(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21/8/2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn.
Di sản nằm ở đâu, địa bàn nào thì Chủ tịch UBND tỉnh đó phải xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đề nghị Bộ trưởng thông tin về việc tôn tạo, chỉnh trang quản lý di tích lịch sử văn hóa quốc gia Cột cờ Hà Nội - biểu tượng thiêng liêng của nền độc lập dân tộc, tự do của dân tộc bảo đảm tôn nghiêm, trang trọng và mỹ quan, không để tình trạng hàng quán lấn chiếm không gian di tích, làm mất vẻ mỹ quan và sự tôn nghiêm của di tích.
Trả lời câu hỏi đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, Cột cờ Hà Nội là một trong những hạng mục được nằm trong khuôn viên và xác định của Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội và Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội đã được xếp hạng và được UNESCO vinh danh là một trong những hạng mục của nội dung này.
Theo Luật Di sản văn hóa, các di tích, di sản sau khi được cấp có thẩm quyền vinh danh thì cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, cụ thể chính quyền địa phương là cơ quan trực tiếp quản lý.
Di sản nằm ở đâu, địa bàn nào thì Chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ di tích, di sản sau khi được vinh danh. Như vậy, thẩm quyền chính là thuộc về thẩm quyền của UBND TP Hà Nội.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Cột cờ Hà Nội mặc dù theo quản lý Nhà nước là của UBND TP Hà Nội nhưng đang còn có sự giao thoa là hiện nay Bộ Quốc phòng đang quản lý bởi vì nằm trong khuôn viên của Bảo tàng quân sự.
"Chúng tôi được biết là Hà Nội đang có phương án tiếp tục đầu tư nâng cấp, tôn tạo Cột cờ Hà Nội. Bộ VHTTDL đã có công văn trả lời về ý kiến thẩm định của Bộ, đó là đề nghị Hà Nội sớm tổ chức giải tỏa làm cho mặt bằng được thông thoáng, nhất là giải tỏa vườn cây, giải tỏa các lều quán như đại biểu phát biểu, chúng ta đi ngang qua đó chúng ta đều biết. Hy vọng với nguồn lực Hà Nội được đầu tư, với cách làm đúng đắn thì chắc chắn là Hà Nội với Bộ Quốc phòng sẽ có thống nhất sớm. Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc và đề nghị thành phố Hà Nội, các đơn vị có liên quan để phát huy được giá trị di tích như đại biểu quan tâm" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Những vấn đề về nguồn lực sẽ được tháo gỡ để phát huy được giá trị của các di tích, di sản
Cùng đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa sau khi được UNESCO vinh danh, hiện nay có rất nhiều tổ chức và cá nhân muốn đầu tư vào lĩnh vực, tuy nhiên cơ chế và chính sách của Nhà nước chúng ta hiện nay chưa cụ thể và rõ ràng.
Vì vậy, để thu hút nguồn lực xã hội hóa cùng với ngân sách nhà nước tham gia vào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ về giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, để phát huy giá trị di tích, di sản thông qua việc bảo tồn, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều Nghị quyết, Chính phủ đã đề ra đạt 2% tổng mức chi.
Trong giai đoạn đầu tư công 5 năm qua, Chính phủ đã phân bổ 1.480 tỷ đồng cho 17 dự án ở 17 địa phương làm chủ đầu tư để triển khai phục hồi, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, so với các di tích, di sản của nước ta thì rất lớn, nguồn lực phân bổ như vậy chưa đủ và không đảm bảo.
Do đó, với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ VHTTDL đã đề xuất kiến tạo 3 nội dung: Nguồn đầu tư công để tiếp tục hỗ trợ cho các di tích lịch sử cách mạng, di tích yêu cầu Nhà nước phải đầu tư; Huy động nguồn lực xã hội thông qua tháo gỡ cơ chế, chính sách; trong đó có những bất cập cần thiết phải báo cáo Quốc hội để sửa như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, những điểm nghẽn này nếu được khơi thông thì sẽ huy động được nhiều nguồn lực. Đồng thời, Bộ trưởng cũng hy vọng, Kỳ hợp thứ 8 tới dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó có hợp phần về di tích, di sản, ưu tiên chống xuống cấp và phát huy tốt giá trị này.
Cùng với đó, sửa đổi Luật Di sản văn hóa, trong đó cần quan tâm vấn đề xã hội hóa trong Luật này để các di tích, di sản phát huy được nguồn lực xã hội chứ không bó hẹp trong nguồn lực đầu tư công. Đồng thời kết hợp với Quỹ bảo tồn, phát huy giá trị di sản để nhiều địa phương có thể triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thông tin thêm, thời gian tới sẽ tiếp thục thực hiện thí điểm các chính sách mà Quốc hội đã đồng ý như Luật Thủ đô tập trung về hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa; Nghị quyết 98 của Quốc hội và một số địa phương khác có tính chất đặc thù…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng hy vọng, với các chính sách thí điểm có tính chất đặc thù kết hợp với các giải pháp đồng bộ của Quốc hội thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), những vấn đề về nguồn lực sẽ được tháo gỡ để phát huy được giá trị của các di tích, di sản./.