Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu 5 từ khóa phát triển Cục Du lịch quốc gia Việt Nam
(Tổ Quốc) - Nêu 5 từ khóa để phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa, có quyết tâm cao, khát vọng lớn, ước mơ đẹp để có đóng góp tích cực, phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.
Chiều 29/12, tại Hà Nội, Cục Du lịch quốc gia - Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng dự hội nghị.
Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón từ 17 đến 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024
Phát biểu khai mạc Hội nghị Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, năm 2023 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, sự phục hồi của ngành du lịch thế giới đã diễn ra chậm hơn so với dự báo. Trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có sự phục hồi thấp nhất.
Trong nước, nền kinh tế tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài đã ảnh hưởng nhiều tới sự phục hồi và phát triển của du lịch Việt Nam.
Trong bối cảnh phải sắp xếp lại về tổ chức bộ máy từ Tổng cục Du lịch thành Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (từ ngày 1/7/2023), Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã nỗ lực vượt khó, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trên nhiều lĩnh vực như tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường công tác quản lý nhà nước; thúc đẩy các hoạt động quản lý lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, hướng dẫn viên, khu điểm du lịch, truyền thông xúc tiến quảng bá, chuyển đổi số.. qua đó cùng toàn ngành đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
Tại hội nghị, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, trong năm 2023, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Bộ VHTTDL, với tinh thần "Quyết liệt, hiệu quả, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm", Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã tích cực, chủ động tìm giải pháp, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch.
Nhờ đó, Du lịch Việt Nam năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, chỉ số năng lực cạnh tranh được nâng cao, vị thế và hình ảnh Du lịch Việt Nam ngày càng rõ nét hơn trên bản đồ du lịch thế giới.
Trong đó, tổng số khách du lịch quốc tế trong năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt khách, đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12 - 13 triệu lượt) của năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa đạt 108,2 triệu lượt; vượt 6,0% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng, vượt 4,35% so với kế hoạch năm 2023.
Năm 2023, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tiếp tục vinh dự nhận danh hiệu "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2023" lần thứ 4 sau các năm 2017, 2021 và 2022. Tại Lễ trao giải thưởng toàn cầu, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức giải thưởng du lịch quốc tế (WTA) vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới". Cũng tại đây, nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhận được nhiều hạng mục giải thưởng danh giá khác. Ngoài ra, Làng du lịch Tân Hóa (Quảng Bình) vinh dự nhận giải thưởng "Làng du lịch tốt nhất" do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao tặng.
Nhìn chung, năm 2023 là một năm có nhiều điểm nhấn, sự kiện đáng nhớ của toàn ngành du lịch nói chung và với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ quan Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nói riêng và toàn Ngành du lịch nói chung còn gặp những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Trong đó, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đảm bảo yêu cầu về tần suất, độ phủ tới các thị trường trọng điểm, chưa tổ chức được các hoạt động xúc tiến du lịch quy mô và tầm vóc quốc gia.
Sự phục hồi du lịch chưa đồng đều ở một số địa phương. Công tác quản lý điểm đến có nơi, có lúc còn chưa sâu sát, để xảy ra hiện tượng tăng giá dịch vụ, giá vé máy bay, nhất là trong các dịp lễ tết, chèn ép du khách. Liên kết, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và tăng tốc phát triển giữa các ngành, lĩnh vực chưa thật sự chặt chẽ.
Về nhiệm vụ trong năm 2024, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019.
Tuy nhiên mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực. Nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới; quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch sẽ ngày một rõ nét.
Với những phân tích, dự báo đó, năm 2024 ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
Nhiều nỗ lực, cố gắng để vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ chung
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, khép lại năm 2023, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn ngành du lịch. Nhìn tổng thể du lịch đã có sự phát triển, đạt được nhiều kết quả, cán đích về các chỉ tiêu đón khách quốc tế và trong nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, vai trò quản lý nhà nước của Cục Du lịch quốc gia trong thành công chung là không thể phủ nhận.
Về mặt thể chế, năm qua, Cục Du lịch đã chủ động tham mưu Bộ trưởng để đề xuất tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật và khắc phục các điểm nghẽn trong lĩnh vực du lịch. Trong đó, đã cùng Bộ Công an và Bộ Ngoại giao tìm cách tháo gỡ điểm nghẽn về vấn đề visa thông qua việc sửa luật về xuất nhập cảnh.
"Việc Quốc hội thông qua việc sửa đổi 2 luật về xuất nhập cảnh ngay trong 1 kỳ họp đã thể hiện sự quyết tâm rất cao của Chủ tịch Quốc hội là xây dựng luật để kiến tạo sự phát triển và tháo gỡ điểm nghẽn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Cục Du lịch đã tham mưu đúng và trúng để Bộ đề xuất Chính phủ tổ chức liên tiếp 2 hội nghị về phát triển du lịch. Đây là những hội nghị rất quan trọng, có ý nghĩa hiệu triệu, thúc đẩy và đôn đốc triển khai phát triển du lịch.
"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Thủ tướng Chính phủ chủ trì liên tiếp hai hội nghị quan trọng về du lịch trong 1 năm. Việc Thủ tướng chủ trì các hội nghị này đã tạo được hiệu ứng chỉ đạo rõ rệt và tạo ra kết quả cụ thể là Nghị quyết 82 của Chính phủ. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa dẫn đường cho công tác chỉ đạo của ngành du lịch", Bộ trưởng chia sẻ.
Ngoài ra, chúng ta đã hoàn thành quy hoạch cấp quốc gia về du lịch. Đây là quy hoạch quan trọng cho sự phát triển, xác định được đâu là điểm đến quốc gia, đâu là các trục trung tâm lớn, dòng sản phẩm chủ lực để có định hướng phát triển.
Điểm nhấn có dấu ấn quan trọng tiếp theo trong năm 2023 đó là chúng ta đã tổ chức thành công 2 hội chợ về du lịch ở Hà Nội và TP.HCM và Năm Du lịch quốc gia với chủ đề "Hội tụ xanh" ở Bình Thuận.
Bên cạnh đó, ở chức năng quản lý nhà nước, trong năm vừa qua Cục Du lịch đã tổ chức một số cuộc kiểm tra, giám sát theo chức năng chuyên ngành và qua kiểm tra đã có sự chấn chỉnh để góp phần khắc phục các sai phạm trong quản lý điểm đến.
Bộ trưởng ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Cục Du lịch quốc gia đã đạt được trong năm vừa qua và mong muốn Cục sẽ tiếp tục phát huy những việc đã làm được trong năm 2024.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế trong hoạt động của Cục Du lịch quốc gia thời gian qua.
Trong đó, về chức năng quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho rằng việc nghiên cứu để phát hiện các điểm nghẽn, khoảng trống về mặt pháp luật cho lĩnh vực du lịch còn chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó, chưa có đề xuất bổ sung, điều chỉnh kịp thời.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Du lịch cần dành nhiều thời gian, chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương để phát hiện, đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn và đưa ra các dòng sản phẩm du lịch mới.
Bên cạnh đó, việc phản ứng chính sách còn chưa nhanh nhạy, kịp thời, nhất là những vấn đề có tính chất truyền thông.
Ngoài ra, công tác truyền thông chính sách cũng cần phải làm tốt hơn nữa. Bộ trưởng cho rằng việc truyền thông chính sách về du lịch không chỉ là chức năng của báo chí mà Cục Du lịch quốc gia cần có sự chủ động để làm tốt công tác này.
Phải có quyết tâm cao, khát vọng lớn, ước mơ đẹp
Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ mà Cục Du lịch quốc gia đặt ra trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gợi ý 5 từ khóa để Cục Du lịch quốc gia hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Từ khóa đầu tiên là "thể chế". Bộ trưởng đề nghị năm 2024, Cục Du lịch phải tập trung, chủ động rà soát để phát hiện và tháo gỡ các điểm nghẽn, cố gắng hoàn thiện được những thông tư đang còn nợ và các cam kết quốc tế về du lịch mà vừa rồi Việt Nam đã tham gia ký kết.
Cục Du lịch cần chủ động đề xuất với Bộ để có sự liên kết với các bộ, ngành, địa phương cùng phát triển du lịch. Chẳng hạn, đề xuất làm việc với Bộ NNPTNN về du lịch nông nghiệp, với Bộ TTTT về số hóa du lịch hay với Bộ Công an về Đề án 06 về dữ liệu dân cư để phân tích thị trường khách du lịch.
Từ khóa thứ hai là "quản lý". Theo Bộ trưởng, ngoài quản lý bằng công cụ pháp luật thì còn có quản lý bằng công tác thống kê. Phải thực hiện số hoá, sử dụng công nghệ để có được các số liệu thống kê chính xác nhất phục vụ cho công tác quản lý.
Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh quản lý hoạt động lữ hành và quản lý hướng dẫn viên theo đúng phân cấp. Công khai rõ công tác quản lý của Bộ, Cục và của các Sở địa phương.
Từ khóa thứ ba là "cán bộ". Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, Bộ trưởng đề nghị Cục Du lịch quốc gia rà soát, đánh giá cán bộ, có sự phân cấp và xếp loại. Phải quản lý cán bộ theo sản phẩm, mức độ hoàn thành công việc và tư duy cách làm mới trong công việc.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Du lịch khẩn trương tổ chức tuyển dụng các cán bộ có chất lượng từ nguồn của đề án 140 cũng như qua thi tuyển cán bộ. Đồng thời yêu cầu cán bộ Cục Du lịch quốc gia nâng cao hơn nữa trình độ, ngoài chuyên môn tốt cũng cần phải đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ, tin học.
Từ khóa thứ tư là "xúc tiến". Bộ trưởng đề nghị Cục Du lịch quốc gia phối hợp chặt chẽ với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, có kế hoạch sử dụng hợp lý, phát huy tối đa hiệu quả của nguồn kinh phí từ Quỹ.
Từ khóa cuối cùng là "tử tế". Bộ trưởng cho rằng phải tử tế với công việc, phải có ước mơ, hoài bão và khát vọng vươn lên.
Nhắc lại 4 phép tính cho cuộc đời mà Bộ trưởng đã từng chia sẻ đó là: "Cộng thêm yêu thương, trừ đi sự ghen ghét đố kỵ, nhân lên sự nhân nghĩa và chia sẻ trách nhiệm với nhau", Bộ trưởng mong muốn các cán bộ của Cục có ứng xử nhân văn, chia sẻ chia công việc với nhau để cùng phát triển.
Cuối cùng, Bộ trưởng mong muốn Cục Du lịch quốc gia sẽ nỗ lực hơn nữa, có quyết tâm cao, khát vọng lớn, ước mơ đẹp để có đóng góp tích cực, phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị./.