Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Biến tiềm năng về văn hóa, truyền thống lịch sử hào hùng của "Vùng đất lửa" Quảng Trị trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, xứng tầm
(Tổ Quốc) - Chiều 30/5, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Trị về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực VHTTDL và Lễ hội Vì Hoà bình năm 2024. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng đồng chủ trì buổi làm việc.
Xây dựng Quảng Trị từng bước trở thành không gian văn hóa vì Hòa bình
Cùng dự buổi làm việc, về phía Bộ VHTTDL có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Hoàng Đạo Cương, Hồ An Phong. Về phía tỉnh Quảng Trị có Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng.
Phát biểu gợi mở buổi làm việc, Bộ trưởng cho biết, lĩnh vực VHTTDL ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp.
Với tinh thần "Bộ bên tỉnh, tỉnh bên Bộ", kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ VHTTDL đã có các buổi làm việc với các địa phương như: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Phước, Cần Thơ…liên quan đến lĩnh vực VHTTDL.
Qua các buổi làm việc đã đi đến những thống nhất về nhận thức, quan điểm chung trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp liên quan đến lĩnh vực VHTTDL. Có thể thấy rằng, từ nhận thức đến hành động của chúng ta đã đáp ứng được với các định hướng, yêu cầu phát triển bền vững của Đảng, Nhà nước.
Nhấn mạnh buổi làm việc được tổ chức trong bối cảnh Bộ VHTTDL đang được Chính phủ giao báo cáo Chương trình MTQG về phát triển văn hóa đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Trị chia sẻ thẳng thắn những nhu cầu cấp thiết về lĩnh vực văn hóa mà địa phương đã rà soát từ trước đến nay để Bộ có thêm tiếng nói từ thực tiễn.
Đối với công tác tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024, Bộ trưởng cho rằng, đây là Lễ hội hết sức ý nghĩa, tuy nhiên do lần đầu tổ chức nên lãnh đạo các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ cần thẳng thắn cho ý kiến về những phần việc cụ thể có thể hỗ trợ địa phương tổ chức thành công Lễ hội lần này. Qua đó xây dựng Lễ hội trở thành thương hiệu trong lòng du khách, thúc đẩy du lịch của tỉnh Quảng Trị.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 do UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức với chủ đề "Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình".
Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại. Tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra.
Xây dựng Quảng Trị từng bước trở thành không gian văn hóa vì Hòa bình, điểm đến vì hòa bình, biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị tàn phá khốc liệt do chiến tranh; nơi họp mặt, chia sẻ của những thành phố, những dân tộc từng bị chiến tranh hủy diệt như Quảng Trị trên toàn thế giới.
Theo dự kiến, trong khuôn khổ Lễ hội sẽ có các hoạt động: Chương trình nghệ thuật đặc biệt Khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình với chủ đề "Kết nối những nhịp cầu"; Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực "Hương vị miền hoa nắng"; Chương trình giao lưu âm nhạc Quốc tế "Giai điệu hòa bình"; Ngày hội Đạp xe vì Hòa bình…Lễ hội dự kiến được tổ chức từ quý IV năm 2023, đến hết năm 2024, trong đó tập trung thông tin, tuyên truyền cao điểm từ đầu tháng 5/2024 đến cuối tháng 7/2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Bộ VHTTDL trình Chính phủ đưa vào danh mục dự án thuộc Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035: Dự án Bảo tàng chứng tích chiến tranh tỉnh Quảng Trị; Dự án Cung đường Hòa Bình…
Phân vai, phân nhiệm cụ thể
Phát biểu tại buổi làm việc, NSND Trần Ly Ly – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn bày tỏ nhất trí với chủ trương, kế hoạch tổ chức Chương trình nghệ thuật "Ước nguyện hòa bình". Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc thể hiện sự kết nối tâm linh giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người với con người.
Theo NSND Trần Ly Ly, địa phương cần phân vai, phân nhiệm cụ thể, xuyên suốt để chương trình tạo được điểm nhấn, dấu ấn đối với trong nước và quốc tế. Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ góp ý, xây dựng vào kịch bản chi tiết cùng địa phương.
Đối với một số đề xuất của địa phương tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho rằng, việc xây dựng dự án Bảo tàng chứng tích chiến tranh tỉnh Quảng Trị và Cung đường Hòa Bình là hết sức cần thiết, phù hợp với quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải đã được Thủ tướng phê duyệt. Cùng với đó, hai dự án này cũng phù hợp với mục tiêu, đối tượng dự án thành phần của Chương trình MTQG về phát triển văn hóa mà Bộ VHTTDL sắp trình Quốc hội.
Lãnh đạo các Cục, Vụ phát biểu tại buổi làm việc
Đối với dự án Bảo tàng chứng tích chiến tranh tỉnh Quảng Trị, bà Lê Thị Thu Hiền cho rằng tỉnh có thể suy nghĩ thêm về tên gọi bảo tàng này. "Chúng ta có thể lựa chọn là bảo tàng ký ức chiến tranh với các nội dung trưng bày hướng đến sự nhân văn của con người Việt Nam nhằm chống các lại cuộc chiến tranh phi nghĩa. Qua đó mang đến một thông điệp về hình ảnh đất nước con người Việt Nam ưa chuộng hòa bình…" – bà Lê Thị Thu Hiền gợi mở.
Liên quan đến lĩnh vực thể thao, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho biết, Cục đang phối hợp với địa phương để tổ chức hai giải thể thao quốc gia là bóng chuyền và cầu lông. Cả hai giải này đều được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến những người yêu thể thao, qua đó kỳ vọng thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Bên cạnh đó, Cục cũng đang chuẩn bị để sẵn sàng tổ chức Ngày hội đạp xe vì hòa bình trong khuôn khổ Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhất trí với Kế hoạch tổ chức lễ hội. Liên quan đến Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực "Hương vị miền hoa nắng", ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để hỗ trợ về công tác truyền thông về sự kiện này. Đồng thời, huy động các đơn vị tham gia để tạo nên sức hấp dẫn văn hóa ẩm thực các vùng miền.
Biến tiềm năng về văn hóa, truyền thống lịch sử hào hùng trở thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, xứng tầm
Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng cảm ơn lãnh đạo Bộ VHTTDL đã đồng hành, hỗ trợ cùng địa phương để đạt được những kết quả khả quan trong phát triển lĩnh vực VHTTDL nói riêng và kinh tế xã hội nói chung kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Chia sẻ về những khó khăn cả về ngân sách, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt mà tỉnh phải đối mặt khiến lĩnh vực VHTTDL vẫn chưa thể khai phá hết tiềm năng, lợi thế, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ VHTTDL. Đặc biệt là việc hỗ trợ tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024.
"Địa phương mong muốn Bộ hỗ trợ về ý tưởng để Lễ hội được tổ chức được thuận lợi, thành công, tạo tiền đề cho các lễ hội những năm sau. Qua đó, cũng nhằm tạo nên thương hiệu cho các sản phẩm du lịch địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh" – ông Lê Quang Tùng bày tỏ.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các Thứ trưởng và đại biểu tại buổi làm việc, phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Quảng Trị đang phải đối mặt. Bởi, là người trưởng thành từ địa phương, ông thấu hiểu rõ Quảng Trị là "Vùng đất lửa", nơi trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, nơi biết bao người nằm xuống tô thắm thêm truyền thống bất khuất, kiên cường trên quê hương anh hùng.
Diện tích của Quảng Trị tuy nhỏ và hẹp nhưng đây là nơi có bề dày về văn hóa, truyền thống cách mạng. Là nơi có quá nhiều khó khăn nhất là thời tiết vô cùng khắc nghiệt, thế nhưng mỗi địa danh, vùng đất nơi đây đều mang dấu ấn của một thời hào hùng, thời đạn bom…
Thứ trưởng Hồ An Phong (trái) và Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương (phải) phát biểu tại buổi làm việc
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, sau cái "bi" đến cái "hùng", trong những năm gần đây, với tinh thần biến cái không thể thành có thể, biến thách thức thành tiềm năng, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đoàn kết, quyết tâm với khát vọng xây dựng quê hương vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Đến nay, các trụ cột của Quảng Trị lựa chọn đều trở thành những mũi nhọn phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
"Nhận thức tiềm năng du lịch và dịch vụ, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị cũng đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó xác định du lịch phải phát triển từ tiềm năng văn hóa, lịch sử của địa phương" – ghi nhận điều này, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh để làm sao biến những tiềm năng về văn hóa, truyền thống lịch sử hào hùng nơi đây trở thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, xứng tầm, đó cũng là mong muốn của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi về thăm "địa chỉ đỏ" Quảng Trị.
Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 phải được tổ chức ấn tượng, trở thành thương hiệu
Về các đề xuất của tỉnh tại buổi làm việc, Bộ trưởng cho rằng, Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 là tâm nguyện của nhiều thế hệ lãnh đạo, toàn thể nhân dân tỉnh Quảng Trị và đã được chuẩn bị, nghiên cứu, lên ý tưởng bài bản từ rất lâu. Do đó, Ban tổ chức Lễ hội phải hết sức chi tiết, kiểm soát từng kịch bản, từng hoạt động trên tinh thần an ninh, an toàn tuyệt đối nhất là các sự kiện quy mô đông người.
Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu cần dành nhiều thời gian chuẩn bị để Lễ khai mạc được tổ chức ấn tượng, quy mô và đảm bảo tính nghệ thuật cao. Qua đó thể hiện rõ thông điệp rõ ràng của Lễ hội. Về việc này, Bộ VHTTDL sẵn sàng hỗ trợ địa phương.
Băn khoăn về quy mô các sự kiện trong khi thời gian không còn nhiều, Bộ trưởng cho rằng Ban Tổ chức Lễ hội cần phân công, phân vai cụ thể vì đây là lần đầu tiên tổ chức. Các sự kiện tổ chức phải để lại dấu ấn theo tinh thần "tinh gọn, hiệu quả".
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ VHTTDL sẽ chủ trì đêm bế mạc với chủ đề "Ước nguyện hòa bình". Với tinh thần yếu tố nghệ thuật phải đặt lên hàng đầu và thông điệp đưa ra nhằm lan tỏa sau Lễ hội, Bộ trưởng yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn tham mưu, lên kịch bản cụ thể để sớm báo cáo lãnh đạo Bộ.
Đối với một số đề xuất liên quan đến dự án thành phần của Chương trình MTQG về phát triển văn hóa, Bộ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL hoàn toàn ủng hộ tỉnh Quảng Trị. Về dự án Bảo tàng chứng tích chiến tranh tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng cho rằng, tỉnh phải xác định đây là thiết chế văn hóa đầy đủ chứ không đơn giản là nơi trưng bày hiện vật.
Đối với dự án Cung đường hòa bình, Bộ VHTTDL ủng hộ về mặt nguyên tắc, song Bộ trưởng đề nghị tỉnh làm việc thêm với Bộ Giao thông vận tải để xin ý kiến về những vấn đề liên quan cũng như tranh thủ thêm các nguồn lực. Bộ trưởng bày tỏ hy vọng, với cách tiếp cận "đúng" và "trúng" về lĩnh vực VHTTDL của lãnh đạo tỉnh, Quảng Trị sẽ ngày càng thu hút nhiều hơn nữa lượng khách du lịch đến với địa phương. Trong thời gian không xa, Quảng Trị sẽ trở thành điểm đến đặc sắc, là sự lựa chọn ưu tiên của du khách trong và ngoài nước./.