để phát triển kinh tế - xã hội
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cho biết, đến nay Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Điều này mở ra nhiều cơ hội và không ít thách thức để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và các địa phương.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp hiệu quả nào trong việc thúc đẩy quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 nước thành viên của Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước.
Bộ trưởng nêu rõ, trong việc thiết lập, nâng cấp quan hệ với các đối tác, chúng ta quan tâm đến các nội hàm quan trọng như: tạo dựng tin cậy chính trị cao hơn với các đối tác, từ những thế mạnh của từng đối tác để thúc đẩy khuôn khổ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn.
"Chúng ta cũng tìm ra những đột phá trong quan hệ của nước ta với đối tác, ví dụ tiêu biểu nhất là ta đã đưa ra đột phá tăng cường kết nối hạ tầng với nước bạn Trung Quốc, trong đó, các tỉnh miền bắc của ta sẽ có kết nối đường sắt liên thông với các tỉnh sâu trong nội địa Trung Quốc, kết nối với các nước Trung Á và Đông Âu" - ông Bùi Thanh Sơn cho hay.
Với Hoa Kỳ, Bộ trưởng cho biết, đột phá của nước ta là hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn, tiếp tục củng cố hợp tác thương mại, đầu tư. Với Australia, chúng ta chọn trọng tâm là hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao và giáo dục đào tạo.
Với Nhật Bản, ngoài lĩnh vực hợp tác truyền thống, chúng ta đã thỏa thuận để khoản ODA thế hệ mới phải ưu đãi hơn, thuận tiện hơn cho việc giải ngân, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng./.