• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Du lịch chỉ có thể phát triển tốt trong môi trường an ninh, an toàn, thân thiện và sạch đẹp

Du lịch 29/01/2017 08:00

(Tổ Quốc) - Năm 2016, ngành VHTTDL đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc. Trong cuộc trao đổi với báo chí nhân dịp đón Xuân mới 2017, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã nhìn lại những thành tích cũng như tồn tại của du lịch Việt Nam đồng thời đưa ra những định hướng trong thời gian tới nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị, đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Báo điện tử Tổ Quốc xin lược ghi giới thiệu với bạn đọc bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

Năm 2016, du lịch Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tăng 9% so với năm 2015; tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2015, về đích trước 4 năm so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Bột trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Để thu hút khách dụ lịch, sản phẩm du lịch cần được xúc tiến quảng bá một cách chuyên nghiệp, bài bản (ảnh Nam Nguyễn)

Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành Du lịch, chúng ta mới thấy những con số này ý nghĩa như thế nào. Năm 1994, sau rất nhiều sự cố gắng, Du lịch Việt Nam đón vị khách du lịch quốc tế thứ 1 triệu. Sau 16 năm, vào năm 2010, chúng ta đón khách quốc tế thứ 5 triệu; trong giai đoạn này mỗi năm tăng trưởng trung bình 600.000 lượt khách. Vậy mà chỉ riêng năm 2016 chúng ta đã tăng hơn 2 triệu lượt khách quốc tế . Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2016 đạt 2 mốc kỷ lục mới: tổng số khách nhiều nhất (10 triệu lượt) và mức tăng tuyệt đối trong năm nhiều nhất (trên 2 triệu lượt).

Những con số ngắn gọn nêu trên không chỉ là thành tích của ngành Du lịch mà còn là niềm vui chung của đất nước; là kết quả của sự quan tâm của Đảng, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cùng với nỗ lực không ngừng của ngành du lịch.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2015, Việt Nam được đánh giá cao đối với chỉ số tài nguyên thiên nhiên (hạng 40) và tài nguyên văn hóa (hạng 33) nhưng năng lực cạnh tranh ngành du lịch của Việt Nam xếp hạng 75 trong tổng số 141 nền kinh tế. Như vậy, tài nguyên không đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh thu hút khách du lịch, mới chỉ là điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch.

Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc. Vì vậy, để có được sản phẩm du lịch hấp dẫn, bên cạnh yếu tố độc đáo, hấp dẫn, khác biệt cần có cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, có người phục vụ chuyên nghiệp, có môi trường xung quanh sạch đẹp, thân thiện. Để thu hút khách dụ lịch, sản phẩm du lịch cần được xúc tiến quảng bá một cách chuyên nghiệp, bài bản. Đồng thời, khách du lịch cần được tạo điều kiện thuận lợi về thị thực nhập cảnh và đi lại, nhất là đường hàng không.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, sản phẩm du lịch của Việt Nam chưa có được sự đa dạng, hấp dẫn và khác biệt. Chất lượng dịch vụ du lịch nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu. Môi trường du lịch cả về tự nhiên và xã hội còn nhiều bất cập. Công tác xúc kiến quảng bá du lịch còn hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao.

Các chính sách liên ngành đảm bảo điều kiện cho ngành du lịch phát triển thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh chưa đồng bộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của du lịch. Lấy ví dụ, Việt Nam đã miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 22 nước trong khi Thái Lan miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 61 nước và vung lãnh thổ, Malaysia, Xinh-ga-po, In-đô-nê-si-a và Phi-líp-pin đều miễn thị thực cho công dân trên 150 nước và vùng lãnh thổ; năm vừa qua chúng ta đón 10 triệu lượt khách du lịch và quốc tế nhưng các sân bay quốc thế như Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng đã có dấu hiệu quá tải; đường giao thông từ các trung tâm đến các điểm du lịch, nhất là ở miền núi phía Bắc còn hạn chế, thời điểm di chuyển nhiều.

Du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng cũng như mong muốn của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của toàn xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một số hạn chế nằm ngay trong nội tại ngành Du lịch nhưng cũng có nhiều khó khăn, hạn chế từ các yếu tố khách quan. Chúng ta mới chỉ đặt ra yêu cầu, đòi hỏi đối với ngành Du lịch mà chưa đặt ra câu hỏi ở chiều ngược lại, chúng ta có những cơ chế, chính sách gì, nguồn lực đầu tư như thế nào để thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Tuy nhiên nếu chúng ta biết được chính sách về visa, chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn kinh phí nguồn nhân lực được bố trí thực hiện quảng bá xúc tiến du lịch…của các nước trên thì chúng ta có thể hiểu được một phần tại sao họ đạt được những con số ấn tượng hơn chúng ta.

Chúng ta mới chỉ đặt ra yêu cầu, đòi hỏi đối với ngành Du lịch mà chưa đặt ra câu hỏi ở chiều ngược lại, chúng ta có những cơ chế, chính sách gì, nguồn lực đầu tư như thế nào để thúc đẩy ngành du lịch phát triển (ảnh Nam Nguyễn)

Đề án Phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được Bộ Chính trị thảo luận, cho ý kiến xác định 5 quan điểm định hướng phát triển ngành du lịch đến năm 2030, bao gồm:

Một là, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Hai là, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị , các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.

Ba là, phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên sản phẩm du lịch.

Bốn là, phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu, khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên và văn hóa của đất nước; tôn trọng và tạo sự bình đẳng đối với tất cả các thị trường khách du lịch.

Năm là, phát triển du lịch bền vững; đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ di sản văn hóa và các giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Năm 2017, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 11,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 68 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 460 nghìn tỷ đồng; hướng đến mục tiêu đến năm 2020 đón 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP; tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ đô-la Mỹ.

Để đạt đươc các mục tiêu trên, các nhóm giải pháp sau cần được triển khai thực hiện một cách đồng bộ.

Một là, đổi mới nhận thức và tư duy về phát triển du lịch. Vai trò, hiệu quả do Du lịch mang lại không chỉ thể hiện qua doanh thu trực tiếp mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác đem lại hiệu quả nhiều mặt về xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng. Du lịch chỉ có thể phát triển tốt trong môi trường an ninh, an toàn, thân thiện và sạch đẹp. Do vậy, từ các bộ, ngành đến chính quyền các cấp và từng người dân đều phải có ý thức chung tay, góp sức, trong khả năng, trách nhiệm, quyền hạn của mình có những hành động thiết thực vì sự phát triển du lịch của đất nước.

Hai là, tái cơ cấu ngành  du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch với các loại hình sản phẩm du lịch nổi trội, chất lượng cao. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách. Xây dựng chính sách đột phá cho ngành du lịch phát triển theo cơ chế thị trường. Chuyển đổi cơ chế phí tham quan sang cơ chế giá dịch vụ; điều chỉnh giá điện, chính sách thuế sử dụng đất và tiền thuê đất phù hợp với các cơ sở lưu trú du lịch và đặc điểm từng địa bàn. Ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư du lịch.  Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, áp dụng visa điện tử đối với khách du lịch quốc tế. Thành lập, quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Bốn là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn động lực. Đầu tư các trạm dừng, nghỉ; giải quyết tình trạng tắc nghẽn tại các cảng hàng không; mở rộng mạng lưới đường bay và tăng cường tần suất các chuyến bay; xây dựng hệ thống cảng tàu biển du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khu dịch vụ du lịch phức hợp, quy mô lớn.

Năm là, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch. Đổi mới cách thức, nội dung xúc tiến quảng bá theo hướng tập trung chuyên nghiệp, hiệu quả. Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong xúc tiến quảng bá. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại diện và thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông. Tăng nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động xúc tiến du lịch từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội.

Sáu là, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; xử lý nghiêm hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Bảy là, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Xây dựng và ban hành khung trình độ nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch; hoàn thiện bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế; thành lập Hội đồng nghề du lịch quốc gia và Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch. Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo, đổi mới giáo trình đào tạo, chú trọng việc thực hành nghiệp vụ và ngoại ngữ. Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Tám là, tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch. Tăng cường liên kết vùng. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương trong tổ chức triển khai, kiểm soát hoạt động du lịch tại địa phương./.

Hoàng Nguyên (ghi)

Dạ Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ