(Tổ Quốc) - Chiều nay (23/10), Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã trình Quốc hội khóa XIV Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao (TDTT).
Cấp thiết phải sửa đổi để phù hợp tình hình mới
Tờ trình nêu rõ, Luật TDTT được thông qua vào năm 2006 đã tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tác dụng của TDTT trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc và chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trình bày tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao tại kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XIV (ảnh: Nam Nguyễn) |
Luật cũng đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao năng lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp TDTT. Từ chỗ hoàn toàn được bao cấp thì giờ đây đã từng bước xã hội hóa, một số môn thể thao chuyển dần sang cơ chế thể thao chuyên nghiệp. Vai trò tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp về TDTT ngày càng được nâng cao; tỷ lệ người tập TDTT thường xuyên tăng hơn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật TDTT đã bộc lộ một số bất cập so với tình hình thực tiễn hiện nay như: Chính sách phát triển TDTT quần chúng; Trách nhiệm của bộ, ngành, nhà trường với giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường; Chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa hoạt động thể thao.
Dự án Luật TDTT sửa đổi, bổ sung với mục tiêu nhằm thể chế hóa đường lối phát triển TDTT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020.
Khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động TDTT
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT dự kiến trực tiếp sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung mới 1 điều. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động TDTT. Đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động TDTT. Tiếp tục cải cách hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao, sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT trong Luật TDTT hiện hành để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống phát luật.
Cụ thể, về TDTT quần chúng, Dự thảo Luật TDTT bổ sung chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, khai thác các công trình TDTT công cộng, các công trình TDTT phục vụ hoạt động thể thao cho người khuyết tật, người cao tuổi. Bên cạnh đó, quy định rõ về trách nhiệm của Bộ trưởng GD&ĐT, Thương binh&Xã hội đối với giáo dục thể chất và TDTT trong nhà trường để từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên TDTT.
Đối với thể thao thành tích cao, Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của HLV và VĐV thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ, tăng cường chính sách ưu đãi cho VĐV đội tuyển quốc gia khi bị tai nạn trong tập luyện, thi đấu. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về giải thi đấu thể thao thành tích cao; thẩm quyền quyết định giải thể thao thành tích cao; thủ tục đăng cai giải thể thao thành tích cao...
Cùng với đó, Dự thảo Luật TDTT được trình đến Kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa XIV với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến thể thao chuyên nghiệp; cơ sở thể thao; nguồn lực phát triển TDTT; tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT; một số cụm từ, tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT trong Luật TDTT hiện hành.
Đáng chú ý, sau khi được Chính phủ cho phép thực hiện đặt cược ở một số môn thể thao như đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế, Dự thảo Luật TDTT cũng bổ sung quy định "Lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao để tổ chức đặt cược, đặt cược bất hợp pháp" (Khoản 7, Điều 10) để nhằm hạn chế việc đặt cược bất hợp pháp.
Thế Công