(Tổ Quốc) - Sáng 05/4/2024, tại trụ sở UBND TP.HCM, Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM để đánh giá, triển khai và đóng góp xây dựng ngành VHTTDL tại TP.HCM. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì.
Cùng tham dự đoàn công tác Bộ VHTTDL có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, đại diện lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Thể dục Thể thao; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, cùng đại diện lãnh đạo các Sở VHTT, Sở Du lịch,...
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi rất hân hoan và phấn khởi khi Đoàn công tác Bộ VHTTDL do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm trưởng đoàn đã quan tâm và dành thời gian vào TP.HCM cùng trao đổi, góp ý và triển khai các hoạt động trọng tâm của TP.HCM trong thời gian qua và những phương hướng, hoạt động trong thời gian tới ở lĩnh vực VHTTDL.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Đây là dịp, là cơ hội để Bộ VHTTDL được lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Sở VHTT và Sở Du lịch cũng như Thành phố trong công tác quản lí nhà nước về VHTTDL. Từ đó, Bộ VHTTDL sẽ có những góp ý, đóng góp chân thành xây dựng và định vị vị trí thành phố hạt nhân của TP.HCM trong lĩnh vực VHTTDL".
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng VHTTDL Hồ An Phong cho biết, với tiềm năng, thế mạnh và sức bật của thành phố văn minh - năng động – sáng tạo – nghĩa tình như TP.HCM thì phải phát huy vai trò "đầu tàu" hạt nhân trong phát triển VHTTDL, trong đó có du lịch – văn hóa. Đơn cử như mục tiêu 6 triệu lượt khách quốc tế đến TP.HCM trong năm 2024 là khá khiêm tốn trong khi Thành phố là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước.
"Muốn thực hiện được khát vọng trên thì Thành phố cần mở băng thông, xúc tiến vận tải, cụ thể là mở đường bay thẳng đến các địa phương, các nước khác với những chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho du khách. Khai thác các sản phẩm du lịch – nhất là du lịch văn hóa từ những sản phẩm rất nhỏ như cà phê tour, cà phê vỉa hè, ăn uống vỉa hè, đường phố,...
Đặc biệt, tận dụng phát huy tiềm năng sông Sài Gòn với các sản phẩm đặc trưng non nước Nam Bộ, thậm chí lưu trú trên sông. Có như thế mới tạo sự bứt phá cho ngành du lịch Thành phố", Thứ trưởng Hồ An Phong chia sẻ.
Cùng quan điểm với Thứ trưởng Hồ An Phong, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, du lịch Thành phố chưa phát triển cân xứng với tiềm năng vốn có. Thành phố cần hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất, liên kết hợp tác, kích cầu du lịch, trong đó có vé máy bay, các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa độc đáo. Có thể xem xét phát huy đa dạng các sản phẩm du lịch như TP.Thủ Đức, Cần Giờ phát triển sinh thái, du lịch xanh; khu vực Trung tâm là du lịch lịch sử - văn hoá, du lịch đêm; hay loại hình du lịch lễ hội, sự kiện (Mice – Golf), sông nước,...
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng khẳng định, TP.HCM là thành phố thu hút khách lớn nhất lượng khách Inbound vào Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay quy định về tiêu chuẩn hướng dẫn viên còn chưa chặt chẽ. Vai trò hướng dẫn viên bản địa (trong nước) còn mờ nhạt khi khách quốc tế đến Việt Nam. Đoàn khách quốc tế đến Việt Nam không sử dụng hướng dẫn viên trong nước khiến cho vai trò "Đại sứ văn hóa du lịch" không được phát huy.
Về lĩnh vực văn hóa, theo bà Vi Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, nhìn chung Thành phố đã tạo điều kiện phát triển môi trường văn hoá. Có thể thấy lĩnh vực này đang được đầu tư quy mô; loại hình Karaoke, vũ trường quản lí trật tự xã hội; hoạt động liên quan đến quảng cáo đảm bảo; có bộ tiêu chí xây dựng văn hóa nơi công cộng và có mô hình điển hình; các hoạt động văn hóa quần chúng được quan tâm;...
"Đối với ngành quảng cáo, Thành phố cần lưu ý tăng cường công tác thanh kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời quảng cáo ngoài trời, trong đó đặc biệt là quảng cáo rao vặt. Cần quan tâm đời sống văn hóa người lao động gắn với đặc thù của Thành phố...", bà Vi Thanh Hoài chỉ rõ.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Thành phố rất quan tâm đến vấn đề quảng cáo, nhất là quảng cáo trên phương tiện giao thông, quảng cáo trên môi trường mạng, cũng như quảng cáo của người nổi tiếng, văn nghệ sĩ,...
Riêng về lĩnh vực thể thao, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ định hướng tập trung phát triển thể thao học đường. Muốn làm được điều này cần có sự liên kết Bộ VHTTDL và Bộ GDĐT. Đồng thời, TP.HCM đang đầu tư và dần hoàn thiện cơ sở vật chất cho ngành TDTT để chuẩn bị đăng cai các Đại hội TDTT cấp quốc gia, khu vực và thế giới.
Trong thời gian gần 3 tiếng đồng hồ làm việc, đại diện ngành VHTTDL của Thành phố cũng như các Cục liên quan của Bộ VHTTDL đã cùng chia sẻ những kết quả đạt được cũng như những vướng mắc, khó khăn và cần sự quan tâm, tham mưu kịp thời của Bộ VHTTDL về 3 lĩnh vực then chốt là văn hóa, thể thao và du lịch. Nhiều ý kiến của đại diện hai bên đã gợi mở nhiều vấn đề khó khăn, cách làm hay, sáng tạo... Trong đó, văn hóa và du lịch là hai lĩnh vực được cả hai bên dành nhiều thời gian trao đổi.
Phát biểu tổng kết buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ghi nhận những ý kiến của đại diện các đơn vị chuyên môn hai bên. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhận định kết quả ngành VHTTDL TP.HCM thời gian qua có thể thấy, Thành phố đã làm tốt khi kết hợp kinh tế và văn hóa trong hài hoà. Biết phát huy tài nguyên văn hoá. Làm du lịch từ sản phẩm văn hoá, có sự kết hợp nhuần nhuyễn, tạo ra các sản phẩm mới đặc thù địa phương như du lịch sông nước, du lịch đêm, du lịch sự kiện,... với thông điệp "Mỗi tháng một sự kiện".
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, TP.HCM cần sớm ban hành Nghị quyết về phẩm chất con người Thành phố trong thời đại mới. Nghiên cứu xây dựng đề án Thành phố sáng tạo lấy lĩnh vực là thế mạnh như Thành phố điện ảnh; Xác định công nghiệp văn hóa là hoạt động văn hóa có thu nhập; Không ngừng đổi mới sáng tạo; Xây dựng văn hóa quần chúng từ cấp thôn xóm, xã phường; Tăng cường quản lí nhà nước về du lịch và nên xã hội hóa các hoạt động về du lịch; Tập trung lĩnh vực thể thao quần chúng và từ đó phát hiện nhân tài cho thể thao thành tích cao.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ đồng hành với TP.HCM trong tham mưu, lập hồ sơ, đôn đốc để UNESCO sớm công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới. Bộ VHTTDL cũng sẵn sàng ủng hộ, đồng hành cùng Thành phố đăng cai các sự kiện VHTTDL tầm quốc gia và quốc tế.
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Đoàn công tác về những ý kiến, góp ý và chia sẻ thiết thực, nghiêm túc trước những mặt được và chưa được.
"Thành phố ghi nhận những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của Bộ trưởng và cam kết với Bộ trưởng về việc tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác quản lí nhà nước đối với lĩnh vực VHTTDL trên địa bàn. Thành phố cũng khẳng định luôn xem các đơn vị sự nghiệp của Bộ VHTTDL đóng trên địa bàn TP là một phận không tách rời.", Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.