• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Cần đặc biệt chú trọng việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý của ngành

Văn hoá 12/07/2018 12:15

(Tổ Quốc) - Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ, các đơn vị của Bộ VHTTDL cần đặc biệt chú trọng việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý của ngành.

Ngày 12/7, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2018.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Lê Khánh Hải chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thái Bình- Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL đã báo cáo những thành tích cũng như những khó khăn hạn chế của ngành VHTTDL trong 6 tháng đầu năm 2018.

Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2018 của Bộ VHTTDL

Theo đó, trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Bộ VHTTDL đã chủ động xây dựng ban hành các chương trình, kế hoạch công tác nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch. Lãnh đạo Bộ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ. Các văn bản, đề án, văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng và ban hành đúng tiến độ, căn bản đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước của Ngành từ Trung ương đến địa phương.

Trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt được một số kết quả, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Xếp hạng 11 di tích quốc gia; quyết định đưa 21 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức Lễ đón bằng UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam, Hát Xoan Phú Thọ; thỏa thuận để các tỉnh triển khai xây dựng hồ sơ “Tranh dân gian Đông Hồ” tỉnh Bắc Ninh và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” tỉnh Ninh Thuận trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức triển khai các nhiệm vụ. Trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định quy định ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương; Nghị định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” và Chỉ thị của Ban Bí thư về “tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao”.

Công tác quản lý và tổ chức Lễ hội Xuân 2018 được tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ trước Tết Nguyên đán. Hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm; ý thức thực hiện nếp sống văn minh của nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội được nâng lên, những hiện tượng tiêu cực, phản cảm đã giảm nhiều so với mùa lễ hội trước. Tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể; tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các đội tuyên truyền văn hóa phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, biển đảo.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Hội nghị

Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Giám định 30 kịch bản phim các loại, cấp 11 Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim. Thẩm định, cho phép phát hành 150 phim các loại. Xây dựng Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; xây dựng Đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương; hoàn thiện Đề án “Nâng cao năng lực viết trẻ về văn học, nghệ thuật trong hội nhập giai đoạn 2018-2020”. Hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về hoạt động triển lãm; xây dựng Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 tầm nhìn 2050. Tổ chức thành công các sự kiện: Triển lãm ảnh “Đất nước con người Việt Nam” phục vụ APPF 26; Triển lãm ảnh “Đất nước, con người ASEAN” tại Hàn Quốc... Tham gia rà soát Hiệp định Đối tác toàn diện, tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương; phiên đàm phán giữa kỳ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực của Nhóm Sở hữu trí tuệ.

Phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam ra thế giới và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức quốc tế giới thiệu văn hóa, du lịch tại Việt Nam thông qua việc phối hợp tổ chức tại Việt Nam như Những ngày Văn hóa Uzbekistan; Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV 10)...

Công tác gia đình các cấp triển khai đúng yêu cầu và đồng bộ. Các tỉnh, thành chủ động triển khai Kế hoạch thực hiện công tác gia đình năm 2018. Tổ chức Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm và 01 năm thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Triển khai Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Lĩnh vực thể dục thể thao cũng đạt nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Thể thao Việt Nam đã đạt được những thành tích nổi bật trên các đấu trường quốc tế: Trong 6 tháng đầu năm, các vận động viên Việt Nam giành được 374 huy chương (trong đó có 172 HCV, 114 HCB, 88 HCĐ). Thành tích nổi bật: Đội tuyển Bóng đá U23 Việt Nam thi đấu xuất sắc giành huy chương bạc giải vô địch U23 châu Á; đội tuyển Thể dục dụng cụ giành 2 HCV cúp thế giới... Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 07 suất tham sự Olympic trẻ tại Argentina.

Về lĩnh vực du lịch, ngành Du lịch đã có nhiều nỗ lực, tổ chức triển khai nhiều hoạt động và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt xấp xỉ 7,9 triệu lượt (tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017); khách du lịch nội địa ước đạt 42,8 triệu lượt (khách lưu trú đạt 20,5 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch đạt 312.000 tỷ đồng (tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2017).

Bên cạnh đó, nhiều nhiệm vụ quan trọng đã được ngành Du lịch thực hiện thành công như tiển khai các giải pháp duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế, nội địa, đạt mục tiêu theo kịch bản tăng trưởng của ngành Du lịch năm 2018; Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ các đề án: Cơ cấu lại ngành Du lịch; Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; Nâng cao hiệu quả trong quảng bá, xúc tiến du lịch....

Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện các Cục, Vụ của Bộ VHTTDL đã nêu những thành tựu cũng như những khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đặc biệt chú trọng việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý của Bộ. Trong đó, Cục Văn hóa Cơ sở có 3 Nghị định, 1 Chỉ thị; Tổng Cục Thể dục Thể thao: 2 Nghị định, 8 Thông tư, Thanh tra Bộ 1 Nghị định, Cục Hợp tác quốc tế 1 Nghị định...

Bộ trưởng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm, phải hoàn thiện các Nghị định, Thông tư kịp tiến độ. Bộ trưởng giao Văn phòng Bộ và Vụ Pháp chế hỗ trợ, tham mưu các đơn vị hoàn thiện các văn bản. “Không đơn vị nào được nợ nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Nợ ở đâu, chỗ nào phải tập trung hoàn thành”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ VHTTDL đã khen thưởng cho các đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm

Với các nhiệm vụ chuyên môn, Bộ trưởng khẳng định, 6 tháng đầu năm, các đơn vị đã quyết liệt, thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, với yêu cầu của ngành VHTTDL rất rộng, vì vậy, đòi hỏi các cán bộ, nhân viên, người lao động phải hết sức nỗ lực, cố gắng trong thời gian tới để hoàn thành các nhiệm vụ của năm.

Bộ trưởng cho rằng, ngành du lịch đã phát triển vượt bậc. Nhiệm vụ đến cuối năm 2018 cố gắng đạt khoảng 16 - 17 triệu khách. Ngoài ra, trong công tác quản lý cần điều chỉnh cho phù hợp, nhất là chính sách xã hội hóa.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, các đơn vị cần tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, đề án xây dựng "hệ giá trị văn hóa", "hệ giá trị chuẩn mực con người" Việt Nam được giao Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam xây dựng, là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển văn hóa, hoàn thiện con người Việt Nam.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, với một số Nghị định về công tác khen thưởng phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp thực tiễn, xử lý được những vấn đề mà xã hội quan tâm. Bộ trưởng cho rằng, đây là vấn đề khó nhưng đòi hỏi phải có sự sát sao của những người làm công tác quản lý, những vấn đề không phù hợp thực tiễn phải điều chỉnh để đảm bảo tính công bằng, khích lệ động viên các văn nghệ sĩ, cán bộ, nhân viên của ngành.

Bộ trưởng cũng nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan đơn vị trong cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Tại Hội nghị, Bộ VHTTDL đã khen thưởng cho các đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm./.

Hồng Hà- Nam Nguyễn

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ