• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Toàn ngành VHTTDL sẽ hành động quyết liệt và hiệu quả

Văn hoá 11/01/2018 13:42

(Tổ Quốc) - Tiếp thu những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: Năm 2018, toàn ngành VHTTDL sẽ hành động quyết liệt và hiệu quả, tập trung có trọng tâm, trọng điểm.

Sáng 11/1, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017, Triển khai nhiệm vụ công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2018.Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã nêu những thành tích cũng như những khó khăn, tồn tại của ngành. Trong đó, năm 2017, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, công tác cải cách hành chính được Bộ thực hiện đạt hiệu quả tốt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại Hội nghị

 

Trong lĩnh vực văn hóa, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng, tôn vinh các giá trị văn hóa, góp phần hình thành sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương và đất nước. Năm 2017, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO đưa ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản được UNESCO ghi danh là 26 di sản.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã công nhận 10 di tích quốc gia đặc biệt, nâng tổng số di tích quốc gia đặc biệt của cả nước lên 95, công nhận 24 bảo vật quốc gia (tổng số 142 bảo vật)…

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Hội nghị

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm chú trọng. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/2/2017 về việc chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo…Việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa được quan tâm, triển khai sâu rộng ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước… Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp túc được đẩy mạnh gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được tổ chức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc được tổ chức, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân, tăng cương củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong lĩnh vực Điện ảnh, năm 2017, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 3/5/2017 phê duyệt đề án Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh; Tổ chức thành công LHP Việt Nam lần thứ XX và trao Giải thưởng Điện ảnh ASEAN lần thứ nhất…Tổ chức các tuần phim, sự kiện điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Cả nước hiện có 277 đội chiếu phim lưu động, phục vụ khoảng 12 triệu lượt khán giả vùng miền núi, hải đảo.

Toàn cảnh Hội nghị

Lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn cũng triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý nhà nước. Công tác thẩm định, cấp phép tổ chức biểu diễn, trình diễn thời trang thực hiện theo đúng quy định. Tổ chức thành công nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch. Tổ chức các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Các nhà hát trực thuộc Bộ tổ chức các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu có chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Các đơn vị nghệ thuật trung ương đẩy mạnh hoạt động tự chủ, tổ chức các chương trình biểu diễn thu kinh phí ước đạt gần 105 tỷ đồng.

Công tác quản lý nhà nước, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm được tăng cường. Thực hiện tốt công tác Bảo vệ bản quyền tác giả và các quyền liên quan.

Công tác quản lý nhà nước về gia đình được triển khai đúng yêu cầu, tiến độ và đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, vị trí của gia đình được nâng lên, phối hợp liên ngành trong công tác gia đình đã có chuyển biến quan trọng.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những thành tích của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được trong năm qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành VHTTDL đã nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, góp thành tích chung cho cả nước. Cùng với thành công của du lịch, năm 2017, văn hóa, thể thao cũng đã đạt được nhiều thành công.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, văn hóa là lĩnh vực rộng, thành tựu văn hóa cũng không phải một sớm, một chiều mà có được. Bởi vậy, ngành VHTTDL nhận thức được điểm yếu và tập trung làm. “Công tác văn hóa là lâu dài, liên tục nhưng cần quyết tâm hơn, làm sao để ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội, phát huy giá trị tốt đẹp”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với công tác quản lý lễ hội, Phó Thủ tướng yêu cầu ngay từ bây giờ, Bộ VHTTDL triển khai các đoàn kiểm tra đến các điểm nóng để đôn đốc, nhắc nhở. Làm sao để không còn tồn tại của năm 2017 diễn ra trong năm 2018, kiên quyết với những hành vi làm sai lệch giá trị, bản chất của lễ hội.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được thực hiện tốt (ảnh Hồng Hà)

Phó Thủ tướng cũng đặt câu hỏi, phải làm gì khi còn ít tác phẩm nghệ thuật có giá trị? Bộ VHTTDL phải làm mẫu cho các địa phương trong công tác đặt hàng đào tạo với các chuyên ngành truyền thống, không có người học. Phó Thủ tướng yêu cầu đây là việc Bộ VHTTDL cần làm ngay trong năm 2018.

Phó Thủ tướng cho rằng, văn hóa là cái gốc của dân tộc. Bởi vậy, làm văn hóa là nhiệm vụ khó. Mặc dù, giữ gìn văn hóa là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, xã hội nhưng Bộ VHTTDL là nòng cốt. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý cần hài hòa giữa bảo tồn văn hóa truyền thống và tiếp thu các yếu tố hiện đại. Điều này đòi hỏi những người làm văn hóa phải kiên trì, tỉ mỉ, vừa có lý trí, vừa có tình cảm.

Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề cần coi trọng xây dựng văn hóa gia đình, bởi văn hóa của xã hội bắt nguồn từ đây. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhắc tới nghệ thuật truyền thống, văn học nghệ thuật…sẽ góp phần quan trọng trong việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đẩy lùi suy thoái đạo đức.

Trao cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong năm 2017

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã cảm ơn những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng sẽ được Lãnh đạo Bộ VHTTDL nghiêm túc tiếp thu và triển khai trong toàn ngành.

Trong năm 2018, Bộ VHTTDL sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của ngành. Trong đó, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu, ban hành, đề nghị ban hành các nghị định, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực quản lý văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, sẽ không để những tồn tại của năm 2017 tái diễn trong năm 2018. Trong đó, ở lĩnh vực lễ hội, Bộ VHTTDL sẽ có hội nghị triển khai công tác chuẩn bị Lễ hội 2018 để công tác quản lý  đi vào chiều sâu, khắc phục tồn tại, hạn chế của năm cũ. Lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn cũng sẽ được Bộ VHTTDL tập trung chỉ đạo, để khắc phục những tồn tại trong cấp phép bài hát, thi hoa hậu, biểu diễn phản cảm...

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng khẳng định, công tác gia đình được Bộ luôn quan tâm, trong đó chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống.

Đặc biệt, Bộ trưởng chia sẻ, việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong những năm qua đã được Bộ VHTTDL thực hiện. “Đây là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, bởi làm từ bây giờ nhưng thành tích, kết quả thì cần chục năm, thậm chí thế hệ sau mới thấy được. Bởi vậy, nhiều địa phương còn chưa nhận thức được sự cấp thiết để thực hiện. Chúng tôi đề nghị các địa phương phải nhận thức được và bắt tay vào triển khai cùng Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết này”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu.

Bộ trưởng cũng khẳng định, trong năm 2018, toàn ngành VHTTDL sẽ hành động quyết liệt và hiệu quả, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không để còn tồn tại, yếu kém của năm cũ./.

Hồng Hà- Minh Khánh



Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ