(Tổ Quốc) - Về phát triển du lịch Quảng Bình sau dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, Quảng Bình tiếp tục quảng bá hình ảnh du lịch trên các kênh truyền thông với hình thức đa dạng để quảng bá, kết nối hình ảnh để thu hút du khách.
- 07.07.2020 Khám phá trọn vẹn Quảng Bình 3 ngày 2 đêm chỉ với khoảng 2 triệu VNĐ: Cảnh đẹp nao lòng người, không đi quá phí!
- 23.06.2020 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: "Nhiều nước trên thế giới mơ ước được như Việt Nam"
- 14.06.2020 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện mời người dân đi du lịch trong nước
- 14.06.2020 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra hai giải pháp nhằm phục hồi ngành du lịch
- 10.06.2020 Quảng Bình - Điểm đến tương lai hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 10/7, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và ngành Du lịch Quảng Bình về các công tác phục hồi và phát triển du lịch sau dịch Covid-19.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Hồ An Phong cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Quảng Bình trong những tháng đầu năm 2020 có sự sụt giảm lớn về lượng khách và tổng doanh thu; trong đó phải tạm dừng đón khách tham quan du lịch từ ngày 17/3 đến ngày 26/4.
Vào thời điểm tháng 4, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình và tổng thu từ khách du lịch đã giảm rất mạnh, giảm 97,2% so với cùng kỳ năm 2019; giảm 97,4% so với kế hoạch năm 2020.
Trong khó khăn chung, ngành Du lịch Quảng Bình xác định mục tiêu biến nguy thành cơ, chuyển hướng tập trung vào thị trường khách du lịch nội địa; tiếp cận theo chiều sâu vào các thị trường khách; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Đặc biệt, ngành Du lịch Quảng Bình đã triển khai chương trình kích cầu du lịch gồm nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả với mục tiêu đưa Quảng Bình trở thành một trong những điểm đến phục hồi du lịch nhanh nhất trong cả nước. Tỷ lệ phục hồi ước đạt 40%-50% và dự kiến sẽ phục hồi đến 80% vào trung tuần tháng 7.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Hồ An Phong cũng đề xuất, kiến nghị với Bộ VHTTDL hỗ trợ tỉnh Quảng Bình trong việc quảng bá xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế; hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ phát triển du lịch theo chương trình mục tiêu hạ tầng du lịch và các nguồn hỗ trợ khác; phát triển Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành thương hiệu chiến lược trong công tác quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường thế giới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của Du lịch Quảng Bình sau sự cố môi trường biển và dịch bệnh Covid-19. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tin tưởng, với sản phẩm du lịch độc đáo vừa có biển, có sông, có rừng, có hang động, có di tích lịch sử… cùng với hướng phát triển đúng, Quảng Bình tiếp tục là điểm đến hàng đầu Việt Nam. Quảng Bình sẽ trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm; điểm đến nghỉ dưỡng và giải trí thể thao hàng đầu châu Á vào năm 2030.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ghi nhận những nỗ lực của ngành Du lịch Quảng Bình trong việc quảng bá truyền thông; liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Đặc biệt, hình ảnh du lịch Quảng Bình được quảng bá rộng rãi thông qua các hãng thông tấn, điện ảnh lớn ở trên thế giới đã tạo nét riêng, hướng đi mới với kết quả ấn tượng.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lưu ý, ngành Du lịch Quảng Bình phải phát triển đồng bộ giữa quảng bá truyền thông, cơ sở dịch vụ lưu trú, lữ hành… Bởi đến nay, cơ sở lưu trú du lịch ở Quảng Bình còn khiêm tốn, quy mô còn nhỏ; vì vậy, địa phương cần đánh giá đúng thực chất để có chiến lược phát triển.
Đặc biệt, phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, phát huy hơn nữa sự thân thiện giữa người dân với khách du lịch, nhất là người làm dịch vụ ở các cơ sở du lịch để trở thành nét văn hóa thân thiện, cởi mở khi tiếp đón khách du lịch đến với địa phương.
Về phát triển du lịch Quảng Bình sau dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, Quảng Bình tiếp tục quảng bá hình ảnh du lịch trên các kênh truyền thông với hình thức đa dạng để quảng bá, kết nối hình ảnh để thu hút du khách.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, sau dịch Covid-19 là thời kỳ mới của du lịch bởi sự cạnh tranh, vì vậy địa phương nào "nhanh chân", có kế hoạch bài bản thì du lịch ở đó phát triển. Quảng Bình cũng vậy, cần phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết về đón khách quốc tế; khách nội địa... để trở thành điểm đến hàng đầu Việt Nam.
Chào đón chuyến tàu charter đầu tiên tuyến Hà Nội – Đồng Hới (Quảng Bình) năm 2020
Sáng 10/7, tại Ga Đồng Hới, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình và Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cùng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ chào đón chuyến tàu charter đầu tiên tuyến Hà Nội – Đồng Hới (Quảng Bình) năm 2020.
Đây là sản phẩm du lịch độc đáo và lần đầu tiên được triển khai tại tỉnh Quảng Bình, hứa hẹn tạo nên một "cú hích" nhằm phục hồi mạnh mẽ cho du lịch Quảng Bình sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đồng thời, đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" của Bộ VHTTDL thực hiện Chương trình kích cầu du lịch Quảng Bình năm 2020 và Chương trình liên kết, hợp tác năm 2020, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đã phối hợp với Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Tổng công ty đường sắt Việt Nam) và các đơn vị lữ hành xây dựng và chào bán sản phẩm du lịch Hà Nội – Quảng Bình 3 ngày 4 đêm bằng tàu hỏa theo hình thức thuê nguyên chuyến tàu cho khách du lịch (còn gọi là chuyến tàu charter).
Chuyến tàu charter đầu tiên tuyến Hà Nội – Đồng Hới được khởi hành từ ga Hà Nội vào ngày 9/7 và đến Quảng Bình vào sáng 10/7 mang theo hơn 350 khách du lịch đến Quảng Bình. Các du khách đã có nhiều trải nghiệm thú vị và mới lạ trên những toa tàu thế hệ mới trong hành trình về với Quảng Bình - điểm đến an toàn và khác biệt. Du khách được trải nghiệm tàu hỏa du lịch chất lượng cao và các điểm tham quan hấp dẫn, các giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo cũng như đắm mình trong thiên nhiên tươi đẹp của Quảng Bình. Sản phẩm du lịch mới này bước đầu đã tạo ấn tượng tốt đối với du khách.
Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, trong giai đoạn đầu tiên (tháng 7 và đầu tháng 8), chuyến tàu charter này sẽ có gần 15 doanh nghiệp lữ hành uy tín chào bán với 7 chuyến tàu charter khởi hành từ Hà Nội vào các ngày 9/7, 16/7, 23/7, 30/7, 6/8, 13/8 và 30/8 với số lượng khách khoảng 350 – 400 người/chuyến. Đến nay, các chuyến tàu charter này cơ bản đã đủ số lượng khách. Thời gian tới, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội sẽ tăng tần suất chạy tàu, đồng thời, tăng số lượng đơn vị lữ hành tham gia bán sản phẩm để phục vụ nhu cầu của du khách. Dự kiến, sản phẩm này sẽ mang lại cho Quảng Bình gần 20.000 khách du lịch từ nay đến cuối năm 2020.