(Tổ Quốc) - Đó là ý kiến được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra trong “Hội nghị phát triển sản phẩm du lịch Thừa Thiên – Huế”.
Nhằm thu hút khách du lịch đến với Huế, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này, sáng 26/4 tại TP. Huế, Bộ VHTTDL cùng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức “Hội nghị phát triển sản phẩm du lịch Thừa Thiên – Huế”. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã đến dự và chủ trì.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Chung |
Đến tham dự hội nghị ngoài lãnh đạo của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam còn có sự tham gia của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các Sở, ban ngành trong tỉnh Thừa Thiên – Huế, các đoàn Famtrip cũng như doanh nghiệp đến từ nhiều tỉnh thành trong nước.
Tại hội nghị, ông Lê Hữu Minh – Quyền Giám đốc sở Du lịch Thừa Thiên – Huế cho biết trong những năm qua, du lịch Huế giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, không nóng nhưng bền vững. Vừa qua Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế đã có Nghị quyết 03-NQ/TƯ ngày 08/11/2016 về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, xác định rõ mục tiêu tập trung phát triển mạnh du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì hội nghị. Ảnh: Lê Chung |
Để thực hiện mục tiêu trên, ngành du lịch Thừa Thiên – Huế sẽ tận dụng những thế mạnh, tiềm năng sẵn có để tập trung phát triển du lịch vào chiều sâu, hình thành các sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao. Tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu chính của mình là miền đất của di sản văn hóa, lễ hội và cảnh quan thiên nhiên thông qua việc ưu tiên phát triển theo 3 nhóm sản phẩm chính: Du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái, cộng đồng, làng nghề được liên kết thành chuỗi sản phẩm; Du lịch biển - đầm phá, nghỉ dưỡng cao cấp; Du lịch giải trí, mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE),..
Có nhiều điểm mạnh và cơ hội để phát triển, nhưng hội nghị cũng nhìn nhận được một thực tế là du lịch của Thừa Thiên – Huế hiện vẫn còn tồn tại nhiều yếu điểm. Hiện nay, các sản phẩm du lịch của Huế chưa cao và chưa đa dạng, du lịch văn hóa – di sản là sản phẩm chủ đạo nhưng còn khá đơn điệu, chưa hấp dẫn đối với du khách. Cơ sở hạ tầng còn hạn chế hay việc xúc tiến du lịch còn chưa được đẩy mạnh,.. cũng là rào cản đối với sự phát triển của du lịch địa phương. Cũng tại hội nghị lần này, đã có nhiều ý kiến, đề xuất được các đại biểu đưa ra thảo luận nhằm tìm hướng khắc phục những mặt hạn chế. Phát triển, hoàn thiện sản phẩm du lịch cho Thừa Thiên – Huế trong thời gian tới.
|
Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã đánh giá rất cao những ý kiến mà các đại biểu đưa ra trao đổi. Theo Bộ trưởng, du lịch văn hóa là cốt lõi, nền tảng của Huế và cả nước. Huế là địa phương đặc thù nên cần phải có quy hoạch sản phẩm du lịch đặc thù, cần xác định sản phẩm nào là chiến lược lâu dài cho du lịch địa phương.
“Thừa Thiên - Huế cái gì cũng có, nhưng không có nhiều. Đây là hạn chế khi xây dựng sản phẩm du lịch cho Huế hiện nay. Để xây dựng được sản phẩm thì địa phương phải biết cái gì là đáp ứng được nhu cầu thị trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cần phải định vị được sản phẩm du lịch của Huế trong chiến lược lâu dài. Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung quy hoạch hai bờ sông Hương để biến đây trở thành điểm nhấn của Huế, là sản phẩm du lịch đặc sắc, tinh túy nhất của Huế.
Huế là địa phương vừa có tiềm năng du lịch văn hóa vừa có tiềm năng du lịch biển, đây là lợi thế không phải nơi nào cũng có nên địa phương cũng cần phải làm thế nào đó để kết hợp phát triển được hai sản phẩm chính này.
Sau hội nghị lần này Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho biết, Bộ VHTTDL sẽ yêu cầu Tổng Cục Du lịch ghi nhận, tiếp thu và hoàn thiện cho chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020.
Lê Chung