• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Khơi thông, huy động nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

Văn hoá 12/05/2024 15:24

(Tổ Quốc) - Bằng các công cụ chính sách pháp luật sẽ khơi thông, huy động nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao là kinh nghiệm của nhiều nước phát triển đã tiến hành, cũng là yêu cầu tiên quyết tạo động lực phát triển văn hóa, thể thao. Đó là khẳng định của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trong báo cáo trung tâm tại Hội thảo Văn hóa 2024 diễn ra sáng 12.5 tại Quảng Ninh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng:  - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo

Nhận thức, quan điểm về thiết chế văn hóa, thể thao

Theo Bộ trưởng, tiếp cận từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL nhận thức sâu sắc rằng, dưới sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với việc chuyển đổi tư duy từ "làm văn hoá" sang "quản lý nhà nước về văn hoá", từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác xây dựng pháp luật của ngành đã có nhiều chuyển biến: Đã trình Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); phối hợp tham mưu, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, từ sau Hội thảo văn hóa năm 2022, thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao: Bộ VHTTDL đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa (sẽ báo cáo UBTVQH ngày 14.5 tới đây); hoàn thiện hồ sơ Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) (báo cáo Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cho ý kiến); hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi)…

Theo Bộ trưởng, một số nội dung Bộ VHTTDL kiến nghị tại Hội thảo văn hóa năm 2022 cũng như tại nhiều diễn đàn thời gian qua được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sát sao, dù chưa điều chỉnh, bổ sung tại các Luật chuyên ngành, những đã được chấp thuận chủ trương thực hiện thí điểm, như việc lĩnh vực văn hoá, thể thao được áp dụng hình thức đầu tư PPP tại dự thảo Luật Thủ đô, các Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh cùng một số chính sách mới cho các địa phương khác trong thời gian tới. Báo cáo của Chính phủ về rà soát cơ chế, chính sách đặc thù cho các Vùng cũng đã đề cập nội dung này. Đây thực sự là tín hiệu vui cho toàn ngành VHTTDL, mở ra cơ hội mới để thu hút đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hóa đồng bộ, hiệu quả, phát triển du lịch.

Liên quan đến thiết chế văn hoá, thể thao, gần đây nhất, ngày 18.1.2024, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hoá, thể thao giai đoạn 2013-2023". Bộ VHTTDL đã báo cáo, lắng nghe các ý kiến chất vấn và trực tiếp giải trình tại phiên họp.

"Trên cơ sở đó, Bộ VHTTDL tin tưởng rằng, Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề "Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hoá, thể thao" vừa là sự tiếp nối, vừa là "lát cắt" chuyên sâu, luận giải những vấn đề từ lý luận đến thực tiễn về chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng nêu một số vấn đề cần làm rõ gồm:

Thứ nhất, nhận thức, quan điểm về thiết chế văn hóa, thể thao;

Thứ hai, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao từ góc độ chính sách và nguồn lực;

Thứ ba, đề xuất một số giải pháp về chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.

Theo Bộ trưởng, về nhận thức, quan điểm, Nghị quyết số 33-NQ/TW xác định rõ nhiệm vụ "Xây dựng, hoàn thiện đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng".

Để đảm bảo nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, Nghị quyết số 33-NQ/TW cũng nêu rõ giải pháp "Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn".

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo "Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hoá, nghệ thuật. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hoá".

Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá, thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 Chính phủ sẽ phê duyệt thời gian tới đây đều thể hiện sự quan tâm và tiếp tục khẳng định vai trò của thể chế, chính sách với nguồn lực cho phát triển văn hóa, trong đó có thiết chế văn hóa, thể thao.

Về Phát triển thiết chế văn hóa, thể thao từ góc độ chính sách và nguồn lực: Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về thiết chế văn hóa, thể thao không ngừng được hoàn thiện, từng bước thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cụ thể:

Hệ thống pháp luật về văn hóa, thể thao hiện có 274 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó lĩnh vực văn hóa 180 văn bản, lĩnh vực thể thao 94 văn bản), 10 năm qua, có 55 văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp, gián tiếp liên quan đến xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao được ban hành theo thẩm quyền, cho thấy cơ bản đã định hình được hệ thống pháp luật về thiết chế văn hóa, thể thao.

Tên gọi "thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở" được ghi tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở giai đoạn 2013- 2020, định hướng đến năm 2030. Gồm các đối tượng: (1) Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã và Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn (do ngành văn hoá, thể thao và du lịch quản lý); (2) Nhà Văn hóa Lao động cấp huyện, Cung Văn hóa Lao động, Nhà Văn hóa Lao động cấp tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao ở Khu chế xuất, Khu công nghiệp và trong các doanh nghiệp lớn (do Công đoàn các cấp quản lý); (3) Nhà Thiếu nhi cấp huyện, Cung Thiếu nhi, Nhà Thiếu nhi hoặc Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi cấp tỉnh (do Đoàn Thanh niên cộng sản HCM quản lý); (4) Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thuộc các Bộ, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang; các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng:  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng báo cáo trung tâm tại Hội thảo

Từng bước nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao

Trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ trung ương tới cơ sở từng bước được đầu tư củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nội dung thiết thực, góp phần phát triển phong trào văn hoá, thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đồng thời nâng cao thể lực, tầm vóc, đời sống tinh thần của nhân dân. Tính đến hết tháng 3.2024, cả nước có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 689/705 quận huyện có Trung tâm Văn hoá, Thể thao hoặc Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ 97%; tỷ lệ này ở cấp xã là 77%, cấp thôn là 76%. Hệ thống công đoàn có 50 thiết chế văn hoá, thể thao. Các thiết chế do Đoàn TNCS HCM quản lý có 56 Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp tỉnh, 106 Nhà Thiếu nhi cấp huyện...

Công tác xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao chịu sự điều chỉnh của 2 nhóm, hệ thống pháp luật: (1) pháp luật chuyên ngành và (2) pháp luật liên quan trực tiếp:

Về pháp luật chuyên ngành: Cơ bản là các Thông tư, Nghị định, ít các Luật (mới có Luật Thể dục thể thao, Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Thư viện). Các văn bản này, chủ yếu quy định chính sách có tính nguyên tắc ưu đãi, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất, hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao.

Về pháp luật liên quan tác động trực tiếp: Chủ yếu là các Luật (gần 20 Luật), có cả Nghị định và Thông tư. Các văn bản này, chủ yếu quy định chính sách về đối tượng, đầu tư, xây dựng, quản lý. Tuy nhiên, nội hàm của các văn bản này, cơ bản không có yếu tố đặc thù của thiết chế văn hóa, thể thao.

Theo Bộ trưởng, để gỡ vướng, tháo điểm nghẽn, nút thắt, tạo nguồn lực phát triển bằng chính sách, khai thác, phát huy có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cần bắt đầu từ thể chế, chính sách, không chỉ bằng pháp luật chuyên ngành mà cả từ các văn bản pháp luật liên quan.

Thời gian qua, đồng thời với tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành trong đó có quy định về thiết chế văn hóa, thể thao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tập trung rà soát, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số pháp luật liên quan tác động trực tiếp đến xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao: Luật PPP, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…

Đề xuất một số giải pháp về chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, căn cứ chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát và nghiên cứu thấu đáo những vấn đề thực tiễn đặt ra, bảo đảm giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh; những vấn đề đã rõ, được kiểm nghiệm trong thực tiễn, đạt được sự thống nhất cao thì xây dựng, ban hành luật để áp dụng thống nhất, đặc biệt là đối với những vấn đề đang được điều chỉnh bởi văn bản dưới luật, những vấn đề thuộc quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển văn hoá, con người Việt Nam, những vấn đề bất cập với thực tiễn và những vấn đề khác chưa được thể chế hoá, theo đó có 4 nhóm chính sách cần quan tâm:

Chính sách về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng (chính sách hạ tầng): Hiện tại Bộ VHTTDL đã hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045. Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để triển khai sớm, hiệu quả Quy hoạch này.

Bộ trưởng đề nghị các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tích hợp quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao trong công tác lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch của tỉnh, bố trí quỹ đất cho các thiết chế này ở các vị trí phù hợp; ưu tiên quỹ đất phát triển thể chế ở khu dân cư, khu đô thị, khu chung cư...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Uỷ ban của Quốc hội, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm tới lĩnh vực văn hóa trong quá trình rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách về thuế, tín dụng, đất đai, cơ chế tài chính, cơ chế khuyến khích sáng tạo trong các luật chuyên ngành để tạo điều kiện huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển văn hóa như.

Chính sách về quản lý, khai thác, hoạt động (chính sách chuyên ngành và liên quan): Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về ưu đãi hưởng thụ văn hóa, môi trường văn hóa, thúc đẩy, hỗ trợ sáng tạo văn hóa nghệ thuật, phát triển thể thao, tạo căn cứ pháp lý; chính sách chuyên môn để định hướng quản lý, khai thác, hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao; chính sách hỗ trợ, tham gia của cộng đồng dân cư trong khai thác, hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn các địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng:  - Ảnh 3.

Quang cảnh Hội thảo

Bộ trưởng đề xuất xây dựng chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đối với tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao mang tính đặc thù; sửa đổi, bổ sung pháp luật về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thiện quy định về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.

Xây dựng, lựa chọn và phổ biến các mô hình tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao hiệu quả, phù hợp với vùng miền, địa phương, dân tộc, đối tượng.

Về Chính sách về huy động các nguồn lực, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP khi sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật PPP.

Bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế khi sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Bổ sung chính sách, quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa.

Đối với các địa phương, Bộ trưởng đề nghị: Xác định rõ tiêu chí những dự án về thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với Quy hoạch mà Nhà nước ưu tiên đầu tư để bố trí kinh phí, tránh đầu tư dàn trải. Phân loại chi tiết các loại dự án thiết chế văn hóa, thể thao có khả năng thu hút được nguồn lực xã hội. Bố trí đủ ngân sách để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao, hỗ trợ kinh phí hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

Chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: Tiếp tục hoàn thiện quy định về các ngành, nghề đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Nghiên cứu sửa đổi chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng đối với cán bộ, viên chức, người lao động làm việc tại các thiết chế văn hóa, thể thao; chế độ ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng hạt nhân năng khiếu về văn hóa, thể thao; phát huy vai trò của địa phương, cơ sở trong tạo nguồn nhân lực quản lý, vận hành, phát huy hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao.

"Bằng các công cụ chính sách pháp luật sẽ khơi thông, huy động nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao là kinh nghiệm của nhiều nước phát triển đã tiến hành, cũng là yêu cầu tiên quyết tạo động lực phát triển văn hóa, thể thao"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ