Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Làm lãnh đạo là trách nhiệm nặng nề nên phải nghĩ trước, làm nhiều hơn
(Tổ Quốc) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL quản lý rất nhiều đơn vị, có tới 87 đầu mối vì vậy không thể làm hết đối với các đơn vị, do đó cần phải thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; công tác thanh tra phải quyết liệt khắc phục tình trạng né tránh; không để sai phạm nhỏ thành sai phạm lớn.
Kiến nghị xử lý kỷ luật 1 công chức, kiểm điểm trách nhiệm đối với 3 tập thể
Sáng 19/1, Thanh tra Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác thanh tra hành chính năm 2024. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã dự và chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Thanh Liêm - Chánh thanh tra Bộ cho biết, trong năm 2023, Thanh tra Bộ đã triển khai 7 đoàn thanh tra hành chính theo kế hoạch tại 7 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Nội dung thanh tra gồm thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, thực hiện dự án đầu tư; việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý tài chính, quản lý và sử dụng tài sản công; trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng; trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức...
"Qua công tác thanh tra hành chính trong năm 2023, Thanh tra Bộ đã ban hành các Kết luận, kiến nghị loại khỏi quyết toán hoặc không cho quyết toán tổng số tiền 1.226.925.518 đồng, kiến nghị xử lý kỷ luật 1 công chức, kiểm điểm trách nhiệm đối với 3 tập thể" – ông Lê Thanh Liêm cho biết.
Việc triển khai thực hiện Kế hoạch thanh tra theo đúng nội dung, phạm vi, đối tượng thanh tra, cơ bản hoàn thành tiến độ đề ra. Hoạt động thanh tra đã thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành; xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ kịp thời xử lý, giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật chuyên ngành.
Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ, thông qua hoạt động thanh tra hành chính đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm, khắc phục những bất cập, sơ hở trong công tác quản lý, trong ban hành chính sách pháp luật liên quan đến quản lý tài chính, công tác quản lý, sử dụng tài sản công, công tác quản lý, thực hiện dự án đầu tư, công tác phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Công tác xử lý sau thanh tra được tăng cường.
Đại diện lãnh đạo các đơn vị phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên, một số cuộc thanh tra hành chính phải điều chỉnh thời gian; công tác chuẩn bị tài liệu, báo cáo phục vụ Đoàn thanh tra còn chưa chủ động, thời gian thanh tra trực tiếp còn kéo dài; việc kiến nghị qua thanh tra nhằm điều chỉnh cơ chế chính sách tổng thể, tháo gỡ điểm nghẽn còn hạn chế; việc phối hợp giữa cơ quan thanh tra và đối tượng thanh tra có lúc còn chưa thực sự chặt chẽ...
Về kế hoạch công tác thanh tra hành chính năm 2024, Chánh thanh tra Bộ cho biết, sẽ tập trung vào các nội dung: Đối với thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; thanh tra việc thực hiện quy định pháp luật trong quản lý tài chính, quản lý, sử dụng tài sản công và thực hiện các dự án cải tạo, mua sắm trang thiết bị; thanh tra việc thực hiện quy định pháp luật trong công tác quản lý, thực hiện Dự án đầu tư xây dựng; thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL đã có những thảo luận, đề xuất những ý kiến để công tác thanh tra được thực hiện từ sớm, từ xa, ngày càng hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Hữu Nhường - Phó vụ trưởng vụ III, Thanh tra Chính phủ (trái) và ông Vũ Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ (phải) phát biểu tại Hội nghị
Đều chung đánh giá và ghi nhận về những kết quả của công tác thanh tra của Bộ VHTTDL thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Nhường - Phó vụ trưởng vụ III, Thanh tra Chính phủ và ông Vũ Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Thanh tra Bộ VHTTDL đã bám sát những nhiệm vụ của công tác thanh tra hành chính, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu; công tác thanh tra giúp ổn định sự phát triển của Bộ, ngành.
Không để "bóng tối dưới chân cột đèn"
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, công tác thanh tra, kiểm tra luôn giữ vị trí hết sức quan trọng, ngăn chặn, xử lý các sai sót, sai phạm.
Theo Bộ trưởng, Bộ VHTTDL quản lý rất nhiều đơn vị, có tới 87 đầu mối vì vậy không thể làm hết đối với các đơn vị, do đó cần phải thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; công tác thanh tra phải quyết liệt khắc phục tình trạng né tránh; không để sai phạm nhỏ thành sai phạm lớn, vi phạm nhỏ thành vi phạm pháp luật, dẫn đến việc bị xử lý.
Chính vì vậy, về nhiệm vụ trong năm 2024, Bộ trưởng chỉ đạo công tác thanh tra tập trung vào trách nhiệm, quyền hạn của một số đơn vị, đề cao trách nhiệm của người đúng đầu; xử lý dứt điểm những vấn đề đã có kết luận thanh tra.
"Phải lưu ý thành lập đoàn thanh tra hành chính, đề cao trách nhiệm của thành viên đoàn, để kết luận thanh tra phải được tâm phục, khẩu phục, qua công tác thanh tra, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, không để xảy ra đơn thư khiếu nại, tố cáo, sai phạm" – Bộ trưởng lưu ý.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đối tượng được thanh tra hành chính phải nâng cao ý thức trách nhiệm, coi việc thanh tra là bình thường, thanh tra để ngăn ngừa và nếu có sai thì phải xử lý. Các đơn vị được thanh tra phải chủ động phối hợp, tích cực hợp tác, cung cấp tài liệu đầy đủ, đúng tiến độ, không gây khó khăn cho đoàn thanh tra.
Các đơn vị không nằm trong kế hoạch thanh tra cũng phải rút kinh nghiệm, tự soi, tự sửa, phải chủ động và chuyển biến trong nhận thức của mình, phải làm đúng trách nhiệm, quyền hạn của mình. Phải nắm rõ để phối hợp, để thực hiện đúng trách nhiệm.
Đồng thời, phải dự báo được những vấn đề phát sinh để không xảy ra khiếu nại, tố cáo. Phải xây dựng được môi trường văn hoá ngay từ trong cơ quan, không để "bóng tối dưới chân cột đèn", không thể đi xây dựng môi trường văn hoá trong cả nước mà ngay đơn vị mình lại để xảy ra kiện cáo.
Đối với người đứng đầu các đơn vị, Bộ trưởng lưu ý, làm lãnh đạo là trách nhiệm nặng nề nên phải nghĩ trước, làm nhiều hơn.
Bộ trưởng cũng đặt hàng, Công đoàn Bộ chủ trì, cùng với Thanh tra và Pháp chế, tổ chức triển khai sâu rộng Luật Thanh tra bằng nhiều hình thức. Theo đó phải tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị hiểu biết chức trách, nhiệm vụ, từ đó đề cao trách nhiệm, tránh sai sót./.