Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chuẩn bị từ sớm, từ xa để lượng hóa cụ thể Chương trình MTQG về văn hóa
(Tổ Quốc) - Ngày 12/12, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi) và xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô).
Tại các buổi tiếp xúc cử tri, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã báo cáo với cử tri 2 xã về kết quả của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp thứ 6.
Theo đó, tại Kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7 luật: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi) và 2 Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Để mỗi bản, làng là một vùng quê đáng sống
Trong buổi sáng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có cuộc tiếp xúc với cử tri xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi).
Bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những kết quả mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Đăk Nông đã đạt được, Bộ trưởng đánh giá, là một xã đặc thù có diện tích không lớn, dân số chưa đầy 4.000 người, với 14 cộng đồng dân tộc, đa số là đồng bào Giẻ Triêng, nhờ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự quyết tâm, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, đến nay xã đã hoàn thành các tiêu chí và về đích nông thôn mới. Các thiết chế văn hóa, hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, đời sống người dân ngày càng được nâng lên.
“Xã đã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chúng ta không được ngủ quên trên chiến thắng. Năm nay phải đặt ra những tiêu chí cao hơn nữa để chúng ta không dừng lại ở nông thôn mới mà phấn đấu phải là “nông thôn mới kiểu mẫu”, để mỗi bản, làng là một vùng quê đáng sống”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bày tỏ vui mừng khi cấp ủy, chính quyền địa phương vì cộng đồng các dân tộc nơi đây đã đổi mới cách làm kinh tế, thay vì canh tác theo hướng truyền thống đã bắt đầu nghiên cứu để phát huy lợi thế của vùng đất. Trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống là trồng lúa nước, trồng mỳ (sắn), nay đã chuyển sang trồng cây cao su, một loại cây có giá trị kinh tế cao, được ví như “vàng trắng”... Nhờ vậy cộng đồng các dân tộc ở xã đã cải thiện mức sống, cải thiện thu nhập, có của ăn của để, hộ nghèo cũng giảm.
Bộ trưởng vui mừng thông báo với đồng bào cử tri là Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ Nhất năm 2023 được tổ chức tại Kon Tum đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Lễ hội văn hóa gắn liền với du lịch, văn hóa gắn liền với thể thao hướng tới tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết. Từ ngàn đời nay, sứ mệnh thiêng liêng của văn hóa chính là sợi dây kết nối sự đoàn kết để tạo ra nguồn sức mạnh. Ngôn ngữ của văn hóa sẽ giúp cho con người xích lại gần nhau.
Dẫn câu chuyện về những bản, làng có cùng hoàn cảnh tự nhiên tương tự với địa phương như ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ…nhưng nơi đó đã biết cách biến khai thác, phát huy để làm du lịch, Bộ trưởng cho rằng, xã Đăk Nông nên chọn một thôn, làng đồng bào DTTS tiêu biểu có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ, cùng với việc bảo tồn, lưu giữ tốt những giá trị văn hóa truyền thống, và sự hướng dẫn, giúp đỡ của các Sở, ban, ngành cùng tạo ra những sản phẩm phục vụ du lịch độc đáo.
Bộ trưởng cho biết, sẽ chỉ đạo Trường Cao đẳng Du lịch Huế trực tiếp hướng dẫn địa phương và bà con làm du lịch cộng đồng. Bộ VHTTDL sẵn sàng vào cuộc để hỗ trợ bà con cách làm, rồi sau đó bà con mới tự vận hành để không phá vỡ quy hoạch chung.
“Đối với phụ nữ Giẻ Triêng ở xã Đăk Nông hiện nay đang còn giữ gìn khung dệt thổ cẩm. Nếu biết cách làm sẽ bắt đầu từ việc thành lập tổ hợp tác để cùng nhau làm ra những sản phẩm bằng thổ cẩm như túi xách, áo quần rồi thời trang… để hấp dẫn du khách. Từ những cách làm đó cùng với văn hóa cồng chiêng, lễ hội, ẩm thực… chúng ta sẽ từng bước chuyển từ những mô hình phát triển kinh tế đơn thuần sang mô hình phát triển du lịch cộng đồng" - Bộ trưởng gợi mở, đồng thời khẳng định: "Không gì bền vững hơn khi chúng ta phát triển du lịch dựa trên văn hóa bản địa. Đối với đồng bào DTTS phải làm cho được mô hình, khi có mô hình rồi thì bà con sẽ học và làm theo”.
Di sản văn hóa cồng chiêng phải được bảo tồn, gìn giữ
Tiếp đó, tại buổi tiếp xúc cử tri xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô), cử tri xã này đề nghị các Sở, ngành và chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ trao tặng các bộ cồng chiêng cho các thôn, làng đồng bào DTTS để bà con có điều kiện bảo tồn, phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Quan tâm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng để nhân dân thuận tiện đi lại, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Lãnh đạo Sở VHTTDL Kon Tum cho biết, thời gian qua Sở đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho đồng bào DTTS của huyện Đăk Tô 13 bộ cồng chiêng, tuy nhiên so với nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng vẫn chưa đáp ứng đủ. Vì thế sẽ tiếp tục hỗ trợ các bộ cồng chiêng cho bà con theo đúng quy định của Nhà nước. Sở GTVT và huyện Đăk Tô cho biết sẽ trình UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn kinh phí đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông trên địa bàn xã như kiến nghị của cử tri.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng biểu dương những kết quả mà cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã đạt được trong thời gian qua, nhất là từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất từ độc canh cây lúa sang trồng những loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Từ đó đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Từ đó, tích cực xây dựng, hình thành các làng kiểu mẫu trở thành điểm đến du lịch và sau đó làm du lịch cộng đồng, đời sống nhân dân sẽ được cải thiện, nâng cao.
Đối với kiến nghị của cử tri về hỗ trợ các bộ cồng chiêng cho các làng đồng bào DTTS, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Sở VHTTDL rà soát, đánh giá lại các chương trình bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn; xây dựng chương trình phổ cập đến từng thôn, làng, và đặc biệt ưu tiên những vùng có đông đảo đồng bào DTTS sinh sống, có nghệ nhân để kịp thời bảo tồn và truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Không thể để mỗi xã chỉ có một bộ cồng chiêng dùng chung như hiện nay.
Bộ trưởng khẳng định, di sản văn hóa cồng chiêng phải được bảo tồn, gìn giữ và trao truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác trong không gian truyền thống. Có làm được như vậy thì di sản mới không bị mai một, mất mát. Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu không khẩn trương triển khai, thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, thì một khi những thế hệ nghệ nhân già không còn nữa sẽ biết ai truyền dạy cho thế hệ mai sau.
Thông tin đến cử tri xã Ngọc Tụ, Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ VHTTDL đang tích cực khẩn trương tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035.
Trong đó có rất nhiều nội dung, nhưng có một nội dung rất thiết thực mà đồng bào, cử tri cũng đang rất cần, đó là hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ cấp thôn, làng, xã, đến cấp huyện, tỉnh. Việc bảo tồn di sản cồng chiêng và nhiều di sản khác cần phải được xem xét để hỗ trợ cho những tỉnh còn khó khăn.
Bộ trưởng đề nghị địa phương nên sớm lựa chọn, cân nhắc các dự án để khi Chương trình được thông qua thì phải triển khai ngay. Rút kinh nghiệm từ những Chương trình mục tiêu trước, có tiền nhưng không thể giải ngân, không thể triển khai được. Từ đó dẫn đến hệ quả là, đồng bào đang cần, kinh phí đã chuẩn bị sẵn nhưng vẫn ở đấy. Do vậy, ngay từ sớm, từ xa phải suy nghĩ để lượng hóa một cách cụ thể thì Chương trình chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả./.