(Tổ Quốc) - Trong chuyến công tác tại miền Trung vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị về chiến lược phát triển ngành VHTTDL.
Du lịch Quảng Trị thoát qua thời điểm khó
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện hoan nghênh UBND tỉnh, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị về những kết quả đạt được trong 6 tháng qua trên lĩnh vực VHTTDL. Mặc dù bị tác động nặng nề bởi sự cố biển miền Trung nhưng tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp để đưa Du lịch vượt qua thời điểm khó.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị. |
Theo đó,Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển Du lịch. Đồng thời với phát triển Du lịch, tỉnh Quảng Trị cũng đã quan tâm công tác quy hoạch các khu di tích. 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh Quảng Trị đã đón 949.367 lượt du khách, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của ngành Du lịch tỉnh Quảng Trị so với Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế đó là do trung tâm thành phố cách biển khá xa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 2 khách sạn lớn và hiện đại đó là Mường Thanh, Saigon Touris, đây là một trong những điều kiện cần thiết đầu tiên để giữ chân được du khách và phát triển Du lịch.
Bộ trưởng phân tích, với đặc thù của địa phương, hiện tỉnh Quảng Trị đang có một số lượng khách Du lịch tâm linh rất lớn. Bài toán đặt ra ở đây là làm cách nào để giữ được chân khách du lịch ở lại trên địa bàn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Du lịch muốn phát triển cần phải có nhà đầu tư triển khai các Dự án lớn trên địa bàn. Nhà nước chỉ hỗ trợ, thúc đẩy để xây dựng nền tảng cho ngành Du lịch. Về lâu về dài, tỉnh Quảng Trị cần phải có một tư duy mới trong phát triển ngành Du lịch đó là theo hướng xã hội hóa.
Phát triển ngành Du lịch theo hướng xã hội hóa
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị tỉnh cần khai thác triệt để các địểm đến tâm linh như: Cầu Hiền Lương, Địa đạo Vĩnh Mốc, Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, Thánh địa La Vang…
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Trị cần quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bởi nếu các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì Du lịch tỉnh mới phát triển, từ đó sẽ tạo tiền đề cho các nhà đầu tư khác tiếp tục đến với tỉnh.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Bộ trưởng nêu dẫn chứng, Hà Tĩnh hiện nay là một điểm sáng về sự vực dậy của ngành Du lịch sau sự cố môi trường biển. Nhờ làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, sau một thời gian ngắn, Tập đoàn VinGroup đã vào đầu tư Tòa nhà 36 tầng Trung tâm thương mại Vincom, Khu đô thị nhà liền kề và Dự án tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Hà Tĩnh Ocean Villas và Công viên nước Vinpearlland Water Park Hà Tĩnh. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2017, Hà Tĩnh đã đón 790.000 lượt khách tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 65,8% so với kế hoạch năm 2017.
Sau khi xây dựng được những nền tảng nhất định, tỉnh cần tiếp tục xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa. Du lịch biển Quảng Trị hiện nay rất khó cạnh tranh so với các tỉnh lân cận, biển Cửa Tùng, Cửa Việt cách khá xa thành phố.
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị trong quy hoạch tỉnh cần chú trọng mở rộng đô thị về hướng biển để rút ngắn khoảng cách giữa biển và trung tâm thành phố. Từ đó, sẽ thu hút được khách du lịch đến với biển Quảng Trị nhiều hơn.
Về lĩnh vực Văn hóa, Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Quảng Trị chủ động xây dựng ban chỉ đạo nếu muốn được UNESCO công nhận Địa đạo Vĩnh Mốc; Cần có kế hoạch để xây dựng con đường Di sản Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam. Cùng với đó, tỉnh cần xây dựng Bảo tàng để trưng bày các chứng tích lịch sử chiến tranh qua các thời kỳ.
Thế Công