(Tổ Quốc) - Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là bảo tồn văn hóa truyền thống, hướng đến xây dựng nghệ thuật đỉnh cao để giao lưu với thế giới.
Đó là những trăn trở mà Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là bảo tồn văn hóa truyền thống, hướng đến xây dựng nghệ thuật đỉnh cao (ảnh: Bảo Trung) |
Cần có nghệ thuật đỉnh cao
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hiện nay, chúng ta đang thiếu vắng những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao và một trong những nhiệm vụ của Bộ VHTTDL là phải xây dựng được nghệ thuật đỉnh cao. "Chúng ta phải đi vào những nhiệm vụ đích thực của Bộ là phát triển nghệ thuật đỉnh cao và bảo tồn nghệ thuật truyền thống”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của Báo điện tử Tổ Quốc về việc trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ hướng tới lựa chọn loại hình nghệ thuật nào, hiện đại hay truyền thống để xây dựng tác phẩm đỉnh cao, có gợi ý gì cho các nhà hát? Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Đất nước nào cũng phải có nghệ thuật đỉnh cao, là đại diện cho văn hóa của nước đó, để giao lưu với thế giới và Bộ VHTTDL xác định đó là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Bộ. Trong đó, Bộ sẽ chọn hài hòa cả hai loại hình truyền thống và hiện đại”.
“Trước hết là văn hóa truyền thống của ta cũng phải tinh túy nhất, đỉnh cao nhất. Trước là bảo tồn sau là giới thiệu, quảng bá ra thế giới. Nhưng sống trong thế giới hội nhập, chúng ta bảo tồn cái đang có và phải tiếp thu tinh hoa của nhân loại hiện đại”- Bộ trưởng cho hay.
Với câu hỏi của Báo điện tử Tổ Quốc, hiện nay, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống không có người trẻ theo, nhiều nhà hát như Nhà hát Tuồng cả năm không có tác phẩm mới, để có tác phẩm nghệ thuật truyền thống đỉnh cao thì Bộ có đề án gì? Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng chia sẻ: “Bộ sẽ chỉ đạo xây dựng đề án phát triển nghệ thuật đỉnh cao. Với tư cách Bộ trưởng, tôi sẽ bằng mọi giải pháp khắc phục tình trạng đó, hiện Bộ đang triển khai các giải pháp rất quyết liệt, làm thế nào để nghệ thuật truyền thống tiếp tục được bảo tồn, phát huy, có thị trường. Khi đó sẽ thu hút được lực lượng trẻ vào học, tham gia vào làm nghệ thuật”.
Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: "Bộ đang triển khai các giải pháp rất quyết liệt, làm thế nào để nghệ thuật truyền thống tiếp tục được bảo tồn, phát huy, có thị trường" (ảnh: Bảo Trung) |
Nhà hát Lớn sẽ đỏ đèn đêm đêm
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Nhà hát Lớn sẽ là sân khấu chung để biểu diễn các chương trình nghệ thuật của các Nhà hát.
Bộ trưởng đề nghị các Nhà hát: “Xây dựng các chương trình hay nhất trong khả năng hiện nay và đưa vào biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Nhà hát Lớn phải tổ chức một đơn vị làm nhiệm vụ tiếp thị quảng bá, vừa bán vé, giới thiệu tất cả các đoàn nghệ thuật của Bộ”.
Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ có kế hoạch cụ thể để bảo tồn và phát triển với tất cả loại hình nghệ thuật truyền thống: Tuồng, chèo, cải lương. “Trong thời gian đến, phải hoàn thành các giải pháp cụ thể: Cơ sở vật chất, kinh phí, cách thức đặt hàng, bố trí các chương trình biểu diễn, kết nối du lịch, chỉ đạo Tổng cục Du lịch đưa tuor du lịch vào xem nghệ thuật”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.
Bộ trưởng cho rằng, có chương trình, có nơi biểu diễn rồi thì khán giả rồi mới dần dần đông lên, từ đó phát triển nghệ thuật đỉnh cao.
Được biết, cách đây khoảng hai tuần, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có cuộc làm việc riêng với các Nhà hát thuộc Bộ và đề nghị tập trung vào xây dựng các chương trình nghệ thuật có chất lượng. Trong đó, trước mắt, các nhà hát sẽ tự xây dựng các tác phẩm của mình từ những vở diễn đã từng đoạt Huy chương và đưa đến biểu diễn tại Nhà hát Lớn.
Ủng hộ đề án của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, ông Trương Nhuận chia sẻ: “Nhiều năm qua, cách sử dụng Nhà hát Lớn- điểm biểu diễn sang trọng bậc nhất, đang rất lãng phí. Đây là địa điểm thu hút công chúng, khán giả nước ngoài. Việc đưa các tác phẩm của các nhà hát vào biểu diễn ở đây sẽ tạo cú hích rất lớn trong phát triển diện mạo chung của nghệ thuật hiện nay. Đó là cú hích cho các nhà hát, tạo hứng khởi cho các nghệ sĩ biểu diễn, ao ước được biểu diễn tác phẩm tốt, có chất lượng ở Nhà hát Lớn là ao ước chung của nhiều nghệ sĩ, bởi có nghệ sĩ, cả đời chưa được biểu diễn ở Nhà hát Lớn”.
Ông Nhuận chia sẻ: “Tôi tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đây sẽ là một chuyển biến thực sự, tạo động lực cho sự phát triển sân khấu, nghệ thuật của thủ đô, tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật cho người dân”.
Rõ ràng, để có tác phẩm đỉnh cao, có nghệ thuật đỉnh cao, sẽ cần nhiều thời gian và công sức hơn nữa. Nhưng với sự quyết liệt của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, những viên gạch đầu tiên của nghệ thuật đỉnh cao đã được hình thành./.
Hoàng Nguyên