(Tổ Quốc) - Sáng 18/11, Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bạc Liêu về công tác Văn hóa- Thể thao- Du lịch trên địa bàn. Về phía tỉnh Bạc Liêu có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều.
Du lịch Bạc Liêu đang dần khẳng định được vị trí trong khu vực
Phát biểu gợi mở, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị địa phương báo cáo ngắn gọn, đề cập thẳng vào vấn đề còn khó khăn, vướng mắc và có những kiến nghị cụ thể để các cơ quan chuyên môn của Bộ chia sẻ, giải đáp.
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện hiệu quả.
Ngành du lịch Bạc Liêu cũng đang dần phục hồi với việc đón tiếp nhiều lượt khách đến tham quan, nghĩ dưỡng; sản phẩm du lịch, dịch vụ của tỉnh ngày càng phong phú và đa dạng; các chỉ tiêu cơ bản về du lịch của tỉnh có bước tăng trưởng khá so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; lượng khách du lịch và tổng doanh thu từ du lịch tăng trưởng với tốc độ khá, qua đó cho thấy du lịch Bạc Liêu đang dần khẳng định được vị trí trong khu vực.
Một số sản phẩm du lịch bước đầu được thị trường chấp nhận, các doanh nghiệp lữ hành đã đưa vào các tour, tuyến để khai thác như: Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Quảng trường Hùng Vương và các công trình văn hóa, nghệ thuật xung quanh, đặc biệt là Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu, nhà Công tử Bạc Liêu…
Phong trào thể thao quần chúng có bước phát triển, thu hút ngày càng nhiều người tham gia tập luyện; công tác đào tạo vận động viên trẻ, đầu tư phát triển thể thao thành tích cao được quan tâm; cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao ngày càng được đầu tư, xây mới.
Tại buổi làm việc, cùng với việc thông tin về công tác chuẩn bị Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022, lãnh đạo Sở VHTTTTDL tỉnh Bạc Liêu cũng nêu một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến lĩnh vực VHTTDL. Tiếp đó, lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ VHTTDL đã giải đáp thấu đáo các kiến nghị của tỉnh Bạc Liêu nêu tại buổi làm việc.
Cần xác định rõ mục tiêu, định hướng chính trong quy hoạch, phát triển Du lịch
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế. Khẳng định, VHTTDL là lĩnh vực luôn được tỉnh dành sự quan tâm, đầu tư nhất định, ông Phạm Văn Thiều bày tỏ mong muốn lãnh đạo, các cơ quan chuyên môn của Bộ tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ để tỉnh Bạc Liêu có thể thực hiện được các định hướng phát triển của địa phương nhất là du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, dù tỉnh đã có sự quan tâm nhưng việc khai thác, đầu tư của các doanh nghiệp cho 9 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế, Liên quan đến Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022, ông Phạm Văn Thiều mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý từ Bộ VHTTTDL để tỉnh tổ chức thành công sự kiện lớn này, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển đồng đều lĩnh vực văn hóa, du lịch trên địa bàn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ vui mừng và hoan nghênh tỉnh Bạc Liêu dù còn khó khăn những vẫn dành nguồn lực nhất định để đầu tư cho lĩnh vực VHTTDL trong thời gian qua. Đây chính là tiền đề để cho Bạc Liêu phát triển đồng bộ giữa các lĩnh vực.
Bộ trưởng chia sẻ, trong thời gian qua, Bộ đã chuyển tư duy từ "làm văn hóa" sang quản lý nhà nước về văn hóa. Chính vì sự chuyển hướng đúng đắn này nên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác, Bộ cũng thường xuyên phối hợp, khảo sát, nắm bắt thực tiễn để hiểu rõ hơn về những khó khăn, bất cập của các địa phương.
Đi vào vấn đề cụ thể, Bộ trưởng hoan nghênh ý tưởng cũng như sự quan tâm đầu tư của tỉnh khi tổ chức Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022. Để Ngày hội diễn ra thành công theo đúng mục tiêu mà tỉnh mong muốn, Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần tổng rà soát lại.
"Ngày hội diễn ra 1 tuần và có nhiều không gian với chuỗi sự kiện nổi bật nhưng điểm nhấn là cái gì?" Bộ trưởng đặt vấn đề, đồng thời gợi mở, tỉnh phải xác định đêm khai mạc chính là điểm nhấn của Ngày hội, phải tạo không gian kết nối di sản, chương trình nghệ thuật tổng thể trong đêm để toát lên được ý nghĩa, khát vọng của địa phương thông qua Ngày hội lần này.
Về lĩnh vực di tích, di sản, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị địa phương không chạy theo thành tích mà phải bình tĩnh, không vội vàng. Theo đó, cần phải làm từng bước từ khảo sát, kiểm đếm, đánh giá rồi cuối cùng mới đến khâu xếp hạng, tinh thần chung là di tích nào xứng tầm thì chúng ta mới lựa chọn để đề xuất đến các cấp có thẩm quyền.
Đối với lĩnh vực Du lịch, Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần xác định rõ định hướng, mục tiêu chính trong quy hoạch, phát triển là gì. "Nếu địa phương có nhu cầu, tới đây, Tổng cục Du lịch sẽ cử đội chuyên gia của Viện nghiên cứu phát triển du lịch để khảo sát, khuyến nghị cho tỉnh một định hướng cụ thể. Về vấn đề đào tạo, để giữ chân du khách tỉnh cần đầu tư để hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ thuộc Bộ sẽ hỗ trợ đào tạo khi tỉnh Bạc Liêu có nhu cầu cụ thể" - Bộ trưởng chia sẻ.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đều thống nhất trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn giữa hai bên sẽ tăng cường hơn nữa việc phối hợp, trao đổi để đồng hành cùng tỉnh Bạc Liêu tìm ra những ưu thế trong lĩnh vực VHTTDL để đầu tư, phát triển.