(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, đã xác định nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam. Nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực.
Sáng 4/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chính phần chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Giải pháp gì để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam?
Phát biểu chất vấn, đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho biết, Bộ trưởng đã nhiều lần phát biểu về vai trò và tầm quan trọng của nền tảng số xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là giải pháp đột phá để thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Đại biểu Lý Văn Huấn chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về giải pháp để thúc đẩy xây dựng nền tảng số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Về tình trạng chảy máu chất xám, đại biểu Lý Văn Huấn cho biết những nhân tài lập trình, quản trị vì nhiều lý do, trong đó có lý do thu nhập, các doanh nghiệp nước ngoài trả gấp 5 lần, 7 lần, thậm chí 10 lần và trong khi tại các doanh nghiệp trong nước môi trường công tác, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu phát triển không đáp ứng. Vậy Bộ trưởng có những giải pháp gì để thu hút và giữ chân những nhân tài này? Câu hỏi này đại biểu Lý Văn Huấn cũng dành cho Thủ tướng Chính phủ.
Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết nguyên nhân và trách nhiệm của việc không triển khai được Chương trình "Máy tính cho em" với gói hỗ trợ 6.000 tỷ đồng cũng như việc chậm thực hiện nội dung về thông tin truyền thông trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?
Ngoài ra, theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Quốc hội, hiện chỉ còn 266 thôn, bản chưa có dịch vụ viễn thông di động. Đây là những nỗ lực rất lớn đáng ghi nhận của ngành Thông tin truyền thông. Tuy nhiên, qua các chuyến công tác như khảo sát và phản ánh của cử tri, còn rất nhiều vùng lõm ở các thôn, bản, điểm dân cư không có sóng hoặc sóng rất yếu, nhất là ở các vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Điều này đã hạn chế đến phát triển kinh tế xã hội và cả công tác bảo đảm an ninh quốc phòng.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết con số 266 thôn, bản có thực sự xác đáng không? Giải pháp để đầu tư, cải thiện hạ tầng thông tin ở các tỉnh khó khăn và với nguồn quỹ hỗ trợ từ khi nào các vùng lõm đủ sóng và sóng khỏe, đáp ứng nhu cầu của nhân dân?
"Có việc khó thì sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại thì sẽ có người vĩ đại"
Trả lời đại biểu Lý Văn Huấn về nền tảng số, Bộ trưởng nêu rõ đã xác định nền tảng số là giải pháp đột của chuyển đổi số Việt Nam. Nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực. Nếu như chúng ta không làm chủ các nền tảng số Việt Nam, người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài khi đó dữ liệu bị thu thập. Mà dữ liệu số thì được gọi là tài nguyên.
Vì vậy Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm phát triển các nền tảng. Theo đó, năm 2022 đã xây dựng xong và hoạt động khai thác 52 nền tảng số Việt Nam. Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2022 này đã có 500 triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam và chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt Nam và con số này đang tăng lên.
Về giải pháp đột phá, Bộ trưởng nêu rõ "có việc thì sẽ có người, có việc khó thì sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại thì sẽ có người vĩ đại". Lý giải cho câu nói này, Bộ trưởng chia sẻ, người ở đây được hiểu là cả người và doanh nghiệp. Theo đó, khi Bộ công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia ở cả mức Trung ương và các địa phương và có trang web để công bố các bài toán cần lời giải bài toán chuyển đổi số Việt Nam.
Bên cạnh đó, vấn đề chảy máu chất xám nhân tài công nghệ thông tin cũng là vấn đề được Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm bởi nhân tài là yếu tố quyết định trong việc làm chủ khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lâm Thành về chương trình máy tính cho em, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chương trình 1 triệu máy tính cho em thì có 600 nghìn máy tính bảng cho em là nguồn lực xã hội hóa. Hiện nay là 500 nghìn máy tính bằng nguồn lực xã hội hóa. Chúng ta cũng đã tổ chức đánh giá hiệu quả của các máy tính đưa đến các em. Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thống nhất thời điểm đưa chính thức chương trình học trực tuyến trong lúc không còn COVID-19.
Về vấn đề sóng vùng lõm, Bộ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt kế hoạch trong đến hết năm nay hoặc đến Quý 1/2023 để giải quyết. Tuy nhiên để phát hiện những điểm lõm về sóng phải do chính quyền địa phương báo cáo về Bộ từ đó Bộ tổng hợp và chỉ đạo thực hiện và hiện nay có Quỹ để phủ sóng vùng lõm.
Trả lời câu hỏi về chậm đấu giá tần số vô tuyến điện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện đã hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đấu giá là theo Nghị định 88 để thực hiện các tiến trình đấu giá tần số cho 4G và sắp tới sẽ là tần số 5G. Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai đấu giá tần số. Tuy nhiên với việc đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để sớm tổ chức đấu giá và dự kiến là đầu năm 2023.
Về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện cả nước có xấp xỉ khoảng 1,2 triệu cả người lao động, nhưng nhân lực tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550 ngàn người. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cấp giấy phép về thí điểm đại học số. Nếu đại học số thí điểm sớm thì sẽ là một trong những giải pháp để có thể nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số.
Ngoài ra Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết thêm, một trong những giải pháp mang tính căn bản đột phá mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện là xây dựng các nền tảng đào tạo trực tuyến số lượng lớn đến các đối tượng khác nhau, tên nền tảng này là One Touch và đã đưa vào vận hành được 6 tháng, đã có 10 triệu người Việt Nam lên đó học tập. Trong nền tảng này cũng có một phần dành riêng cho cán bộ, công chức lên đấy tự học, tự đánh giá và sẽ tự cấp các chứng chỉ.