(Tổ Quốc) - Để miền Trung và Tây Nguyên thực sự phát huy được hiệu quả, phát triển thành vùng du lịch động lực của Việt Nam trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã đưa ra 9 giải pháp mà vùng cần quan tâm.
Ngày 16/2, tại TP Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) phối hợp với Bộ VHTTDL đã tổ chức hội nghị Phát triển Du lịch miền Trung và Tây Nguyên.
Đến tham dự và chủ trì hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự còn có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng hơn 500 đại biểu lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, 19 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, du lịch trong và ngoài nước.
Hội nghị Phát triển Du lịch miền Trung và Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐMT Phan Ngọc Thọ cho biết, miền Trung - Tây Nguyên hiện có 19 tỉnh là khu vực có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đồi núi, hồ thác, di sản văn hóa - lịch sử, cửa khẩu biên giới… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với nhiều ngành chủ lực, đặc biệt là phát triển du lịch.
Trong năm 2018, khu vực này đón khoảng 56 triệu lượt khách; khách quốc tế đón hơn 9,5 triệu lượt (chiếm 28% khách quốc tế cả nước); tổng thu từ du lịch hơn 110 ngàn tỷ đồng (chiếm 18,75% tổng thu du lịch của cả nước). Những con số này là minh chứng khẳng định du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều điểm đến ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận như trên, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực.
"Chúng tôi cũng hy vọng rằng, qua hội nghị này, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sẽ tìm hiểu sâu hơn về tiềm năng, thế mạnh, môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư của các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận để có thể đi đến hợp tác, đầu tư ngay trong ngày hôm nay hoặc tương lai gần", ông Phan Ngọc Thọ cho hay.
Có mặt và phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định Bộ VHTTDL sẽ luôn đồng hành cùng các tỉnh, thành khu vực Miền Trung- Tây Nguyên và phối hợp với các Bộ, ngành nhằm tháo gỡ các chính sách để tạo thuận lợi cho sự phát triển du lịch của khu vực. Qua đó, đóng góp cho sự phát triển ngành du lịch của Việt Nam.
Bộ trường Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại hội nghị.
Dự kiến trong năm 2025, ngành du lịch sẽ đón 30-32 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 45 tỷ USD. Để du lịch khu vực Miền Trung và Tây Nguyên phát huy hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị các địa phương cần quan tâm đến 9 giải pháp.
Thứ nhất, cần phải sớm hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho phát triển du lịch trong khu vực, tiếp tục thực hiện các chính sách đã mang lại hiệu quả trong thời gian qua; đặc biệt khu vực Miền Trung- Tây Nguyên cần xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương và Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045, và các quyết định, chỉ thị liên quan của Chính phủ. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành du lịch.
Hai là, tiếp tục công tác nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đặc biệt là doanh nghiệp và cộng đồng trong việc đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện.
Tiếp đó là đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển du lịch trong phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, điểm đến du lịch; có chính sách hỗ trợ du lịch cộng đồng, đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch tư nhân.
Hơn 500 đại biểu tham dự hội nghị Phát triển Du lịch miền Trung và Tây Nguyên.
Bộ trưởng nhấn mạnh nội dung thứ tư là cần phải tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu; chất lượng, giá trị trải nghiệm cao; khai thác các giá trị tài nguyên có lợi thế cạnh tranh cao, du lịch biển cũng như các giá trị tài nguyên đặc thù như du lịch di sản, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu văn hóa cộng đồng… để hình thành sản phẩm du lịch của vùng.
Năm là chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo, thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực.
Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá: lấy những sản phẩm du lịch mang tính đặc sản làm điểm nhấn, sử dụng các biện pháp truyền thông hiện đại, theo kịp với đời sống xã hội và hội nhập quốc tế.
Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong phát triển du lịch thông qua việc thực hiện tích cực đề án Ứng dụng tổng thể CNTT trong phát triển du lịch.
Tám là tập trung công tác bảo đảm an toàn, an ninh, vệ sinh môi trường, quản lý điểm đến đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, văn minh, sạch sẽ, thân thiện với du khách.
Và cuối cùng, đặc biệt quan trọng là cần đề cao tính liên kết trong phát triển du lịch: về hình thức hợp tác, cần phát huy các liên kết đang phát huy hiệu quả từng vùng như Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Thanh Hóa - Nghệ An- Hà Tĩnh… để làm điển hình và tính nhân rộng, chủ động cho liên kết vùng cho khu vực. Bên cạnh đó, thúc đẩy cơ chế hợp tác quốc tế qua hành lang kinh tế Đông Tây; Tam giam phát triển Campuchia – Lào - Việt Nam.
Về nội dung, cần tập trung liên kết phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, mỗi địa phương vừa là một đối tác vừa là cạnh tranh để phát huy lợi thế, quan trọng là xác định yếu tố đặc thù của từng địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và tạo thành hình ảnh tổng thể của sản phẩm du lịch đặc trưng từng vùng kết hợp đan xen, bổ trợ cho các khu vực tạo thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, một trong những điều không thể thiếu để góp phần phát triển du lịch vùng là cần sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư để dẫn dắt và tạo ra sự bứt phá; chính quyền địa phương mỗi tỉnh thành cũng cần tập trung cải thiện triệt để môi trường du lịch, bảo đảm xanh- sạch- đẹp văn minh thân thiện. Cộng đồng địa phương từng nơi phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm và nét đẹp của dân tộc trong ứng xử văn minh du lịch; trong giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo đến bạn bè quốc tế.