• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chỉ khi có được chương trình mục tiêu quốc gia thì mới tạo được điều kiện cho văn hóa phát triển toàn diện

Thời sự 23/12/2022 23:31

(Tổ Quốc) - Sáng 23/12, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chỉ khi có được chương trình mục tiêu quốc gia thì mới tạo được điều kiện cho văn hóa phát triển toàn diện - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng

Chuyển biến rõ rệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021

Trong bài tham luận tại Hội nghị, chia sẻ niềm vui với thành tích ngành Tuyên giáo đạt được trong năm qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, mặc dù có những khó khăn thách thức nhưng đã tạo ra được những kết quả nổi bật trên 6 lĩnh vực công tác.

Trong 6 lĩnh vực này, Bộ VHTTDL gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, nhất là đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã luôn đồng hành cùng Bộ VHTTDL trong triển khai các nhiệm vụ để phát triển nền văn hóa Việt Nam theo tinh thần triển khai của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021…

Cùng với đó, để góp phần giúp ngành Văn hóa thực hiện tốt chủ đề năm công tác 2022 đó là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ", Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã chủ trì, tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn nhân lực, trong đó tổ chức các hội thảo để đề xuất các cấp thẩm quyền ban hành nhiều chính sách cho ngành.

Nhấn mạnh về những kết quả đạt được sau một năm triển khai việc thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bộ trưởng cho biết, các nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa đã được Bộ VHTTDL cũng như các Bộ, ban, ngành và các địa phương trên cả nước cụ thể hóa trong hoạt động của công tác.

"Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế - xã hội" - Bộ trưởng khẳng định.

Về vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng cho biết, từ tháng 11/2021 đến nay, Bộ VHTTDL đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 2 dự án luật (Luật Điện ảnh, Luật Phòng chống bạo lực gia đình); phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (phần về Bản quyền tác giả); 2 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành 14 Thông tư...

Thực hiện chủ đề công tác năm 2022 "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ", toàn ngành đã triển khai công tác xây dựng môi trường văn hóa đi đúng hướng, chọn cơ sở là địa bàn trọng tâm để tác nghiệp, bảo tồn, phát huy và nhân lên các giá trị văn hóa. Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2021-2026.

"Đây là căn cứ đề Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nội dung trong Phong trào có trọng tâm, trọng điểm" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, năm 2022, nguồn lực đầu tư cho văn hóa của các địa phương bước đầu đã có những sự thay đổi tích cực, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Dự toán ngân sách năm 2022 của nhiều tỉnh thành phố phân bổ ngân sách cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương. Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được các địa phương tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đưa vào hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh việc bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã chú trọng triển khai công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, tuyên truyền, thể thao, du lịch và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành mạnh mẽ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn…

"Tại các địa phương, công tác cán bộ ngành văn hóa cùng ngày càng được quan chú trọng. Đội ngũ cán bộ từng bước được kiện toàn về số lượng và chất lượng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ được lãnh đạo các Sở quan tâm đầu tư, phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu ở Trung ương" - Bộ trưởng vui mừng chia sẻ.

Tạo điều kiện cho văn hóa phát triển một cách toàn diện

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, những kết quả báo cáo với hội nghị hôm nay cũng chỉ là kết quả bước đầu. So với yêu cầu và kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vẫn còn những bất cập, khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chỉ khi có được chương trình mục tiêu quốc gia thì mới tạo được điều kiện cho văn hóa phát triển toàn diện - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội nghị

Theo đó, nhận thức của một số cấp ủy đảng, các cấp, các ngành và một bộ phận xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng thực sự chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa đồng đều. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thể chế hóa các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng chưa quan tâm đúng mức; việc triển khai thực hiện Kết luận ở nhiều địa phương còn chậm, thiếu chủ động. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong công tác đầu tư, tu bổ, bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích.

Cơ chế, chính sách ưu đãi để kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa còn thiếu so với các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế; công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất ở các địa phương cho phát triển văn hóa, thể thao còn hạn chế.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành VHTTDL còn mỏng, một số lĩnh vực thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, quản lý giỏi; đội ngũ trí thức, chuyên gia đầu ngành còn thiếu, tình trạng hẫng hụt ngày một rõ giữa các thế hệ…

"Vì vậy, trong thời thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường các lớp đào tạo, huấn luyện kỹ năng, để cán bộ làm văn hóa hiểu sâu sắc về văn hóa, đồng thời có kỹ năng thực hiện các hoạt động về văn hóa… nhằm thực hiện mục tiêu chấn hưng văn hóa Việt Nam", Bộ trưởng cho biết.

Về một số kiến nghị, đề xuất, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn từ thành công của Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới", Ban Tuyên giáo Trung ương cần sớm trình các cấp thẩm quyền ban hành các kết luận để làm rõ các nội hàm, các thành tố cho dễ nhớ, dễ thực hành để chúng ta vận dụng triển khai cho từng đối tượng.

Bộ trưởng cũng hy vọng tất cả đại biểu có mặt tại đây ủng hộ việc quan tâm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng văn hóa trên tinh thần đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài, có tính bền vững. "Chỉ khi có được chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, thì mới dễ tạo điều kiện cho văn hóa phát triển một cách toàn diện" - ông nhấn mạnh.

Kiến nghị cuối cùng mà Bộ trưởng bày tỏ đó là đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo các cấp với Sở VHTTDL các địa phương, đồng thời cần quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ cán bộ.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ