• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Không "đi tắt, đón đầu", không nỗ lực thì sẽ mất đi thị phần lớn trong phát triển công nghiệp văn hoá

Thời sự 22/03/2023 14:39

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, công nghiệp văn hoá của chúng ta đang đi sau, đang phát triển ở quy mô nhỏ lẻ... Nếu chúng ta không "đi tắt, đón đầu", không nỗ lực thì sẽ mất đi thị phần lớn trong phát triển.

Sáng 22/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0".

Cùng dự và đối thoại với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng các Bộ: VHTTDL, Nội vụ, GD&ĐT, LĐTB&XH, Y tế, TT&TT, KH&ĐT, KH&CN, Ngoại giao, Xây dựng; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và đại diện lãnh đạo các ban của Đảng, các ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam.

Hội nghị được kết nối tới trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thường trực Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên và Hội sinh viên các tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Không "đi tắt, đón đầu", không nỗ lực thì sẽ mất đi thị phần lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ đối thoại với thanh niên

Tại buổi đối thoại, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam nêu ý kiến: "Trong những năm gần đây, với sự bùng nổ thông tin trong thời đại số, có một tín hiệu đáng mừng là nhiều bạn trẻ đã lấy yếu tố dân gian, dân tộc để làm chất liệu chính trên các sản phẩm công nghiệp văn hoá, mang lại những giá trị tích cực cũng như góp phần rất lớn trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên những sản phẩm văn hóa của Việt Nam vẫn chưa có đủ sức mạnh để khẳng định trên thị trường quốc tế, chúng ta cũng đang chịu sự thách thức bởi sự xâm nhập của nhiều sản phẩm xuyên quốc gia. Kính mong Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo có sự quan tâm kịp thời cũng như có những chính sách, chiến lược cụ thể với từng giai đoạn để phát triển những sản phẩm của Việt Nam trong thời gian tới".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Không "đi tắt, đón đầu", không nỗ lực thì sẽ mất đi thị phần lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, mong muốn có những chính sách, chiến lược cụ thể với từng giai đoạn để phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

Công nghiệp văn hóa bước đầu đã thu được kết quả

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, triển khai Nghị quyết của Đảng về công nghiệp văn hoá, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2030. Thực hiện Chiến lược này, Chính phủ xác định có 12 nhóm ngành thuộc về công nghiệp văn hóa và chúng ta phải nỗ lực để xây dựng nó.

Với cách tiếp cận, tổ chức thực hiện việc phát triển công nghiệp văn hoá, dựa trên các trụ cột là tài nguyên văn hóa của Việt Nam, bước đầu chúng ta đã thu được kết quả. Như trước đại dịch COVID-19, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 3,61% GDP cả nước. Kết quả đó thể hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, các doanh nghiệp, những người làm văn hóa đã nỗ lực đưa nền công nghiệp văn hóa Việt Nam có điều kiện hội nhập và phát triển.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng, công nghiệp văn hóa của chúng ta đang đi sau, đang phát triển ở quy mô nhỏ lẻ, nhiều ngành được xác định là lĩnh vực cơ bản nhưng trong thời gian dài vẫn chưa được phát huy một cách mạnh mẽ. Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp này, gần đây nhất, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nội hàm về công nghiệp văn hóa cũng được Trung ương quan tâm, xem xét để đưa vào trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Không "đi tắt, đón đầu", không nỗ lực thì sẽ mất đi thị phần lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại buổi đối thoại sáng 22/3.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đang tham mưu cho Chính phủ trong tổng kết Quyết định 175 về chiến lược văn hóa và sẽ ban hành chiến lược mới về phát triển công nghiệp văn hoá.

Nếu chúng ta không "đi tắt, đón đầu", không nỗ lực thì sẽ mất đi thị phần lớn trong phát triển. Các quốc gia phát triển theo hướng bền vững cũng dựa trên điều này. Hàn Quốc, một đất nước có điều kiện tương đồng về văn hoá, có nhiều điểm gần giống với Việt Nam nhưng họ rất thành công trong công nghiệp văn hoá, như chỉ một ban nhạc Hàn Quốc đóng góp gấp 20 lần nhà máy.

"Chúng tôi cũng đang cơ cấu lại ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chúng ta phải tăng cường hơn cho lĩnh vực du lịch văn hóa bởi sản phẩm du lịch bắt đầu từ sản phẩm của văn hoá. Trong thực tiễn, du lịch đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, và từng bước tiến gần các chính sách của nó là ngành kinh tế tổng hợp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, phải có 4 giải pháp, hay nói cách khác là dựa trên 4 trụ cột. Thứ nhất, Nhà nước phải giữ vai trò kiến tạo, trong đó tập trung để hướng cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, những người thực hành văn hóa ở lĩnh vực này phải bám sát trụ cột tài nguyên văn hoá, bởi tài nguyên văn hóa của chúng ta hết sức phong phú, đa dạng.

Thứ hai, phải dựa trên khoa học công nghệ. Muốn công nghiệp văn hóa phát triển, yếu tố cơ bản vẫn phải là khoa học công nghệ.

Thứ ba là truyền thông. Cuối cùng là vấn đề bảo hộ. Cần ngăn chặn việc lợi dụng nền tảng công nghệ xuyên quốc gia để đánh cắp bản quyền, gây thiệt hại cho nền công nghiệp văn hóa vốn đang non trẻ của chúng ta.

Phát huy hơn nữa vai trò của lớp trẻ để phát triển văn hóa

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nếu phát triển được công nghiệp văn hóa thì sẽ mang lại lợi ích rất to lớn. Gần đây, chúng ta đã tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc và vừa kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam của Đảng với tinh thần "dân tộc – khoa học – đại chúng". Các nhiệm kỳ gần đây, chúng ta cũng chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa và cần quan tâm nhiều hơn nữa để thực hiện chủ trương của Đảng là đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "văn hóa còn thì dân tộc còn".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Không "đi tắt, đón đầu", không nỗ lực thì sẽ mất đi thị phần lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi đối thoại với thanh niên năm 2023

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng, dựa trên nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nội lực gồm 3 trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử phong phú, hào hùng. Theo Thủ tướng, chúng ta cần phải có nhiều giải pháp hơn nữa, vừa kế thừa truyền thống, vừa vận dụng sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại.

Thủ tướng cho rằng, sau Hội nghị văn hóa toàn quốc với chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có những chuyển động lớn cả về mặt nhận thức và hành động của các cấp, các ngành để phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội. Trong đó, Thủ tướng đề nghị phát huy hơn nữa vai trò của lớp trẻ để phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, từ đó biến văn hóa thành nguồn lực phát triển, biến di sản thành tài sản.

Tại Hội nghị, các đại biểu thanh niên đã đặt các câu hỏi và lãnh đạo các bộ, ngành cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời các câu hỏi xoay quanh 3 chủ đề chính: Giáo dục đào tạo, vì mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên; kiến tạo môi trường để thanh niên rèn luyện, khởi nghiệp, sáng tạo./.


Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ