• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam phải đi trong nhóm dẫn đầu về công nghệ số

Thời sự 30/11/2024 14:11

(Tổ Quốc) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam muốn trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao thì chúng ta phải đi trong nhóm đầu về công nghệ số, công nghiệp công nghệ số.

Sáng 30/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Cần có chính sách rõ ràng, khả thi để thúc đẩy phát triển Công nghiệp công nghệ số

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu cho rằng, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ Công nghiệp công nghệ số, cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi để phát triển một ngành công nghiệp như nghiên cứu triển khai, hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn. 

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nêu thực tế, các doanh nghiệp công nghệ số chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ mới. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam phải đi trong nhóm dẫn đầu về công nghệ số - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Tuy nhiên, đối với chính sách phát triển Công nghiệp công nghệ số, đại biểu cho rằng, bên cạnh các chính sách ưu đãi, cơ quan soạn thảo cần xác định rõ ràng hơn về đối tượng áp dụng; đặc biệt, cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm - vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đảm bảo tính khả thi - vừa thực sự góp phần tạo sự đột phá so với công nghệ thông tin.

Công nghiệp công nghệ số là một ngành cần sử dụng nhiều tài nguyên, hóa chất và tác động lớn đến môi trường. Chính vì vậy, bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ mang tính đặc thù, vượt trội - cần đi kèm với các cam kết, nghĩa vụ - đặc biệt về bảo vệ môi trường. 

Cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về xử lý, thu hồi các sản phẩm bị đào thải trong Công nghiệp công nghệ số - buộc các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ số phải chấp hành nghiêm các quy định về môi trường; sử dụng năng lượng xanh, sạch, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên - góp phần phát triển bền vững Công nghiệp công nghệ số.

Cũng cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng gần 1/2 tổng số lao động và đóng góp khoảng 40% GDP hàng năm. Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực chế tạo, điện - điện tử và công nghệ thông tin.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách đặc thù phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhỏ và vừa. Theo đó, cần quy định cụ thể các chính sách ưu đãi: hỗ trợ về thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính: thủ tục cấp phép, quy trình đo lường, kiểm định, việc hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ thông qua việc xem xét hỗ trợ bảo lãnh hoặc được bảo lãnh từ các ngân hàng.

Bên cạnh các chính sách phát triển dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với những chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số trong nước, bảo đảm cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ cần tăng chi tiêu công để đặt hàng các doanh nghiệp số trong nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số "make in Việt Nam".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam phải đi trong nhóm dẫn đầu về công nghệ số - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể, đầy đủ trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về Công nghiệp công nghệ số; đồng thời nghiên cứu, quy định cụ thể tại dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định: Trường hợp nào thì tạm đình chỉ giấy phép, giấy chứng nhận về Công nghiệp công nghệ số; Trường hợp nào thì đình chỉ giấy phép, giấy chứng nhận về Công nghiệp công nghệ số; Trường hợp nào thì thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về Công nghiệp công nghệ số và Thời hạn tạm đình chỉ, thời hạn đình chỉ giấy chứng nhận về Công nghiệp công nghệ số.

Công nghệ số mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận các ý kiến đều nhằm mục tiêu có một bộ luật chất lượng, khả thi để phát triển mạnh mẽ, bứt phá công nghiệp, công nghệ số của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin nhưng có tính cách mạng. Công nghệ số sinh ra chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất mới, thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại.

Việt Nam muốn trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao thì chúng ta phải đi trong nhóm đầu về công nghệ số, công nghiệp công nghệ số. Nếu Quốc hội thông qua luật này trong kỳ họp tới thì Việt Nam sẽ nằm trong nhóm nước đầu tiên có một bộ luật riêng về công nghiệp công nghệ số.

Công nghiệp công nghệ số là một ngành kinh tế kỹ thuật rất năng động, rất lớn và rất quan trọng của đất nước. Bộ trưởng nhấn mạnh, để phân biệt công nghệ thông tin và công nghệ số thì chủ yếu phân biệt đối tượng xử lý thông tin và dữ liệu. Trong đó công nghệ thông tin thì xử lý thông tin, công nghệ số thì xử lý dữ liệu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam phải đi trong nhóm dẫn đầu về công nghệ số - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tiếp thu, giải trình dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Bộ trưởng nhấn mạnh, xử lý thông tin không sinh ra giá trị mới, liên quan đến tự động hóa nhiều hơn. Thời của công nghệ thông tin thì chưa có các công nghệ để số hóa thế giới thực, chưa có Internet vạn vật, chưa có công nghệ xử lý và lưu trữ được dữ liệu lớn với giá rẻ.

Đặc biệt, chưa có công nghệ xử lý để tìm ra giá trị mới từ dữ liệu. Dữ liệu là tài nguyên mới, tư liệu sản xuất mới, đầu vào mới của sản xuất, giống như đất đai trong thế giới thật.

Công nghệ số xử lý dữ liệu thì sinh ra giá trị mới, tạo ra sự phát triển cho đất nước. Không những vậy, công nghệ số còn tạo ra chuyển đổi số, tạo ra không gian sinh tồn mới là không gian số, cách mạng chuyển đổi số.

Nhấn mạnh đây là điều quan trọng nhất, Bộ trưởng cho biết công nghệ số là động lực chính của phát triển, của chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên mới.

Luật Công nghệ thông tin 2006 số 67/2006/QH11 có 3 phần chính. Trong đó phần an toàn thông tin mạng đã được tách ra thành Luật An toàn thông tin mạng 2015 số 86/2015/QH13. Phần phát triển chủ yếu công nghiệp công nghệ thông tin đang được tách ra thành Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến thông qua năm 2025.

Còn phần ứng dụng về Chính phủ điện tử dự kiến xin phép Quốc hội tách ra thành Luật Chính phủ. Khi đó Luật Công nghệ thông tin có thể kết thúc tồn tại.

Việc tách ra thành 3 luật riêng biệt sẽ tạo ra không gian phát triển mạnh mẽ cho cả 3 lĩnh vực quan trọng. Các quốc gia trên thế giới cũng tiếp cận theo cách này.

Trong đó, những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động thì luật quy định những nguyên tắc chung để quản lý và phát triển. Đảm bảo quản lý phải theo kịp và kiến tạo phát triển, sau đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo linh hoạt.

Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đã tiếp cận theo cách này để xử lý các nội dung tài sản số và trí tuệ nhân tạo. Luật cũng dành một chương riêng cho công nghiệp bán dẫn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn, coi chíp bán dẫn là công nghệ cốt lõi.

Dự thảo luật đã quy định các chính sách hỗ trợ phát triển, đảm bảo an ninh quốc gia cho ngành công nghiệp chiến lược này. Nhiều chính sách tốt nhất đã được đưa vào luật để hỗ trợ cho công nghệ chiến lược này. 

Xuân Trường - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ