• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Có hiện tượng khi kiểm tra thì người nước ngoài hành nghề bỏ trốn

Thời sự 17/02/2022 15:27

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện có hơn 500 người nước ngoài hành nghề ở các chuyên khoa: Y học cổ truyền, thẩm mỹ, răng hàm mặt. Nhưng thực tế quản lý chất lượng rất khó nên có hiện tượng khi kiểm tra thì người hành nghề trốn; một số người phiên dịch lợi dụng để hành nghề mà không có khả năng hành nghề.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Có hiện tượng khi kiểm tra thì người nước ngoài hành nghề bỏ trốn - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp.

Sáng 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết về việc bổ sung Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ rà soát lại toàn bộ các chính sách để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh, làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”.

Theo đó, 10 nhóm chính sách sẽ được chỉnh lý và hoàn thiện, trong đó có tăng cường kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề, quản lý hành nghề; Sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài; quy định khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Có hiện tượng khi kiểm tra thì người nước ngoài hành nghề bỏ trốn - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

Thẩm tra vấn đề này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Dự Luật. Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ nội hàm, cơ chế thực hiện và tính khả thi của một số nội dung dự kiến quy định được mở rộng so với luật hiện hành, như về điều trị dự phòng, về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp....

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ lý do của việc phải có giấy phép hành nghề (GPHN) đối với 6 nhóm chức danh (bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền) mà không áp dụng đối với những đối tượng khác cũng trực tiếp thực hiện công tác khám chữa bệnh (như y sĩ, cử nhân trị liệu tâm lý, cử nhân phục hồi chức năng...).

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Có hiện tượng khi kiểm tra thì người nước ngoài hành nghề bỏ trốn - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện có hơn 500 người nước ngoài hành nghề ở các chuyên khoa: Y học cổ truyền, thẩm mỹ, răng hàm mặt. Nhưng thực tế quản lý chất lượng rất khó nên có hiện tượng khi kiểm tra thì người hành nghề trốn; một số người phiên dịch lợi dụng để hành nghề mà không có khả năng hành nghề. Hầu như các quốc gia đều yêu cầu thông thạo ngôn ngữ của họ. Tuy nhiên một số trường hợp không đòi hỏi yêu cầu này như đào tạo, phối hợp thực hiện ca mổ...

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng một số nội dung cần làm rõ. Về đánh giá tác động, cần đánh giá kỹ hơn dự kiến nguồn lực nhà nước và xã hội trong thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

“Nguồn lực tài chính, ngân sách, trang thiết bị khám chữa bệnh trong thời gian qua có nhiều vụ việc nổi cộm, do đó sửa luật làm sao bảo đảm tính minh bạch, công khai, tạo thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh có khuôn khổ rõ để thực hiện nhiệm vụ“, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Có hiện tượng khi kiểm tra thì người nước ngoài hành nghề bỏ trốn - Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp.

Về một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ việc cần phân định nguồn kinh phí cho y tế dự phòng, việc sử dụng các nguồn kinh phí khác phục vụ việc khám chữa bệnh. Đồng thời, dự thảo luật cũng cần làm rõ việc tránh trồng chéo trong quản lý giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh.

Tại phiên họp, với 100% Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ