(Tổ Quốc) - Sáng nay (14/3), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo về Đề án tổ chức SEA Games và Para Games 31 diễn ra tại Việt Nam.
- 14.03.2019 Pencaksilat Việt Nam: “Đau đầu” nhân sự cho SEA Games 30
- 14.03.2019 HLV Park Hang-seo: “Huy chương vàng SEA Games là một áp lực nhưng khi đã đặt mục tiêu là phải cố gắng hết mình”
- 13.03.2019 Thứ trưởng Lê Khánh Hải: “Chuẩn bị tốt nhất lực lượng VĐV tham dự SEA Games 30 và vòng loại Olympic 2020”
Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng báo cáo tại cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng cho biết, đến thời điểm hiện tại, Tổng cục đã chuẩn bị xong dự thảo về Tờ trình về Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (Para Games) lần thứ 11 năm 2021.
Thông qua việc tổ chức SEA Games và Para Games sẽ góp phần khẳng định uy tín của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Qua đó quảng bá với bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa và những thành tựu về mọi mặt của đất nước và Thủ đô Hà Nội trong quá trình hội nhập.
Cũng theo Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng, dự kiến thời gian tổ chức SEA Games 31 sẽ vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2021. Địa điểm tổ chức ngoài Thủ đô Hà Nội còn có một số tỉnh, thành thành phố.
SEA Games 31 sẽ có 11 đoàn đến từ 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á. Sự kiện này sẽ có khoảng gần 20 ngàn người tham gia, trong đó khoảng 7.000 VĐV; 2.300 trọng tài; 3.100 trưởng đoàn, cán bộ và HLV. Ngoài ra, tham gia đưa tin cho sự kiện cũng sẽ có khoảng 1.500 phòng viên, biên tập viên trong nước và quốc tế. Theo dự kiến, SEA Games 31 sẽ có từ 36 – 40 môn thi đấu.
Về Para Games 11, dự kiến sẽ có khoảng 1.300 VĐV tham gia tranh tài từ 12 – 15 môn thi đấu. Thời gian tổ chức Para Games 11 sẽ diễn ra sau SEA Games khoảng 2 – 3 tuần.
Cùng với đó, dự thảo Đề án cũng nêu rõ một số công tác chuẩn bị cho SEA Games, Para Games 31 như: Đào tạo lực lượng VĐV; đảm bảo anh ninh trật tự; hậu cần lưu trú cho các đối tượng tham gia Đại hội; thông tin truyền thông; y tế…
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu Tổng cục Thể dục thể thao cần gấp rút hoàn thành Đề án và Tờ trình để sớm trình Chính phủ thông qua. Bộ trưởng cho rằng, phải thấy rằng đây là cơ hội để ngành thể thao tạo một bước đột phá cho những dự định trong tương lai.
Về vấn đề khảo sát các địa phương cùng tham gia tổ chức sự kiện lớn này, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Thể dục thể thao phải trên tinh thần ưu tiên những nơi đã có sẵn hạ tầng. Tuy nhiên, việc tổ chức SEA Games là cơ hội để đầu tư hạ tầng nhằm phục vụ cho sự phát triển ngành thể thao, chính vì vậy, Tổng cục cần đề xuất những công trình, hạ tầng trên tiêu chí đảm bảo an toàn, khang trang và đạt chuẩn quốc tế.
Đối với lực lượng để chuẩn bị cho SEA Games và Para Games, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu ngành thể thao cần tập trung rà soát những bộ môn thế mạnh để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Không đầu tư quá dàn trải và phải xác định mục tiêu là tìm ra những VĐV có tố chất thi đấu cho những đấu trường lớn hơn như Asiad hay Olympic.
Nhắc lại những đóng góp của HLV Park Hang-seo cho bóng đá Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng việc tuyển chọn HLV có năng lực thực sự là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. "Bóng đá Việt Nam luôn trong năm vừa qua rõ ràng có sẵn những nhân tài, thế nhưng, nếu HLV không thể nhìn ra được thì cũng khó có thể đạt được thành tích như vừa qua" – Bộ trưởng nói.
Để có thể tạo "cú hích" cho ngành thể thao Việt Nam, theo Bộ trưởng, vấn đề cốt lõi là phải đặt ra mục tiêu cao hơn, thay đổi nhận thức từ tinh thần tự phát đến tự giác cho các VĐV. "Phải tạo sự cạnh tranh và khơi dậy động lực thì mới có thể thay đổi được tư duy trong thể thao" – Bộ trưởng cho hay.