• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bộ VHTTDL luôn ủng hộ, đồng hành để "đánh thức" những tiềm năng của núi Hồng, sông La, con người Hà Tĩnh

Thực hiện: Thế Công | 30/06/2023

(Tổ Quốc) - Sáng 30/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã làm việc với tỉnh Hà Tĩnh về công tác văn hoá, thể thao và du lịch nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2025.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bộ VHTTDL luôn ủng hộ, đồng hành để "đánh thức" những tiềm năng của núi Hồng, sông La, con người Hà Tĩnh - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc

Làm việc với đoàn công tác của Bộ, về phía tỉnh có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng; Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải.

Tham gia đoàn công tác của Bộ có: Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cùng lãnh đạo các cục, vụ và đơn vị liên quan.

Hà Tĩnh luôn quan tâm, đầu tư phát triển lĩnh vực VHTTDL

Báo cáo về kết quả phát triển VHTTDL trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong nửa nhiệm kỳ qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, thực hiện phương châm "Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến", ngành VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua đã đạt được nhiều dấu ấn, kết quả tích cực, khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của VHTTDL trong sự phát triển của địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bộ VHTTDL luôn ủng hộ, đồng hành để "đánh thức" những tiềm năng của núi Hồng, sông La, con người Hà Tĩnh - Ảnh 2.

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh Bùi Xuân Thập phát biểu tại buổi làm việc

Theo đó, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách có tính khả thi cao, hiệu quả, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Những chủ trương, chính sách quan trọng đã được tỉnh ban hành, tạo nguồn lực, động lực cho sự phát triển VHTTDL của địa phương có thể kể đến: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33- NQ/TW về Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết của HĐND tỉnh về tăng cường đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; Nghị quyết của HĐNĐ tỉnh về Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nay địa phương đang xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về "Phát triển văn hóa Hà Tĩnh đến năm 2030, định hướng những năm tiếp theo", Đề án "Duy trì và phát triển CLB Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh", Quy hoạch "Quảng cáo ngoài trời tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035", Dự án "Kiểm kê, xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển các di tích, di sản văn hóa tỉnh Hà Tĩnh", Đề án "Sắp xếp, kiện toàn, đổi mới mô hình tổ chức các BQL di tích, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh"; Dự án "Hoạt động Chuyển đổi số trong lĩnh vực Du lịch"…

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 323 điểm cầu với 13.223 đại biểu tham dự. Ngành VHTTDL đang từng bước chuyển từ mục tiêu "làm văn hoá" sang "quản lý nhà nước về văn hoá"…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bộ VHTTDL luôn ủng hộ, đồng hành để "đánh thức" những tiềm năng của núi Hồng, sông La, con người Hà Tĩnh - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải phát biểu tại buổi làm việc.

Nhiều kết quả cụ thể đã và đang từng bước khẳng định vai trò, vị trí của ngành VHTTDL trong sự phát triển chung của địa phương. Hoạt động văn hóa văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật được triển khai thường xuyên, có chất lượng; công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng; toàn tỉnh có 638 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; có 3 bảo vật quốc gia là Bia Sùng Chỉ, Súng Thần Công và Chuông Chùa Rối; 69 lễ hội với 3 lễ hội được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 5 di sản được UNESCO ghi danh. Đáng chú ý, Hà Tĩnh đã lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới.

Trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, toàn tỉnh có 3 NNND, 25 NNƯT; 176 CLB Dân ca Ví, Giặm, 2 CLB Ca trù, 3 CLB Trò Kiều được hỗ trợ kinh phí thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên. Các hoạt động thể thao quần chúng được tổ chức thường xuyên. Hà Tĩnh luôn chú trọng đổi mới cách làm, nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo vận động viên, xác định các môn thể thao mũi nhọn có thế mạnh để ưu tiên đầu tư.

Toàn tỉnh có 15 khu, điểm du lịch được công nhận là khu, điểm du lịch cấp tỉnh, 304 cơ sở lưu trú với hơn 7.000 phòng. Hạ tầng du lịch đang từng bước được đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tỉnh Hà Tĩnh đã và đang định hướng khai các tour, tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế, liên kết phát triển du lịch 9 tỉnh, 3 nước sử dụng Đường 8 và Đường 12.

Sau đại dịch Covid-19, du lịch Hà Tĩnh đang từng bước phục hồi. Năm 2022 , Hà Tĩnh đón 1,6 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng (vượt 200% chỉ tiêu đặt ra trong cả năm 2022). 6 tháng đầu năm 2023, các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh đã đón 1.958.922 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, đạt 78% kế hoạch năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bộ VHTTDL luôn ủng hộ, đồng hành để "đánh thức" những tiềm năng của núi Hồng, sông La, con người Hà Tĩnh - Ảnh 4.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nêu một số kiến nghị, đề xuất.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu những kiến nghị, vấn đề cần xin ý kiến của Bộ VHTTDL liên quan đến các lĩnh vực quản lý văn hoá, thể thao và du lịch trên địa bàn. Khẳng định sự quan tâm và luôn tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành, Hà Tĩnh mong muốn Bộ VHTTDL sẽ đồng hành, ủng hộ, quan tâm và giúp đỡ địa phương nhằm phát huy, khai thác các nguồn lực, tiềm năng và đưa văn hoá, thể thao, du lịch trở thành những trụ cột cho sự phát triển bền vững.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng khẳng định, Hà Tĩnh luôn quan tâm tới lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch, xem đây là nguồn lực quan trọng để khơi dậy ý chí, nghị lực, văn hóa con người Hà Tĩnh.

Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, với sự quan tâm lớn dành cho văn hoá, Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên triển khai Hội nghị văn hóa toàn tỉnh, tạo sức lan tỏa lớn, nâng cao nhận thức về vai trò của các nhân tố trụ cột là văn hóa và con người trong quá trình phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh mong muốn Bộ VHTTDL xem xét, quan tâm hỗ trợ nguồn lực phục vụ bảo tồn, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá. Hỗ trợ tỉnh tu bổ Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú, Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng; huy động nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị Di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi, xứng đáng là di tích cấp quốc gia.

Ông Hoàng Trung Dũng cũng đề nghị lãnh đạo Bộ quan tâm, hỗ trợ thúc đẩy xây dựng tour du lịch kết nối giữa Hà Tĩnh với đất nước Lào và Thái Lan, xem đây là nét đặc sắc riêng của Hà Tĩnh; hướng dẫn tỉnh đổi mới cách làm, thay đổi phương thức triển khai làng du lịch cộng đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng mong muốn các Bộ, ngành sớm có thông tin, hướng dẫn để Trường Cao đẳng Nguyễn Du hoạt động phù hợp, hiệu quả hơn; hỗ trợ tỉnh trong phát triển thể thao… Tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Tĩnh phát triển hơn nữa về VHTTDL.

Sẽ đưa Hà Tĩnh vào danh sách các địa phương tổ chức giải thể thao quốc gia

Sau gợi mở của Bộ trưởng, phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với 3 hướng trọng điểm như: du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bộ VHTTDL luôn ủng hộ, đồng hành để "đánh thức" những tiềm năng của núi Hồng, sông La, con người Hà Tĩnh - Ảnh 5.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nêu ý kiến tại buổi làm việc

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành Du lịch cả nước nhưng du lịch của Hà Tĩnh đã có bước phục hồi đáng khích lệ. Có được kết quả đó là nhờ tỉnh tích cực tham gia các hoạt động quảng bá du lịch như VITM, Hội chợ Du lịch TP.HCM…

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Hà Tĩnh nên đẩy mạnh đầu tư để khu du lịch nước khoáng nóng Sơn Kim, di tích Hải Thượng Lãn Ông trở thành điểm nhấn về khu du lịch sinh thái. Bộ sẵn sàng hỗ trợ tỉnh xây dựng đề án chi tiết để phát triển khu du lịch này.

Liên quan đến lĩnh vực Thể dục thể thao, ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao đánh giá, Hà Tĩnh là địa phương có nhiều môn thể thao phát triển mạnh như: Bóng đá, Bóng chuyền, Đua thuyền…Trong đó, nhiều VĐV của Hà Tĩnh đã đóng góp vào thành tích của thể thao quốc gia tại các đấu trường khu vực, quốc tế.

Theo ông Đặng Hà Việt, với những tiềm năng sẵn có, thời gian tới Hà Tĩnh nên xây dựng kế hoạch tổ chức các giải Maraton vì thông qua hoạt động này không chỉ đẩy mạnh được phong trào thể thao quần chúng mà còn phát hiện ra các VĐV thể thao thành tích cao.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bộ VHTTDL luôn ủng hộ, đồng hành để "đánh thức" những tiềm năng của núi Hồng, sông La, con người Hà Tĩnh - Ảnh 6.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt: "Tổng cục sẽ đưa Hà Tĩnh vào danh sách và phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh để hỗ trợ tổ chức các giải thể thao mang tầm quốc gia"

Qua đó cũng xây dựng hoạt động này trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Tổng cục sẽ đưa Hà Tĩnh vào danh sách và phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh để hỗ trợ tổ chức các giải thể thao mang tầm quốc gia.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vi Thanh Hoài đánh giá cao những nỗ lực của Hà Tĩnh trong xây dựng, phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trong thời gian qua và cho biết, Cục luôn chủ động và sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ, cùng với địa phương tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, phát huy hệ thống thiết chế văn hoá…

Đối với việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với một số di tích trên địa bàn tỉnh, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Nông Quốc Thành cho biết, Cục đang tập hợp danh sách đề xuất từ các địa phương, sau đó xin ý kiến thường trực Hội đồng di sản văn hóa quốc gia. Việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt sẽ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên và căn cứ theo những quy định của Luật Di sản Văn hoá.

"Cục Di sản Văn hóa luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa phi vật thể vốn là tiềm năng, thế mạnh của Hà Tĩnh" - ông Nông Quốc Thành cho hay.

Rà soát lại các chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu về văn hóa để tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, về với Hà Tĩnh là về với một vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu bản sắc văn hoá. Trong suốt quá trình lịch sử phát triển, Hà Tĩnh luôn chú trọng phát triển về văn hoá, con người. Đây là thế mạnh, tiềm năng, tạo nên trụ cột phát triển cho một vùng đất vốn dĩ còn nhiều khó khăn trên dải đất miền Trung.

Bộ trưởng ghi nhận, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đang nỗ lực kiến tạo, phát triển quê hương. Đặc biệt, cuộc làm việc lần này có thêm nhiều ý nghĩa khi diễn ra vào thời điểm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa long trọng tổ chức kỷ niệm 66 năm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bộ VHTTDL luôn ủng hộ, đồng hành để "đánh thức" những tiềm năng của núi Hồng, sông La, con người Hà Tĩnh - Ảnh 7.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kết luận buổi làm việc

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chúc mừng những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã gặt hái được sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2021-2025. Phân tích, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng gợi mở một số vấn đề nhằm góp phần đánh thức tiềm năng lớn của Đất và Người Hà Tĩnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, dù thực hiện các nhiệm vụ phát triển chính trị, kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh trong điều kiện đầy rẫy những khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã phát huy được tính kiên cường, anh dũng và giàu truyền thống văn hóa để đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Bộ trưởng cho rằng, Hà Tĩnh cũng như các tỉnh khu vực miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị đều là mảnh đất địa chính trị, có vị trí an ninh quốc phòng trọng yếu, giàu văn hóa. Chính vì vậy, bước vào nhiệm kỳ, tỉnh đã có nghiên cứu sâu để coi văn hóa là một trong bốn động lực, nguồn lực phát triển.

Trong đó, có những điểm sáng như: Ban hành các Nghị quyết chuyên đề về phát triển Văn hóa; xây dựng bài bản quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa; tiếp cận tiêu chí làng văn hóa trong nông thôn mới; Phát huy các giá trị di tích di sản…

Lĩnh vực Du lịch dù còn nhiều khó khăn nhưng đã xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu gồm 3 sản phẩm. Thể thao cũng được quan tâm và có nhiều đóng góp cho thể thao nước nhà tại các đấu trường như các kỳ SEA Games 31, 32…

Chia sẻ với những khó khăn của địa phương, Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn địa phương nỗ lực cố gắng hơn nữa, đoàn kết một lòng để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ.

"Đây là thời điểm mà Hà Tĩnh cần rà soát lại các chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu về văn hóa để tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, cần tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" bởi đây là Nghị quyết vùng có tính liên kết. Đặc biệt, đối với lĩnh vực VHTTDL sự liên kết là điều tất yếu, nếu tách ra sẽ rất khó để phát triển" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chọn việc, chọn điểm để làm

Đối với Văn hóa, Bộ trưởng cho rằng đây là lĩnh vực vừa rộng vừa trừu tượng, vì vậy địa phương cần chọn việc chọn điểm để làm. Từ những mô hình điểm để tạo sức lan tỏa. Đồng thời, tăng cường hơn nữa trong xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở.

Theo Bộ trưởng, mọi công việc đều bắt đầu từ con người, vì vậy tỉnh cần chú ý đến đào tạo về nguồn nhân lực văn hóa, cán bộ văn hóa phải được đào tạo về nghiệp vụ quản lý, nhất là hạn chế bố trí cán bộ từ ngành khác sang làm quản lý về văn hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bộ VHTTDL luôn ủng hộ, đồng hành để "đánh thức" những tiềm năng của núi Hồng, sông La, con người Hà Tĩnh - Ảnh 8.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Bộ VHTTDL luôn ủng hộ, tạo điều kiện và đồng hành cùng Hà Tĩnh phát huy những tiềm năng, thế mạnh, đánh thức những tiềm năng của núi Hồng, sông La, của con người Hà Tĩnh"

Tỉnh cũng cần tăng cường công tác kiểm tra về vấn đề quy ước, hương ước, trong cơ quan, trường học, làng xã. Xây dựng đề án của HĐND về thí điểm trong quản lý sử dụng thiết chế cấp huyện, xã. "Khi văn hóa được thấm sâu vào mỗi địa bàn sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, Hà Tĩnh có thể học tập kinh nghiệm từ một số địa phương để tạo nên những dấu ấn trong phát triển văn hoá, theo đó, có thể rà soát để ban hành Đề án về làng văn hóa kiểu mẫu, tạo nền tảng và sức hút phát triển du lịch. Chú trọng phát triển đồng đều văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc trên địa bàn cũng như văn hóa tôn giáo.

Đối với lĩnh vực thể thao, Bộ trưởng cho rằng Hà Tĩnh có nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên để phát triển hơn nữa cần chọn môn dựa trên thế mạnh của Hà Tĩnh. Tỉnh có thế mạnh về bờ biển, có thể phát triển các môn thể thao về biển như bóng chuyền bãi biển, xe đạp biển…, nếu đi theo hướng này sẽ kéo theo sự phát triển của du lịch.

Về lĩnh vực Du lịch, theo Bộ trưởng, Hà Tĩnh cần tự tin biến tiềm năng thành thế mạnh của mình. Muốn phát triển, Hà Tĩnh trước mắt phải xây dựng thương hiệu du lịch, slogan là gì.

"Như Hạ Long, slogan "Nụ cười Hạ Long" đã tạo sức hút không biết bao nhiêu du khách. Câu hát "Đi đâu cũng nhớ về Hà Tĩnh" có thể là slogan đầy sức hút. Chúng ta xây dựng và quảng bá, Tổng cục Du lịch đưa vào hệ thống kết nối quảng bá cho du lịch Hà Tĩnh. Từ đó làm thêm các sản phẩm mới", Bộ trưởng gợi mở.

Ngoài 3 sản phẩm Hà Tĩnh đã có, Bộ trưởng gợi ý thêm về xây dựng sản phẩm du lịch ngay trong năm nay. Nếu không có sản phẩm du lịch đặc sắc, Hà Tĩnh không thể cạnh tranh được với du lịch Nghệ An, Quảng Bình.

"Tỉnh cần quán triệt quan điểm sản phẩm du lịch phải bắt đầu từ dấu ấn văn hóa. Ví như làm bảo tàng, phải nghĩ rằng đây không phải chứa các hiện vật mà là điểm đến của du khách, muốn vậy phải có dịch vụ đi kèm, không gian phụ trợ để chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật…" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về những kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng giao các đơn vị chức năng thuộc Bộ tổng hợp đề xuất của Hà Tĩnh, đặc biệt về nâng cấp, tôn tạo, tu bổ di tích theo hướng có ưu tiên, đặc biệt các di tích của hai cố Tổng Bí thư, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ VHTTDL đang được Chính phủ giao tham mưu, xây dựng, hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh cần đồng hành cùng Bộ, lựa chọn 1, 2 nội dung quan trọng để đưa vào chương trình.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ VHTTDL luôn ủng hộ, tạo điều kiện và đồng hành cùng Hà Tĩnh phát huy những tiềm năng, thế mạnh, đánh thức những tiềm năng của núi Hồng, sông La, của con người Hà Tĩnh./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ