(Tổ Quốc) - “Chính phủ cần thực hiện triệt để hơn nữa việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định chính sách, thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng doanh nghiệp... Đây là điều DN mong mỏi nhất từ các cơ quan chính quyền hơn là được hỗ trợ bằng tiền”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị với doanh nghiệp "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp (DN) hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền... đã khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương.
Các số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2020 cũng cho thấy những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của toàn bộ doanh nghiệp, thể hiện ở số doanh nghiệp thành lập mới, quy mô doanh nghiệp bị thu hẹp. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh, 33,6% so với cùng kỳ 2019.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng ý chí của dân tộc Việt Nam đã được phát huy hơn bao giờ hết.
Cộng đồng DN đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh, việc làm cho người lao động. Kết quả một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy DN Việt Nam đã rất chủ động và có giải pháp tự cứu mình, có sáng kiến để khắc phục các tác động từ dịch bệnh như: áp dụng giờ làm việc linh hoạt, cắt giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu thay thế, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, ứng dụng công nghệ số...
Điều đáng mừng là trong giai đoạn khó khăn vừa qua, cộng động DN đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các DN khác cùng nhau vượt khó, chia sẻ với Chính phủ trong khó khăn...
Với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng DN, thời gian qua người đứng đầu Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và nắm bắt tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, điển hình như Chỉ thị 11. Đây là nền tảng định hướng cho các chính sách cụ thể như Nghị quyết 42...
"Có thể khẳng định rằng, các chính sách vừa qua đã phần nào chia sẻ được những tổn thất mà DN phải gánh chịu", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Dù vậy, theo Bộ trưởng, cộng đồng DN vẫn còn mong mỏi vào những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan nhà nước để đồng hành cùng doanh nghiệp trước các cơ hội trong tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt ở nước ta.
"Một trong những kiến nghị của DN là Chính phủ cần thực hiện triệt để hơn nữa việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định chính sách, thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng doanh nghiệp của các đội ngũ cán bộ thực thi... Đây là điều DN mong mỏi nhất từ các cơ quan chính quyền hơn là được hỗ trợ bằng tiền", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Mặc dù hiện nay tình hình dịch bệnh trong nước đang được đẩy lùi và kiểm soát thành công nhưng trên thế giới vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là ở các quốc gia là đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, phía trước vẫn đang còn nhiều tiềm ẩn, nguy cơ và thách thức như tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới... sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các DN.
Hiện tượng mua bán, sáp nhập DN trong thời gian tới có thể diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các DN tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ. Các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường dẫn đến xu hướng các DN FDI lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về khoa học công nghệ, môi trường sinh thái và dịch vụ y tế an toàn.
"Thực tiễn này đã đặt ra câu hỏi lớn đối với tất cả chúng ta: Cần phải làm gì? Hành động gì để vượt qua được các thách thức? Biến nguy thành cơ? Làm thế nào để trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa? Lịch sử dân tộc đã chứng minh Việt Nam luôn tìm được hướng đi đúng tạo nên những điều kỳ diệu trong mỗi lúc khó khăn và gian nguy nhất", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Từ góc nhìn quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt là sự tin cậy chiến lược, điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch đến Việt Nam.
Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra lợi thế mới, xu hướng tiêu dùng mới, xuất hiện các mô hình kinh doanh mới... đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị mới để bứt phá. Đây thực sự là cơ hội giúp các DN Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước những biến cố của thị trường, tái cấu trúc cơ sở sản xuất và chuyển đổi chiến lược...
"Ngay lúc này, chúng ta cần có hành động nhanh, mạnh mẽ hơn để hỗ trợ các DN trước nhằm hồi phục, bứt phá, kích thích tăng trưởng", Bộ trưởng nói thêm.
Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những triển vọng lớn. Bộ KHĐT đề xuất cần quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho các DN phát triển, coi việc thực hiện các giải pháp chính sách, hỗ trợ tạo điều kiện phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị như đã áp dụng với công cuộc phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua.
Bộ KHĐT đề xuất một số định hướng và nội dung thảo luận: Phục hồi chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng phát triển chuỗi giá trị mới, duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu sản xuất, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng trong nước có nhu cầu...
Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, chuỗi liên kết thuần Việt...Thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa, tăng tổng cầu trong nước thông qua kích thích tiêu dùng...
Đồng thời thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công bên cạnh đó tháo gỡ các nút thắt trong thị trường bất động sản...
Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch, triển khai ngay chiến lược truyền thông, quảng bá hình ảnh Việt Nam tới thế giới là quốc gia có ý thức phòng chống dịch tốt nhất, hiệu quả nhất... và là điểm đến an toàn để đầu tư, du lịch. Xây dựng lộ trình phù hợp cho người nước ngoài vào du lịch để kích thích tăng trưởng ngành dịch vụ.
Hỗ trợ phục hồi và đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách, nghiên cứu chính sách bảo lãnh tín dụng cho các khoản vay mới của khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, sử dụng nhiều lao động như dệt may, da dày, du lịch, hàng không... Hỗ trợ người lao động trong các ngành bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh để giúp ổn định lao động, sẵn sàng phục hồi sản xuất kinh doanh...