(Tổ Quốc) - Chiều 6/11, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về việc quản lý các cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc quản lý báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích không làm hạn chế quyền của cơ quan báo chí.
- 06.11.2020 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam sẽ có thiết bị 5G chất lượng tốt, giá rẻ hơn
- 06.11.2020 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Khi triển khai diện rộng 5G, chúng ta sẽ có thiết bị 5G của Việt Nam
- 27.10.2020 Nút thắt nhân lực và góc nhìn khác biệt của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Địa phương nên là người "đặt ra các bài toán thông minh" cho doanh nghiệp
- 22.10.2020 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phát triển thành phố thông minh, hãy bắt đầu từ nỗi đau lớn nhất
Trả lời ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) về tôn chỉ mục đích của báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản báo chí, tức cơ quan và tổ chức nằm trong hệ thống tổ chức chính trị ở Việt Nam.
Mỗi cơ quan tổ chức đều có chức năng nhiệm vụ riêng, các cơ quan báo chí phải bám theo chức năng nhiệm vụ này, hay còn gọi là tôn chỉ mục đích để tuyên truyền, vì thế sẽ vẽ lên bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam. Nếu không có sự phân vai thì có thể lệch bên này, lệch bên kia, nhiều chỗ này, ít chỗ kia và rất nhiều vấn đề kinh tế xã hội sẽ không được đề cập.
Tập trung hoạt động theo tôn chỉ mục đích thì giúp cho báo chí viết chuyên sâu được cái mà báo chí hiện nay đang còn yếu, đây là cách tiếp cận đã được luật định.
Bộ trưởng cũng cho biết: "Cũng có ý kiến cho rằng thực hiện tôn chỉ mục đích sẽ hạn chế quyền của cơ quan báo chí, đặc biệt trong việc chống tiêu cực tham nhũng, tôi khẳng định điều này không hạn chế quyền đó".
Thời gian vừa qua có nhiều nhà báo, cơ quan báo chí đã đi tác nghiệp hoặc được giao đi tác nghiệp không đúng với tôn chỉ mục đích, chuyên ngành của mình, việc này gây khó khăn cho nhiều cơ quan tổ chức và ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan báo chí, nhà báo đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ TT&TT đã và sẽ nghiêm túc xử lý các cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm: Từ năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ TT&TT đã dùng công nghệ, phát triển công cụ để phát hiện những bài báo "sáng đăng, chiều gỡ". Thực hiện nhắc nhở các cơ quan báo chí và yêu cầu giải trình tại giao ban hàng tuần, xử lý hành chính hoặc theo quy định đạo đức nghề nghiệp.
Hiện nay hiện tượng này đã giảm đáng kể, mỗi tuần chỉ còn 1-2 vụ phải giải trình nhưng chủ yếu là do lỗi biên tập phải sửa lại.
Đại biểu Vũ Thị Thủy (Hải Dương) nêu chất vấn về vấn nạn tin giả trên mạng xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói tin giả ở Việt Nam chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook và YouTube.
Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng, nên các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Thời gian qua, Bộ TT&TT làm rất quyết liệt, như ban hành quy định về xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội.
Công cụ quản lý cũng đã được xây dựng. Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia mỗi ngày có thể xử lý khoảng 300 triệu tin để phân tích, đánh giá, phân loại; hình thành các đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tin giả, xấu độc.
Bộ TT&TT đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Facebook và YouTube, yêu cầu gỡ bỏ thông tin xấu độc. Tỉ lệ gỡ bỏ thông tin này đã tăng lên. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017. Tương tự, số video xấu độc trên YouTube được gỡ bỏ trong năm năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017; số trang giả mạo gỡ bỏ trong năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017.
Bộ trưởng sau đó cho biết thêm, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công An xử lý nghiêm một số cá nhân sản xuất các nội dung xấu độc, tinh thần xử lý nghiêm. Người dân và tổ chức khi phát hiện video xấu, độc liên quan có thể báo đến đường dây nóng của Bộ và các Sở TT&TT để phối hợp xử lý.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, Bộ sẽ làm việc với YouTube để nâng tỷ lệ thực thi pháp luật không phải 90% mà là 100%. Thứ hai, Bộ phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc và Bộ trưởng tin tưởng năm 2021 sẽ có công cụ này.