Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Không né tránh, chọn việc dễ bỏ việc khó"
(Tổ Quốc) - Chiều 14/6, Bộ VHTTDL đã tổ chức cuộc họp giao ban công tác quản lý nhà nước về VHTTDL 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 dưới hình thức trực tuyến tại ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thuỷ.
Không né tránh chọn việc dễ, bỏ việc khó
Phát biểu mở đầu buổi giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, nhằm tạo nhiều dấu ấn đột phá, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành. Lần đầu tiên, lãnh đạo Bộ tổ chức giao ban 6 tháng với thành phần mở rộng.
Toàn ngành tập trung nghiên cứu để chuyển đổi tư duy làm văn hóa sang quản lý Nhà nước về văn hoá. Cùng với phiên giao ban khối quản lý Nhà nước do Bộ trưởng chủ trì mỗi tháng là các Hội nghị chuyên đề về xây dựng thể chế và pháp luật thuộc các nhóm ngành của Bộ VHTTDL. Những kết quả đạt được của toàn ngành trong hoàn thiện thể chế đã bước đầu được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Điều này được thể hiện thông qua đánh giá của Chủ tịch Quốc hội trong phiên làm việc với Bộ VHTTDL gần đây.
Bộ trưởng ghi nhận, nhiều hoạt động, sự kiện VHTTDL được tổ chức trong thời gian qua đã góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hoá, tạo các điểm nhấn về du lịch, thể thao. Lãnh đạo Bộ cũng đã phân công các Thứ trưởng trực tiếp giao ban trong từng khối, bước đầu tạo nhiều kết quả thiết thực trong công tác đôn đốc, tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, để quán triệt đầy đủ, thấu đáo công việc và nhằm chấn chỉnh bất cập, tháo gỡ những khó khăn cũng như cảnh báo những vấn đề phát sinh, từ đó để các đơn vị nắm, hiểu rõ và đồng tâm thực hiện thì cần tiếp tục tổ chức các Hội nghị có tính chuyên đề. Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm được Ban cán sự, lãnh đạo Bộ quyết định tổ chức sự tham gia của Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Bộ nhằm quán triệt, triển khai, nhìn lại những công việc chúng ta đã làm được, tháo gỡ những khó khăn đang đặt ra.
Với tinh thần "nghĩ thật, nói thật, làm thật", Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thẳng thắn đề cập, nêu lên những suy nghĩ trăn trở, thảo luận và đóng góp để tiếp tục hoàn thiện báo cáo sơ kết 6 tháng của Bộ. Cần phải đi thẳng vào vấn đề, suy nghĩ thật thấu đáo để phân tích, làm rõ hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân tồn tại để có giải pháp khắc phục.
Bộ trưởng cho biết, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, cũng như trong phiên họp Quốc hội, kỳ họp thứ 5 cũng đã đề cao vai trò văn hoá, khẳng định những bước phát triển quan trọng của văn hoá.
Tuy nhiên, toàn ngành cũng cần nhìn lại trên tinh thần không chủ quan, không tự mãn với kết quả đã có mà phải có cái nhìn thẳng thắn để phân tích, xem xét, thậm chí chỉ ra căn bệnh trầm kha mà chúng ta đã tìm cách khắc phục lâu nay nhưng chưa đầy đủ. Từ đó, đề nghị xem xét, rà soát toàn bộ, nhìn lại xem bất cập trong quản lý, điều hành đã được khắc phục và chấn chỉnh nghiêm túc chưa.
Bộ trưởng cũng đặt ra nhiều câu hỏi lớn về vấn đề sử dụng, phát huy cơ sở vật chất, khối tài sản công mà các đơn vị trong ngành được giao; về sức lan tỏa của cuộc vận động lớn đã và đang được toàn ngành triển khai mạnh mẽ về xây dựng môi trường văn hoá; vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành; vấn đề khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, đầu tư để nâng cấp hệ thống các thiết chế văn hoá, thể thao…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, hơn ai hết, chính chúng ta cần nhìn thẳng và tự tìm câu trả lời những vấn đề này. Đây là thời điểm tất cả phải thẳng thắn, làm việc đúng tinh thần kỷ cương, không né tránh chọn việc dễ, bỏ việc khó. Phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật như tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng từ đầu nhiệm kỳ. Có như vậy thì "cỗ xe tam mã" VHTTDL mới có bước phát triển cao hơn, cho dù nửa nhiệm kỳ đầu toàn ngành đã ghi được nhiều dấu ấn chưa từng có.
Nhìn thẳng vào điểm nghẽn
Tiếp đó, lãnh đạo Bộ VHTTDL và thủ trưởng các cơ quan đơn vị đã đối thoại thẳng thắn vào từng vấn đề, điểm nghẽn của ngành. Một trong những dấu ấn quan trọng mà ngành VHTTDL đã nỗ lực đạt được trong thời gian qua là công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, công tác xây dựng pháp luật của ngành thời gian qua đã được tăng cường sự chủ động, hiệu quả. Bộ đã tham mưu Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý sửa đổi Luật Di sản Văn hóa và một số luật liên quan. Bên cạnh đó, một khối lượng lớn các Nghị định, Thông tư đã và đang được các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ triển khai xây dựng, đảm bảo tiến độ đề ra. Những kết quả này, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái, đã góp phần đưa công tác xây dựng pháp luật tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, đề cao trách nhiệm với tinh thần lập pháp chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa.
Ông Phạm Cao Thái cho rằng, một số đơn vị còn chưa chủ động, chưa dồn hết nguồn lực cho công việc này. Qua kiểm tra công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật tại các địa phương, ông Thái cho biết có một số vấn đề cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ. Chẳng hạn, liên quan đến Nghị định 144/ 2020/NĐ- CP, các địa phương mong muốn Bộ đánh giá, rà soát lại và có những hướng dẫn, giải pháp khắc phục những bất cập đang đặt ra về sự bùng nổ của các cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp…
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương trăn trở, vấn đề Bộ trưởng nêu về trách nhiệm người đứng đầu đặt ra nhiều suy nghĩ đối với công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từng công việc cụ thể ở các đơn vị thuộc Bộ.
Trong nhiều nội dung công việc, theo bà Ninh Thị Thu Hương, cần chỉ rõ hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để từ đó tìm giải pháp khắc phục. Trong những hoạt động có sức lan tỏa lớn mà Bộ phát động như cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, cần nhân rộng những mô hình điểm cũng như tăng cường sự phối hợp từ TƯ đến các địa phương cũng như giữa các cơ quan, đơn vị trong Bộ.
NSƯT Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam bày tỏ, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của lãnh đạo Bộ VHTTDL đã tạo niềm tin, động lực lớn cho các đơn vị trong Bộ, nhất là các đơn vị thuộc khối nghệ thuật. Đó chính là một niềm tin về sự phát triển của ngành trong thời gian không xa.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phát biểu tại buổi giao ban
Tuy nhiên, NSƯT Xuân Bắc cũng chia sẻ một số khó khăn trong hoạt động của Nhà hát hiện nay đó là giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao do thu nhập khó có thể nuôi được đam mê. Trong mấy năm qua, nhiều nghệ sĩ của nhà hát nghỉ việc, từ chỗ 108 người hiện chỉ còn 66 người. Nhà hát đang có 2 đoàn biểu diễn nhưng không thể đi diễn độc lập. Như vở diễn "Đêm trắng" mới đây cần đến 70 người, Nhà hát phải huy động cả đội ngũ thiết kế mỹ thuật, các bộ phận khác để biểu diễn.
Giám đốc Nhà hát Kịch cho biết thêm, hàng năm đơn vị vẫn có kinh phí đặt hàng cho các vở diễn chính trị, nhưng mang đi biểu diễn thì rất khó do vướng quy định. Bên cạnh đó, nghệ thuật truyền thống cũng đang đối mặt với khó khăn đó là có nhiều tác phẩm mang tính giải trí chứ không phải là một tác phẩm nghệ thuật nhưng lại được đông đảo người xem đón nhận.
Theo NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với lĩnh vực nghệ thuật đó chính là chính sách tiền lương, tuổi nghỉ hưu sớm hơn so với các nghề thông thường.
"Lương chỉ hơn 3 triệu mỗi tháng nên nhiều em sau khi đào tạo không muốn vào các đoàn nghệ thuật công lập. Thực tế, nhà đầu tư nghệ thuật tư nhân họ có chính sách marketing rất tốt dù đôi khi sản phẩm của họ lại không bằng sản phẩm nghệ thuật truyền thống. Điều này dẫn đến việc các đoàn nghệ thuật truyền thống cũng không thu hút và giữ chân được người tài.
Bên cạnh đó, một thực trạng được NSƯT Trần Ly Ly đề cập đến đó là có nhiều địa phương cán bộ không thực sự có năng lực tham mưu, cán bộ quản lý lại không am hiểu về lĩnh vực này dẫn đến đề án đưa lên nhiều khi được chấp nhận dễ dàng. Điều này làm giảm chất lượng nghệ thuật, dẫn đến nghệ thuật truyền thống không thu hút được nghệ nhân, nghệ sĩ và cả người dân quan tâm.
Năng động, sáng tạo nhiều hơn để tháo gỡ các nút thắt
Phát biểu từ điểm cầu TP.HCM, ông Nguyễn Thế Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM đề nghị Bộ quan tâm việc thi tuyển viên chức cho các trường đạo tạo thuộc Bộ khu vực phía Nam. Thực tế hiện nay, các trường đang thiếu nhân sự giảng dạy. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của nhiều trường đang xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Vì vậy, ông Dũng mong muốn Bộ xem xét các điều kiện để cho phép các trường đầu tư cải tạo, chống xuống cấp, đáp ứng được nhu cầu đào tạo ngày một tăng.
Đối với lĩnh vực thể thao, Tổng cục trưởng Tổng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, Thể thao thành tích cao trong thời gian qua đã có những tiếng vang lớn, từ thành công của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, 32. Thể thao Việt Nam đã và đang xây dựng được mô hình hiệu quả về đào tạo , nâng tầm thành tích lên tầm cao mới. Cùng với các nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, thể thao cho mọi người, công tác xây dựng văn bản đề án cho lĩnh vực chuyên ngành đã và đang tích cực thực hiện, nhiều vướng mắc đã được giải quyết.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phát biểu tại buổi giao ban
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Bộ VHTTDL, ngành Du lịch đã bắt đầu có những kết quả bước đầu trong phục hồi sau đại dịch. Việc Thủ tướng Chính phủ chủ trì hai Hội nghị về Du lịch trong thời gian cách nhau 3 tháng cũng cho thấy sự quan tâm lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với ngành.
Theo ông Hà Văn Siêu, du lịch nội địa của chúng ta phát triển rất ổn định, nhưng du lịch quốc tế phục hồi chưa được như kỳ vọng. Vì vậy, thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu, phối hợp cùng các đơn vị liên quan để tổ chức có hiệu quả các chương trình xúc tiến quảng bá tại các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…
Phát biểu tại buổi giao ban, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ghi nhận nỗ lực của các đơn vị trong 6 tháng qua đã góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động của toàn ngành, đặc biệt về công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác truyền thông, chuyển tải các thông điệp của ngành đã được các cơ quan báo chí của Bộ thực hiện tốt, đạt nhiều dấu ấn.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy cho ý kiến tại buổi giao ban
Lưu ý trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị cần tích cực, chủ động để nâng cao hiệu quả hoạt động. Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các Uỷ ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc để tham gia các phiên chất vấn, giải trình, các đơn vị cần chú ý nhiệm vụ bộ chủ trì, đặc biệt trong các vấn đề về xây dựng môi trường văn hoá, thiết chế văn hóa cơ sở.
Chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị thuộc khối đào tạo, nhà hát thuộc Bộ, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng các đơn vị cần năng động, sáng tạo nhiều hơn để tháo gỡ các nút thắt. Chẳng hạn, trong đào tạo, cần chú trọng xem giữa đào tạo thực tế và nhu cầu xã hội đang cần có khoảng cách gì. Các Nhà hát cần tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó, đẩy mạnh các chương trình, dự án đến với công chúng, đặc biệt là những chương trình nghệ thuật đỉnh cao…
"Truyền lửa" cho cán bộ bằng một hình ảnh về sự cống hiến, quyết tâm, gương mẫu
Phát biểu kết luận buổi giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, nhìn lại 6 tháng đầu năm, dưới sự đổi mới trong chỉ đạo của tập thể lãnh đạo Bộ theo hướng trọng tâm trọng điểm, sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng hành của các địa phương, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả toàn diện trên cơ sở kế thửa những kết quả đạt được trong các năm trước. Báo cáo của Trung ương Đảng khóa XIII giữa nhiệm kỳ, Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 cũng có những đánh giá tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực VHTTDL.
Về thể chế chính sách, Bộ trưởng cho biết chúng ta đã tập trung rà soát các điểm nghẽn, tham mưu trúng và đúng để ban hành các cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù của ngành. Ngoài các bộ luật để giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, Bộ cũng đã tham mưu để Trung ương đồng ý giao xây dựng Chương trình MTQG về phát triển Văn hóa. Đây là chính sách mang tính toàn diện, tổng thể hơn chương trình trước đây, nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ của ngành Văn hóa mong muốn có được. Đi kèm với đó, Bộ cũng đang nỗ lực để hoàn thiện Chiến lược phát triển thể thao; tính toán đến ngành Công nghiệp văn hóa, ngành Kinh tế thể thao.
Theo Bộ trưởng, chúng ta đang đi một bước căn bản từ tư duy làm VHTTDL đến quản lý nhà nước về lĩnh vực VHTTDL bằng việc kiến tạo chính sách để phát triển. Chúng ta đang dần xóa bỏ tư duy của xã hội khi nghĩ về ngành Văn hóa là "cờ, đèn, kèn, trống". "Chưa bao giờ chúng ta nhận được sự quan tâm lớn từ toàn xã hội như hiện nay" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực lễ hội theo hướng vào cuộc từ sớm, từ xa.
Về du lịch, toàn ngành đã tham mưu đúng, trúng để tháo gỡ điểm nghẽn. Trong đó, về chính sách visa, chúng ta đón nhận một tin rất vui khi Quốc hội chuẩn bị thông qua một luật thay thế hai luật về quản lý xuất nhập cảnh. Chúng ta cũng đã có sự chủ động, kịp thời, đúng hướng trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Điều đáng mừng hơn, các địa phương đã bắt đầu xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch, dịch vụ có tính cạnh tranh. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đạt 60% kế hoạch của năm 2023, du lịch nội địa duy trì sự phát triển ổn định.
Về lĩnh vực Thể thao, theo Bộ trưởng, chúng ta đã tạo ra được dấu ấn mới khi lần đầu tiên Đoàn Thể thao Việt Nam giành được vị trí nhất toàn đoàn tại một kỳ SEA Games không do chúng ta tổ chức.
Một điểm sáng nữa đó là công tác truyền thông chính sách. Bộ trưởng ghi nhận các cơ quan có nhiệm vụ truyền thông trong Bộ đã chủ động để lan tỏa các thông tin tích cực của ngành, đồng thời kịp thời phản ánh những bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục kiên trì, kiên quyết tổ chức thực hiện Nghị quyết 09 của Ban cán sự Đảng Bộ VHTTDL về xây dựng đội ngũ cán bộ ngành VHTTDL đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, chú ý nhiều hơn cho công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều chuyển và kiện toàn các đơn vị.
Bộ trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc. Theo đó, từ nay đến cuối năm hoàn thành có chất lượng các dự án luật, nghị định đã được đưa vào kế hoạch, không được để chậm trễ. Trong đó, huy động trí lực, sức mạnh của toàn ngành để hoàn thành dự thảo Chương trình MTQG về phát triển Văn hóa để tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội thông qua.
Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành Thể thao cần khẩn trương làm ngay Đề án về Kinh tế thể thao trong bối cảnh thị trường thể thao của chúng ta bắt đầu nhận diện. Chúng ta đã tổ chức Hội thảo, đây là cơ sở để hoàn thiện dự thảo đề án trên tinh thần không nặng nề tính học thuật mà phải sát với thực tiễn.
Đối với du lịch, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước, đôn đốc địa phương, doanh nghiệp cùng đất nước tháo gỡ những khó khăn về du lịch. Tổng cục phải sớm trình lãnh đạo Bộ kế hoạch về xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm, tiềm năng, trước mắt là Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Việc này phải làm bài bản, lớp lang với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành.
Về công tác tài chính, Bộ trưởng yêu cầu phân bổ nguồn lực, điều hành ngân sách đúng quy định, quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo công khai minh bạch. Đây chính là điểm rất dễ cản trở sự phát triển mà lãnh đạo Chính phủ vẫn thường xuyên nhắc nhở tất cả các Bộ ngành, địa phương.
"Lãnh đạo ngành VHTTDL phải phát huy tinh thần nêu gương. Khi chúng ta "truyền lửa" cho cán bộ bằng một hình ảnh về sự cống hiến, quyết tâm, gương mẫu thì chính cán bộ sẽ "cháy" hết mình vì công việc" - Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng đó chính là động lực lớn lao để ngành VHTTDL hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó./.