Làm thế nào để xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập? Đó là trăn trở của đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Phóng viên (PV): Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) khẳng định:“Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, đánh giá của Bộ trưởng về mối quan hệ phát triển các vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã nêu lên quan điểm chỉ đạo: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Đó là một cách nhìn mới về vai trò của văn hóa, phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, mặc dù bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng ở tất cả các lĩnh vực di sản văn hóa, văn hóa nghệ thuật, gia đình, thể thao và du lịch đều có những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, từ quan điểm nhìn nhận “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” phải thấy rằng để văn hóa hoàn thành sứ mệnh trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thì rõ ràng, chúng ta cần có những đầu tư, tạo điều kiện để các lĩnh vực văn hóa được phát huy hiệu quả những tiềm năng và thế mạnh trong đóng góp chung cho nền kinh tế-xã hội đất nước. Phải thẳng thắn thừa nhận, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng thời gian qua, nhiều lĩnh vực văn hóa vẫn chưa được khai thác tối đa sức mạnh. Mức đầu tư cho các hoạt động văn hóa cũng còn nhiều hạn chế…
PV: Một số vụ việc xảy ra gần đây trong ngành Văn hóa gây xôn xao dư luận, phải chăng có nguyên nhân từ công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch chậm được đổi mới và chưa theo kịp tình hình, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Một số vụ việc xảy ra gần đây đặt ra cho ngành Văn hóa những vấn đề cần đổi mới trong công tác quản lý Nhà nước liên quan đến việc tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật cũng như công tác cán bộ của đội ngũ công chức thực thi nhiệm vụ của mình. Tôi cũng xin thẳng thắn thừa nhận một nguyên nhân về sự hạn chế, thiếu bao quát và nhạy cảm khi tiếp cận và xử lý vấn đề của một số cán bộ chủ chốt và đội ngũ tham mưu; cách xử lý còn cứng nhắc, máy móc, thiếu linh hoạt. Ở một khía cạnh khác còn là nguyên nhân một số văn bản quản lý Nhà nước ở lĩnh vực liên quan còn chưa theo kịp diễn biến đời sống.
PV: Có ý kiến cho rằng, so với các lĩnh vực khác, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa tương xứng, còn dàn trải và hiệu quả thấp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa được quan tâm đúng mức. Bộ trưởng nghĩ sao về các vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Như tôi đã nói ở trên, quan điểm chỉ đạo “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” về mặt tư tưởng là một sự đột phá. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có một câu hỏi lớn: “Phải làm gì để biến tư tưởng ấy thành hiện thực?”. Rõ ràng để tư tưởng đó trở thành hiện thực thì mức đầu tư cho văn hóa phải thay đổi. Trên thực tế, về mặt tài chính, mức đầu tư cho văn hóa nhiều năm qua chưa đến 1,8% ngân sách Nhà nước, tuy nhiên khi đưa về nhiều địa phương thì mức đầu tư còn thấp hơn.
Có thể nhìn vào một ví dụ, việc đầu tư vào hệ thống nhà văn hóa cấp thôn là rất cần thiết, thậm chí hơn là đầu tư cho nhà văn hóa xã. Tuy nhiên việc đầu tư này đang trong tình trạng dàn trải. Đầu tư xây nhà nhưng không đầu tư cho nguồn nhân lực để duy trì, hướng dẫn tổ chức hoạt động nhà văn hóa. Cách thức đầu tư nửa vời đó khiến cho thiết chế văn hóa không có sức sống, hoạt động kém hiệu quả.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thời gian qua tuy được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn. Bên cạnh nguyên nhân về chế độ đãi ngộ thấp, các ngành nghệ thuật truyền thống khó khăn khi bươn chải trong cơ chế thị trường, không khuyến khích được đội ngũ kế cận… thì còn có nguyên nhân là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ít được đào tạo đúng chuyên ngành văn hóa; các chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chưa thực chất, chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng, chương trình đào tạo tại các trường văn hóa nghệ thuật cũng còn nhiều bất cập...
Nhận thức rõ những hạn chế này, Bộ VHTTDL hiện đang tập trung vào công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; rà soát và sắp xếp lại nhân sự cho phù hợp với năng lực, chuyên môn; đồng thời tham mưu, xây dựng và ban hành các chế độ, chính sách phù hợp khuyến khích, thu hút nhân tài và phát huy tài năng trong các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật…
PV: Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ Tổ quốc, theo Bộ trưởng, trong thời gian tới Bộ VHTTDL cần chú trọng tập trung giải quyết những vấn đề gì?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Tinh thần cốt lõi của Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) là nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là trách nhiệm mà ngành VHTTDL sẽ cùng nỗ lực, đoàn kết để triển khai thực hiện, bắt đầu từ những công việc cụ thể.
Sự xuống cấp của đạo đức xã hội đã và đang đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với việc giữ gìn, hình thành và phát huy những phẩm chất tốt đẹp, những giá trị chân-thiện-mỹ của con người Việt Nam trong giai đoạn đổi mới và hội nhập. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành VHTTDL sẽ phải tập trung triển khai nhằm tạo nên những chuyển biến tích cực. Thời gian qua, ngành Văn hóa đã xây dựng trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về “Tăng cường bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Nhiều giải pháp liên quan khác cũng đang được đẩy mạnh thực hiện như: Triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL.... Nhiều nghị định quan trọng khác cũng đã và đang được Bộ VHTTDL soạn thảo, trình Chính phủ ban hành, như: Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa; Nghị định về quản lý hoạt động lễ hội; Nghị định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và các hoạt động văn hóa công cộng khác...
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
VƯƠNG HÀ (thực hiện)