• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Coi trọng giáo dục đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho vận động viên"

Thời sự 03/06/2024 07:25

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Coi trọng giáo dục đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho vận động viên"  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Nhiều đổi mới

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong giai đoạn vừa qua, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên trẻ, vận động viên đội tuyển quốc gia có nhiều đổi mới. Ngành Thể dục, thể thao đã tập trung phát triển các môn thể thao có thế mạnh và các môn thể thao có trong chương trình Olympic, ASIAD.

Bộ VHTTDL đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035" (Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2019) (Đề án 233). Quá trình thực hiện, toàn Ngành luôn bám sát 04 quan điểm phát triển được nêu tại Đề án 233 và tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm.

Thứ nhất là Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao.

Theo đó, Bộ đã tập trung xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn vận động tài năng và chuyện gia, huấn luyện viên đối với 15 môn thể thao; xây dựng chương trình tuyển chọn, cử các vận động viên, huấn luyện viên tập huấn tại các nước có nền thể thao phát triển; tập trung đầu tư, phát triển các môn thể thao có thế mạnh và các môn thể thao có trong chương trình Olympic, ASIAD như Điền kinh, Bóng đá, Cử tạ, Taekwondo, Bắn súng, Xe đạp, Đua thuyền, Karatedo, Pencak Silat, Wushu... để tham dự các kỳ Olympic, ASIAD và SEA Games.

Chủ động phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để rà soát, xây dựng chương trình, quy hoạch đào tạo vận động viên nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, địa phương, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên thể thao.

Cùng với đó là đề xuất và phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và ban hành Thông tư số 54/2022/TT-BTC ngày 17/08/2022 quy định về quản lý, sử dụng kinh phí cho thường xuyên từ ngân sách nhà nước để thực hiện các đề án đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao để có căn cứ triển khai thực hiện.

Thứ hai là nâng cao năng lực các cơ sở tham gia tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện tài năng thể thao thành tích cao ở trong nước. Theo Bộ trưởng, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, các Trường Đại học Thể dục, thể thao, trong thời gian qua Bộ VHTTDL đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp.

Cụ thể, Bộ đã từng bước đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ thiết yếu tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, cơ sở đào tạo bảo đảm chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao.

Chỉ đạo công tác xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình và nguồn học liệu, phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực đào tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại, bảo đảm các yêu cầu về thực hành, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống và ứng xử văn hóa trong chương trình đào tạo.

Bộ cũng mời các chuyên gia, giảng viên là người nước ngoài, tài năng thể thao từ nước ngoài tham gia vào công tác tuyển chọn, huấn luyện và thi đấu cho thể thao Việt Nam. Tổ chức các cuộc thi đấu thể thao quốc tế, tạo cơ hội cho các nhà quản lý, huấn luyện viên, vận động viên được gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, cọ xát nâng cao trình độ.

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 tại Đà Nẵng (Asian Beach Games 2016), Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 năm 2021 (SEA Games 31) tại Hà Nội và 11 địa phương khu vực phía Bắc, Giải Taekwondo châu Á năm 2024. Đặc biệt, SEA Games 31 là kỳ Đại hội thể thao được tổ chức rất thành công trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế.

Phát triển đồng bộ hệ thống tuyển chọn, đào tạo VĐV trong cả nước

Về hệ thống tuyển chọn, đào tạo vận động viên trong cả nước, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho hay, cơ sở đào tạo do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý gồm có:

Các trường lớp, năng khiếu thể thao thuộc các quận, huyện có nhiệm vụ thu hút, tổ chức tập luyện các môn thể thao cho trẻ em có năng khiếu; phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tuyển chọn và cung cấp nguồn vận động viên cho các Trung tâm đào tạo vận động viên trẻ của tỉnh, thành phố.

Các trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ tổ chức huấn luyện chuyên môn, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đạo đức, tổ chức học văn hóa cho vận động viên theo hình thức tập trung để tuyển chọn, cung cấp các tài năng thể thao trẻ cho các đội tuyển tỉnh, thành và các đội tuyển trẻ quốc gia.

Cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý gồm 28 cơ sở, có nhiệm vụ phát hiện, tuyển chọn và đào tạo vận động viên một số môn thể thao, cung cấp các tài năng thể thao trẻ cho các đội tuyển trẻ quốc gia.

Cơ sở đào tạo, huấn luyện do Bộ VHTTDL quản lý gồm 8 cơ sở (04 Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng; Khu Liên hợp thể thao quốc gia và 3 Trường Đại học Thể dục thể thao tại Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) có nhiệm vụ tổ chức huấn luyện chuyên môn, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đạo đức, tổ chức học văn hóa cho vận động viên các đội tuyển trẻ theo hình thức tập trung để tuyển chọn, cung cấp các tài năng trẻ cho các đội tuyển thể thao quốc gia; huấn luyện vận động viên đội tuyển quốc gia. Các cơ sở này mỗi năm phục vụ đào tạo, quản lý gần 2.000 vận động viên đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia để tham dự các sự kiện thể thao quốc tế.

Ngoài các cơ sở đào tạo công lập, trong những năm qua đã hình thành nhiều cơ sở đào tạo vận động viên của các tổ chức kinh tế và tư nhân, hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp, chủ yếu trong các môn thể thao như Bóng đá, Futsal, Bóng chuyền, Quần vợt, Golf... Tiêu biểu là các cơ sở đào tạo của Hoàng Anh Gia Lai, VPF. "Các cơ sở này đã góp phần quan trọng trong công tác đào tạo vận động viên cho các môn thể thao chuyên nghiệp, nhờ vào cơ chế quản lý tự chủ linh hoạt và có sự hỗ trợ, bảo trợ của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn" - Bộ trưởng đánh giá.

Bộ trưởng cũng cho biết, về số lượng vận động viên trong cả nước tính đến thời điểm hiện tại, vận động viên quốc gia hiện có khoảng 2.500 người (trong đó VĐV trẻ: 1.100; VĐV đội tuyển: 1.400). Vận động viên của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: khoảng 22.000 người (trong đó: VĐV năng khiếu: 8.500; VĐV trẻ: 6.200; VĐV cấp tỉnh/thành/ngành: 7.300, trong đó ngành Công an 650 VĐV; Quân đội 700 VĐV).

Chú trọng công tác giáo dục văn hóa, đạo đức nghề nghiệp vận động viên và cán bộ thể dục, thể thao

Đối với công tác đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học trong đào tạo và phát triển tài năng thể thao thành tích cao; phát huy vai trò của các Liên đoàn, Hiệp hội, các tổ chức xã hội về thể dục, thể thao trong việc tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, Bộ trưởng cho hay, Bộ đã tổ chức nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và triển khai thực hiện các đề tài, đề án, dự án, chương trình chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ: Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao, thi đấu thể thao; giám định khoa học huấn luyện thể thao.

Tính đến tháng 5/2024, Thể thao Việt Nam đã thiết lập quan hệ với các cơ quan quản lý thể thao, tổ chức thể thao của hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ủy ban Olympic Việt Nam là thành viên chính thức của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á. 40 Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia là thành viên của các Liên đoàn Thể thao khu vực, châu lục và thế giới.

Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) trên các lĩnh vực: đào tạo vận động viên, huấn luyện viên, đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, y học, trao đổi chuyên gia, huấn luyện viên với các quốc gia có nền thể thao phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hungary, Singapore, Nga…

Các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia bước đầu đã phát huy vai trò trong công tác xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức tuyển chọn, đào tạo vận động viên, cử lực lượng tham dự thi đấu tại các giải thể thao quốc tế. Một số Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia có điều kiện về tài chính đã quan tâm bố trí kinh phí để cử vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài đi tập huấn, thi đấu và làm nhiệm vụ tại nước ngoài trong các môn: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Golf, Dance Sport, Cờ...

Về những kết quả cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, kinh phí đầu tư cho việc nâng cấp, mở rộng các cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, tập huấn vận động viên thể thao và tổ chức thi đấu tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ quan tâm.

Bộ VHTTDL đã, đang triển khai các Dự án Cải tạo, nâng cấp 04 Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia; cải tạo nâng cấp Bệnh viện Thể thao Việt Nam; hoàn thiện hệ thống thiết bị chuyên ngành Trung tâm doping và Y học Thể thao, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong các năm 2025, 2026.

Công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên trẻ đã được đổi mới. Công tác giáo dục văn hóa, đạo đức nghề nghiệp vận động viên và cán bộ thể dục, thể thao được chú trọng.

Công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ nâng cao trình độ cho các cán bộ quản lý, huấn luyện viên, trọng tài thể thao được quan tâm. Thông qua đó đã hình thành một lực lượng cán bộ quản lý, huấn luyện viên thể thao có kiến thức chuyên môn tốt, trực tiếp tham gia công tác huấn luyện tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh, thành, ngành và các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.

"Nhìn chung, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên thể thao trong thời gian qua đã từng bước đáp ứng yêu cầu đặt ra, góp phần nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, thể hiện qua số lượng, cơ cấu huy chương đã đạt được tại các kỳ đại hội thể thao; Việt Nam đã giành được các huy chương vàng tại Olympic và Paralympic, luôn nằm trong tốp 3 nước dẫn đầu các kỳ SEA Games, 2 lần liên tiếp dẫn đầu bảng tổng sắp tại SEA Games 31, 32. Các môn thể thao Olympic như Điền kinh, Thể dục, Bơi lội, Bóng đá, Bắn súng, Cử tạ, Đua thuyền, Đấu kiếm được đầu tư và đã giành được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ ở cả đấu trường khu vực lẫn châu lục" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay.

Tập trung phân nhóm, đầu tư trọng điểm cho các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD, Olympic

Cũng theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên trong thời gian qua còn gặp một số tồn tại, hạn chế như: Đầu tư cho công tác đào tạo tài năng thể thao, tuy có tăng hàng năm, song còn thấp so với nhu cầu; chưa đảm bảo nguồn lực đầu tư đúng mức theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, dẫn đến sự hẫng hụt lực lượng vận động viên kế cận trong các đội tuyển Quốc gia;

Hệ thống các giải thi đấu thể thao trẻ trên phạm vi cả nước còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Tổ chức và hoạt động của một số Liên đoàn, Hiệp hội thể thao Quốc gia chưa thích nghi được với xu thế quốc tế, thiếu tính chủ động vì chưa có khả năng tự chủ về tài chính, do đó sự đóng góp vào công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao chưa tương xứng với kỳ vọng.

Bên cạnh đó là chưa thu hút và phát huy được tiềm năng to lớn của các nguồn lực xã hội tham gia công tác phát hiện năng khiếu, tuyển chọn đào tạo và bồi dưỡng tài năng thể thao trẻ.

Về nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó xác định tập trung đầu tư cho các môn, nội dung trọng điểm tham dự các kỳ ASIAD (ASIAD 20 năm 2026 tại Nhật, ASIAD 21 năm 2030 tại Qatar, ASIAD 22 năm 2034 tại Ả Rập Xê Út) và Olympic (Olympic năm 2024 tại Pháp, Olympic năm 2028 tại Mỹ, Olympic năm 2032 tại Úc) và các kỳ SEA Games.

Nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm trong giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 để trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định mục tiêu, lộ trình, đối tượng, phương thức và giải pháp đầu tư cho từng nhóm môn và nội dung thể thao trọng điểm, ứng với từng kỳ Olympic và ASIAD. Đồng thời xác định địa bàn đào tạo để có hướng phân cấp, cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan trong công tác đào tạo lực lượng vận động viên trọng điểm.

Bộ cũng tập trung phân nhóm, đầu tư trọng điểm cho các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD, Olympic.

Theo đó, đối với nhóm các môn đầu tư, chuẩn bị cho Olympic, ASIAD: Ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại trong đào tạo, huấn luyện; bố trí huấn luyện viên, chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn cao; tăng cường trang, thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế phục vụ công tác huấn luyện; tập huấn nước ngoài; áp dụng chế độ đặc biệt về dinh dưỡng, thuốc bổ, thực phẩm chức năng, chăm sóc y tế, đãi ngộ (lương, thưởng, phụ cấp).

Đối với nhóm các môn đầu tư, chuẩn bị cho SEA Games, Đại hội thể thao trẻ, Đại hội thể thao bãi biển và các Đại hội thể thao quốc tế khác: Tăng cường phân cấp đào tạo vận động viên cho các địa phương, ngành và mở rộng cơ chế xã hội hóa cho các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo vận động viên. Nhà nước có hình thức hỗ trợ đào tạo vận động viên thông qua đặt hàng, trợ giá, trợ cấp và thực hiện các chính sách khuyến khích, đãi ngộ căn cứ tính chất từng môn và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn.

Củng cố và phát triển các trường, lớp năng khiếu thể thao ở các tỉnh, thành phố với quy mô phù hợp. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thi đấu thể thao đặc biệt là hệ thống các giải thể thao trẻ. Thu hút nguồn lực xã hội hóa và đẩy nhanh quá trình phát triển thể thao chuyên nghiệp nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội trong công tác đào tạo vận động viên. Khuyến khích phát triển câu lạc bộ thể thao hoạt động theo phương thức tự quản, có sự hỗ trợ của Nhà nước.

"Cùng với đó là coi trọng giáo dục đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho vận động viên. Tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng các vận động viên xuất sắc và phát huy vai trò nêu gương của họ đối với lớp vận động viên kế cận và với thanh, thiếu niên nói chung" - Bộ trưởng cho hay./.

Từ 15h ngày 5/6 đến sáng 6/6, Quốc hội phiên chất nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời về công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng sẽ trả lời việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; phát triển sản phẩm du lịch đêm và chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham gia trả lời.

Thế Công - Xuân Trường

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ